Ký ức Hà Nội: Bát phở đêm "mê hoặc lòng người" trên con phố cổ

Nguyễn Thị Yến Anh (TP.Hồ Chí Minh) Thứ sáu, ngày 23/09/2022 11:36 AM (GMT+7)
Gánh phở đặc biệt chỉ bán từ 3 giờ sáng ở phố cổ Hà Nội và thông thường đến 7 giờ sáng là hết sạch.
Bình luận 0

Mỗi khi ra Hà Nội, bao giờ tôi cũng giữ thói quen đi dạo quanh phố cổ về đêm và lúc sáng sớm. Cũng bởi không khí vào những thời điểm ấy của Thủ đô vô cùng bình yên, chỉ còn những con phố dài xa tít tắp chiếu sáng bời hàng nghìn bóng đèn cao áp, thi thoảng vang lên những tiếng nhạc không lời từ một số quán cà phê đêm, trước khi bừng lên những sắc thái sôi nổi vào ban ngày. 

Đặc biệt là khi một mình đi dạo phố phường Hà Nội vào những đêm hè, không khí dịu mát hẳn, người qua lại cũng thong dong hơn.

Khi biết tôi có dịp ra Hà Nội, một người đồng nghiệp quen biết lâu năm, nhắn bảo: "Em cứ ra đi, chị sẽ dành cho em những trải nghiệm thú vị". Quả đúng như vậy, khi tôi vừa hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, chị đã điện thoại, khẽ khàng nhắc tôi nhớ để chuông báo thức đến 4 giờ sáng, để cùng đi ăn phở ở gánh Hàng Chiếu.

Vốn biết về gánh phở đặc biệt chỉ bán từ 3 giờ sáng ở phố cổ Hà Nội và thông thường đến 7 giờ sáng là hết sạch nhưng chưa có dịp đi ăn bao giờ nên tôi cực kỳ háo hức. 

Chị bạn tôi còn chia sẻ thêm thông tin là gánh phở này đã tồn tại gần 30 năm, món ngon đặc biệt nhất là phở sốt vang, thường được bán hết từ 5 giờ sáng. Đặc biệt hơn là giá phở ở đây cũng không quá đắt, chỉ dao động từ 40 đến 45 ngàn một bát, tùy món chúng ta lựa chọn.

Ký ức Hà Nội: Bát phở đêm "mê hoặc lòng người" trên con phố cổ - Ảnh 1.

Bát phở sốt vang khiến nhiều du khách bị mê hoặc, nhớ mãi. Ảnh: Nguyễn Thị Yến Anh

Tối hôm ấy, thay cho thói quen thức khuya để hoàn thành nốt một số công việc dở dang, tôi đi ngủ sớm hơn thường lệ. Cũng bởi, công việc có thể làm cả đời, nhưng những dịp được trải nghiệm cảm giác…chờ ăn phở đêm giữa lòng Thủ đô thì thật sự hiếm hoi. 

Sáng hôm sau, như có phản xạ tự nhiên, không cần chờ đến tiếng chuông báo thức, tôi thức dậy từ rất sớm khi chưa đến 4 giờ sáng. Khẽ khàng mở nhẹ cánh cửa sổ của khách sạn, một luồng gió lạnh mang theo không khí ẩm ướt của đất trời tràn vào, khiến tôi khẽ rùng mình. Hóa ra, trời đã mưa rả rích suốt đêm qua mà bản thân không hay biết. 

Chị đồng nghiệp của tôi đến đúng hẹn, trùm kín mình trong chiếc áo khoác, hỏi thăm: "Em có lạnh không?". Tôi khẽ lắc đầu. 

Mặc dù trên đường, không khí lạnh thật, nhưng tôi vẫn thích khoác nhẹ một chiếc áo mỏng, để đầu trần, chỉ vì muốn mái tóc mình ướt thấm mưa phùn, nhằm tận hưởng trọn vẹn không khí giao mùa và cái lạnh chớm nhẹ của đất trời Hà Nội những ngày cuối hạ đầu thu.

Hai chị em cứ thế đi ngang qua mấy con đường vắng không một bóng người là đến ngã tư Hàng Đường – Hàng Chiếu. Quán phở hiện ra trước mắt, với đôi quang gánh giản dị, một bên đặt nồi nước dùng, phía còn lại đặt bát, đũa, thìa. Một nồi sốt vang không quá lớn xếp bên cạnh, tỏa mùi hương thơm lừng, với những miếng thịt bò nâu đậm, nửa nổi nửa chìm trong làn nước vàng óng ánh mở béo ngậy, làm hai vị khách mệt mỏi vì đi bộ buổi sáng như chúng tôi, bừng tỉnh và phấn chấn hẳn.

Tôi quan sát thấy trước mặt bà chủ gánh hàng là một cái mâm với thịt bò tươi óng ánh sắc đỏ đậm, thịt bò chín trắng thái lát mỏng. Bên cạnh gánh phở đã bày đủ đầy gia vị với ớt tươi, chanh, hạt tiêu…Thùng bánh phở trắng ngần đặt cạnh bên bà chủ đang thong thả, chậm rãi bốc bánh, chan nước dùng cho khách, khiến tôi khá ấn tượng. 

Chị đồng nghiệp đi cạnh, cười bảo: "Em cứ thong thả chờ hai bát phở sốt vang của mình. Đừng giục bà chủ nhé. Hà Nội không vội được đâu, em ạ". Tôi gật đầu đồng tình với chị.

Ký ức Hà Nội: Bát phở đêm "mê hoặc lòng người" trên con phố cổ - Ảnh 3.

Phố cổ về đêm luôn nhộn nhịp, huyên náo. Ảnh: Gia Khiêm.

Có lẽ câu "Hà Nội không vội được đâu" rất đúng trong hoàn cảnh này, khi một số khách hàng trẻ tuổi ngồi tại các bàn khác cứ luôn miệng giục: "Nhanh giúp cháu đi cô ạ". Một Hà Nội về đêm thong thả mưu sinh, bình lặng sống chậm, càng khiến một người hay có xu hướng sống vội vã như tôi, cảm thấy thiện cảm nhiều hơn với vùng đất này.

Trong lúc điềm tĩnh ngồi chờ đến lượt mình, tôi đưa mắt nhìn ngắm xung quanh. Cả quán nhỏ với không gian chỉ chưa đến mười cái bàn nhựa và ghế thấp, để dành làm nơi ngồi ăn cho khách. Khách hàng trong quán cũng muôn hình vạn trạng từ những người ăn mặc lịch sự, tao nhã đến nhiều người rõ là dân lao động, khuân vác, chạy chợ. Thế mới hay, sự phân biệt giàu nghèo, bất bình đẳng trong xã hội có thể diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới này, nhưng tại một góc quán nhỏ, nghi ngút khói và hương thơm của phở, thì mọi người đều bình đẳng như nhau.

Cuối cùng thì bát phở sốt vang tôi chờ đợi cũng được mang ra. Theo quan sát của tôi thì bát phở này không nhiều thịt như phở Bát Đàn, song nhìn cũng khá đầy đặn. Phần thịt sốt vang khác biệt với thịt nơi khác là chỉ nấu bằng thịt nạc, do đó ít béo hơn. 

Miếng thịt được hầm nhừ, ngon ngọt, khi cho vào miệng nhai rất đậm đà vị bò, rất nhừ nhưng vẫn nguyên sớ thịt, hòa cùng nước phở thơm và trong vắt. Nhìn một bát phở sốt vang ấm sực giữa đêm mưa Hà Nội để thấy được biết bao tâm tư, tình cảm của người nấu.

Mưa cứ thế rơi rả rích, tôi co ro trong tấm áo khoác, cứ thể thong thả ngồi nhấm nháp vị ngon của bát phở sốt vang. Khẽ khàng thêm vào chút rau ngò gai, vắt miếng chanh mọng nước, thêm vào vài lát ớt đỏ tươi, mùi thơm của tô phở khiến cả vị giác, khứu giác và cả thị giác của tôi như được lấp đầy. Không gian dường như tĩnh lặng hoàn toàn, thời gian cũng vì thế mà trôi chậm hơn. 

Ký ức về một buổi sớm tinh sương, bình lặng ngồi thưởng thức bát phở cuối đêm đầu ngày, cũng do đó mà trở nên trọn vẹn hơn trong tâm trí tôi.

Bài viết Bát phở đêm "mê hoặc lòng người" trên con phố cổ dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem