Ký ức Hà Nội: Âm thanh rộn ràng trong con ngõ nhỏ xưa cũ

Đinh Thành Trung Thứ hai, ngày 01/08/2022 10:00 AM (GMT+7)
Bỗng một ngày hè nhớ lại những ký ức lang thang Hà Nội xưa cũ, thấy nhớ những con ngõ nhỏ chẳng nhớ nổi tên.
Bình luận 0

Âm thanh rộn ràng mà bình yên đến không ngờ luôn được tìm thấy trong bất kỳ con ngõ nào ở Hà Nội. Âm thanh của cuộc sống, của sự mưu sinh của những con người nhỏ bé so với đất mẹ bao la. Ngõ Hà Nội là thế, là nơi đáng đến của những kẻ tâm hồn mơ mộng, hay người dân nào trót để tâm hồn mình gắn chặt, bám rễ ở Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Hà Nội có vô số con ngõ lớn nhỏ. Một ngày đẹp trời hay xấu trời bạn có thể thả hồn trong mấy con ngõ tách biệt với thế giới bên ngoài. Hà Nội của chúng ta là đây. Tôi đang ở trong một con ngõ như thế. Ngõ nhỏ mà có đủ cả dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống: Mấy quán hàng ăn bán phỏ, bún, bánh mì; Hiệu thuốc và trường học... đủ tạo không gian ríu rít của đám trẻ tan trường. Chỉ sau nửa tiếng sau tiếng trống tùng tùng, ngõ trở lại vẻ tĩnh lặng vốn có. 

Cũng lang thang đủ trong con ngõ này rồi phải không? Tôi luôn tự hỏi mình như vậy, hoặc thỉnh thoảng đặt câu hỏi với người đi cùng. Đôi khi, tôi tạt vào một quán nước trong ngõ, gọi một chén nước chè ấm nóng dù là mùa hè hay mùa đông. Ngõ bây giờ nhà cửa san sát nhưng vẫn đủ chừa ra một khoảng không gian đón ánh nắng sớm hay vẫn có thể thấy lờ mờ một ngôi sao đêm.  

Cứ ngước lên nhìn thì thấy ngõ Hà Nội đó. Vẫn có nét xưa, vẫn có thể tìm thấy một chút gì của thế hệ trước, kể cả các ngõ mới. Tôi đi đến một ngõ toàn nhà ống hiện đại. Giật mình thấy mấy chữ được viết theo kiểu ngày xưa. Rồi nhà ai đó đặt một tấm biển gần cột điện để báo cho người ta biết ở chỗ đó có hàng sửa giày. Dù công cuộc mưu sinh cứ gắn chặt lấy số phận con người thì ngõ nhỏ ở Hà Nội vẫn có một thứ không thay đổi suốt mấy chục năm nay, đó là tiếng người cười nói, lăn lộn để có miếng cơm manh áo.

Những ngõ nhỏ ở Hà Nội bây giờ cũng vừa trải qua cuộc chiến dai dẳng với dịch bệnh. Mỗi con ngõ như một pháo đài được các chiến binh sống trong đó cố gắng gìn giữ. Tôi đi ngang qua một con ngõ vẫn treo biển "vùng xanh" mà thấy ấm lòng. Bản chất của những con ngõ này có đông người dân sinh sống, tắt lửa tối đèn có nhau. Bình thường có khi chỉ đi ngang qua nhau nhưng khi có sự cố xảy ra thì tất cả đều chung tay đoàn kết. 

Ký ức Hà Nội: Âm thanh rộn ràng trong con ngõ nhỏ xưa cũ - Ảnh 2.

Một con ngõ nhỏ sâu hun hút ở phố cổ Hà Nội. Ảnh: Đinh Thành Trung.

Những con ngõ vừa hiện đại vừa truyền thống của Thủ đô trải qua biến cố có lẽ là lớn nhất kể từ khi hình thành những cộng đồng nhỏ. Họ nương tựa vào nhau, cùng bỏ qua tất cả những xích mích thường nhật để thể hiện một tình đoàn kết chưa bao giờ khăng khít như thế. Mới mấy tháng trước thôi, tinh thần chống dịch của những con ngõ ấy đã góp phần quan trọng vào thành quả chung khi Thủ đô Hà Nội có số ca tăng nhanh đến không ngờ. 

Tôi lại trở về thói quen lang thang trong mấy ngõ phố. Dịch cũng đã được kiểm soát rồi, ngõ lại nhộn nhịp như chưa bao giờ gặp biến cố. Cảnh vật trong ngõ vẫn thế. Cuộc sống trở lại bình thường. Khi cơn bão có tên dịch bệnh dần trở thành lịch sử thì con người chúng ta lại nghĩ về những kỷ niệm không thể nào quên.

Tiếng loa phường liên hồi giục giã. Mội hàng người xếp ngay ngắn trong ngõ, nối bước nhau đi xét nghiệm. Già trẻ lớn bé giữ khoảng cách với nhau, lo lắng nhìn nhau với khuôn mặt khẩu trang đầy lo lắng. Bây giờ thì đã qua rồi ngõ ơi!

Những con ngõ ở Hà Nội đi cùng năm tháng. Đó có thể coi là một cộng đồng, một xã hội thu nhỏ. Có những ngõ lớn có dân số lên đến vài ngàn người với hàng trăm gia đình. Cảm giác được dạo bước trong những con ngõ, đếm từng tiếng tích tắc tưởng tượng của thời gian thật đặc biệt. Chân mỏi, sà vào một hàng quán nào đó trong ngõ, thấy đời thật đẹp!

Bài viết Âm thanh rộn ràng trong con ngõ nhỏ xưa cũ dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem