Ký ức Hà Nội: Hà Nội là thế, luôn tồn tại một niềm tự hào

Đinh Thành Trung Chủ nhật, ngày 26/06/2022 11:24 AM (GMT+7)
Hà Nội 11 năm về trước trong ký ức của tôi là một Hà Nội hòa bình, thân thương, mến khách, cùng với đó là các di tích lịch sử nổi tiếng...
Bình luận 0

Một ngày cuối hè cách đây hơn 11 năm, khi con đường gốm sứ ven sông Hồng dần thành hình, tôi cùng mấy ông bạn chọn một chỗ gần Bờ Hồ hàn huyên. Trong lúc cao hứng, một tay buột miệng hỏi: "Nói hơi thô, nhưng cái con đường này không biết sau chục năm nữa có còn không nhỉ?". Tôi đốp ngay vào trán hắn: "Cái đồ... gàn dở, biểu tượng mới đấy, nghệ thuật cả đấy". Chưa cần đến chục năm, tôi đã nhớ về cái sự gàn dở kia mà có chút gợn lòng. Con đường vẫn còn đó, dù đến gần nhìn thì vẫn có gạch vỡ, vẫn mất mảng nọ kia và mùi ở một số nơi thì không được tốt cho lắm. 

Vâng, con đường vẫn còn đó, vẫn rất đẹp nếu nhìn từ xa. Và nếu bằng con mắt thiển cận thì việc con đường bị xuống cấp theo thời gian là xấu, là không tốt, nhưng nếu nhìn từ phía người tích cực thì: công trình nào cũng sẽ in dấu thời gian thôi, tồn tại hơn chục năm là quá tốt rồi, ta cứ cải tạo và nâng cấp thôi.

Rồi đúng người ta làm thế thật. Nối dài thêm con đường tuyệt vời ấy, cải tạo nâng cấp lại tác phẩm đó. Bạn trẻ vẫn cứ check-in, chụp ảnh tía lia bằng những chiếc điện thoại đời mới. Khách du lịch vẫn thích thú ngắm nhìn từ xa, dù vẫn chu mũi khi đến gần đoạn nào có "mùi hơi khó ngửi".

Ừ thì không được cái nọ cũng phải được cái kia chứ. Một người góp ít, hoặc không góp công sức bảo tồn, tu tạo thì ít nhất cũng cho cái like, cũng góp câu comment để lan tỏa văn hóa Hà Nội chứ. Chỉ thế thôi mà không làm được, suýt bỏ quên rồi.

Ký ức Hà Nội: Hà Nội qua ký ức 11 năm về trước - Ảnh 2.

Một góc Hà Nội cũ. Ảnh: Thành Trung

Hà Nội - thành phố vì Hòa Bình. Hơn 11 năm từ một ngàn năm Thăng Long rồi, một tháng sau ngày kỷ niệm giải phóng Thủ đô. Đội tuyển bóng đá Việt Nam đã tặng cho người dân Thủ đô và cả nước một chiến thắng vẻ vang tại SEA Games. 

Từ Mỹ Đình, những dòng người đỏ thắm ùa về trung tâm, tỏa ra khắp các con phố. Hà Nội là thế. Kệ  mấy chuyện linh tinh, cứ xem bóng cái đã. Râu ria, lộn nhộn, lùm xùm thì cũng kệ đó. Hà Nội ngày này thật đoàn kết. Đố ai dám ho he một câu cầu cho đội nhà thua, kể cả người không thích bóng đá. Thẳm trong tim mấy tay không quan tâm, hoặc bận công lo việc, vẫn còn tồn tại một niềm tự hào là người Hà Nội đã ăn sâu vào tiềm thức, rồi họ vẫn hòa cùng đoàn người chức mừng những chiến binh làm rạng danh đất nước.

Ừ, tâm thế hơn 11 năm từ một ngàn năm cũng chẳng có gì đặc biệt, chỉ là tự hào nói chung thôi, chỉ có một chút suy nghĩ thiệt hơn về thời cuộc. Nhớ hồi 2010, cụm từ hội nhập còn chưa được nhắc đến nhiều, dù chúng ta cũng nhận một chút chòng chành khi cuộc khủng khoảng kinh tế ở châu Âu lan đến, tác động. Hàng dệt may xuất đi bị trả lại, mấy công ty lo lắng, đứng ngồi không yên, còn dân công sở vẫn sà vào cà phê vỉa hè hai chục ngàn một cốc trên Hàng Hành, dân buôn bán vẫn tha hồ đánh từng chuyến hàng phân đi Hàng Đào, Chùa Bộc. 

Ừ, cuộc sống vẫn vậy, vẫn lo lắng về thời cuộc nhưng thấp thỏm thì vẫn còn nhẹ lắm. Hơn 11 năm sau, nhiều từ mới xuất hiện. 4.0 rồi hội nhập, rồi internet kết nối vạn vật. Thủ đô là trung tâm, Thủ đô đón nhận cái đó đầu tiên bên cạnh các cực khác như Sài Gòn, Đà Nẵng. Một làn sóng mới ập đến, tưởng dịu nhẹ mà dồn dập, kéo những người bàng quan vào cuộc chơi, kéo những tay vô lo vô nghĩ phải đứng ngồi không yên. 

Một tối giữa năm 2022, trong cái không khí tưng bừng ấy, không khí của Thủ đô và của chiến thắng trên sân cỏ, một kẻ mà phần bàng quan lớn hơn phần háo hức như tôi cũng chỉ biết gõ lạch cạch trên chiếc bàn phím cũ, tuôn ra quan điểm của một người bình thường ở Thủ đô. Thủ đô ngàn năm lẻ mười một năm văn hiến, chất thơ vẫn ở đó, văn hóa vẫn ở đó, truyền thống vẫn là trụ cột nâng đỡ cho xã hội. 

Hàng triệu người nơi đây, dân gốc có, dân nhập cư có, và sự phân biệt cũng không còn đậm lòng như trước, tất cả hòa tan hơn, kết nối hơn. Trong số dân Hà Nội, có một bộ phận người mà không ít người trẻ cho là bảo thủ, trì trệ, cũng biết tự đốt cháy lớp da chết đeo bám, cũng biết tự đón nhận cái mới, dù có chút chậm rãi. Thì cũng đã mấy lần sơ tán trong lịch sử, trong chiến tranh rồi đó thôi. 

Thủ đô cũng để lại, cũng di tản đi để hướng tới việc lớn, hướng tới mục tiêu chung là ca khúc khải hoàn. Hà Nội lúc đó giống như loài cua, dũng cảm lột xác để tiến tới ánh sáng rực rỡ của niềm tin. Còn niềm tin ấy có trở thành sự thật hay không thì tương lai sẽ cho chúng ta câu trả lời.

Một ngàn năm lẻ mười một năm, dù dưới góc nhìn nào, nếu đã sống, đã bám trụ nơi đây, đã hít không khí đậm đặc trong thành phố ấy, thì hãy cùng nắm lấy sợi dây kết nối, dù cho sợi dây đó trong mắt ta là sợi chỉ hay dây thừng vững chắc. Để rồi, chúng ta tích hợp những con người với nhau, cùng chống chịu trước những cơn bão của thời đại.

Bài viết Hà Nội qua ký ức 11 năm về trước dự thi Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội trên Chuyên mục Hà Nội Hôm nay (Báo Điện tử Dân Việt). Kính mời độc giả gửi bài viết dự thi về địa chỉ email cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc gửi thư đến địa chỉ Ban Bạn đọc, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tác phẩm gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải nhất trị giá 10 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 01 Giải nhì trị giá 7 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận; 02 Giải ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận và 05 Giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng kèm Giấy chứng nhận


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem