Kỳ vọng thị trường “ấm” trở lại, doanh nghiệp địa ốc đặt kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 09/04/2021 15:24 PM (GMT+7)
Kế hoạch kinh doanh năm 2021 của các doanh nghiệp (DN) địa ốc trong năm 2021 được đặt ra đầy tham vọng khi thị trường bất động sản (BĐS) dần “ấm”lại sau đại dịch Covid-19; đặc biệt là kỳ vọng nhiều điểm nghẽn pháp lý cho dự án sẽ được gỡ, đồng thời các địa phương khởi động guồng quay phát triển kinh tế nhiệm kỳ mới…
Bình luận 0
Kỳ vọng thị trường “ấm” trở lại, doanh nghiệp địa ốc đặt kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng - Ảnh 1.

Giới đầu tư quan tâm đến bất động sản khu vực phía Đông TP.HCM (Ảnh: Quốc Hải)

Từ lạc quan đến… tham vọng

Mới nhất, Tập đoàn Địa ốc Nova (Novaland, HoSE: NVL) vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2021 theo đó, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu thuần năm nay đạt gần 27.500 tỷ đồng, gấp 5,5 lần so với kết quả đạt được trong năm 2020. Lợi nhuận sau thuế dự kiến 4.100 tỷ đồng, tăng trưởng 5% so với thực hiện năm trước. Đối với hoạt động đầu tư, Novaland có kế hoạch tiếp tục kinh doanh và phát triển 23 dự án, trong đó có 15 dự án tại TP.HCM và các dự án còn lại ở Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Khánh Hòa.

Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ phát triển hai dự án mới, bao gồm một dự án nhà ở tại khu Đông TP.HCM và một dự án nghỉ dưỡng tại một trong ba tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng.

Mới đây, tại ĐHĐCĐ thường niên 2021, "ông lớn" BĐS Phát Đạt (HoSE: PDR) cũng thông qua kế hoạch năm 2021 đầy tham vọng với doanh thu dự kiến đạt 4.700 tỷ đồng, tăng 20%; lợi nhuận sau thuế 1.868 tỷ đồng, tăng hơn 53% so với năm 2020. Đặc biệt, từ ngành nghề kinh doanh BĐS dân dụng thuần túy, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Phát Đạt cho biết, năm nay PDR mở rộng thêm sang mảng lĩnh vực BĐS công nghiệp với dự án đầu tiên có quy mô 24 ha tại khu vực cảng Cái Mép (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

"Trong bối cảnh nhu cầu BĐS công nghiệp gia tăng, Phát Đạt hợp tác với những đối tác Nhật hàng đầu để triển khai mô hình khu công nghiệp đô thị kiểu mới và kỳ vọng lĩnh vực này sẽ giúp Phát Đạt tiếp tục hái thêm nhiều trái ngọt", Chủ tịch PDR Nguyễn Văn Đạt, kỳ vọng.

Trong khi đó, với Công ty CP Đầu tư LDG (HoSE: LDG), doanh nghiệp này đặt kế hoạch lên tới 1.574 tỷ đồng doanh thu thuần năm 2021 (tăng 13% so cùng kỳ) và 301 tỷ đồng lãi sau thuế (gấp 23 lần năm trước). Ông Nguyễn Minh Khang, Tổng giám đốc LDG tự tin cho rằng, chỉ trong 2-3 năm tới thị trường "sẽ nhìn thấy một LDG hoàn toàn mới sau giai đoạn đáng quên năm vừa qua…".

Sở dĩ, LDG có sự tự tin là bởi doanh nghiệp này đang sở hữu quỹ đất quy mô không kém cạnh nhiều doanh nghiệp khác. Theo đó, đơn vị này hiện có 15 dự án đã và đang phát triển, trong đó nổi bật là những dự án có vị trí đắc địa như: Khu dân cư Lâm Viên Sinh Thái; Khu chung cư Viva Tower; Khu căn hộ LDG River; TTTM Viva Square…

Kỳ vọng thị trường “ấm” trở lại, doanh nghiệp địa ốc đặt kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng - Ảnh 2.

Nhiều chủ đầu tư tự tin sẽ đạt kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2021 (Ảnh: Quốc Hải)

Với Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - TTC Land (HoSE: SCR), trong tài liệu họp cổ đông công bố mới đây, DN này đặt kế hoạch kinh doanh năm 2021 với doanh thu thuần dự kiến đạt 1.502 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 230 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 64% và 12% so với năm trước.

Tuy nhiên, đáng chú ý với TTC Land là kế hoạch "khủng" cho giai đoạn 5 năm mà DN này dự tính công bố với cổ đông. Cụ thể, doanh thu thuần dự kiến sẽ tăng trưởng bình quân hơn 30%/năm, từ mức 918 tỷ đồng năm 2020 lên mức hơn 3.600 tỷ đồng năm 2025, tương ứng mức tăng trưởng gần 4 lần sau 5 năm. Lợi nhuận trước thuế sẽ tăng trưởng bình quân hơn 35%/năm, từ mức 205 tỷ đồng năm 2020 lên mức hơn 1.000 tỷ đồng năm 2025, tương ứng mức tăng trưởng gần 5 lần.

Để đảm bảo cho chiến lược tăng trưởng này, theo TTC Land, ngoài 11 dự án hiện hữu đang triển khai, công ty sẽ tiếp tục tìm kiếm phát triển những dự án mới thuộc các khu đô thị vệ tinh ven TP.HCM như Đồng Nai, Long An, hoặc những nơi có đầu tư hạ tầng mạnh như Phú Quốc…

Bất động sản Thế Kỷ (HoSE: CRE) cũng đặt mục tiêu đầy tham vọng cho năm 2021 khi đề ra mức tổng doanh thu thuần 4.000 tỷ đồng, tăng trưởng 89% so với năm trước và đồng thời cũng là mức kỷ lục kể từ ngày ra đời. Kèm theo đó, CRE cũng dự phóng lợi nhuận sau thuế là 355 tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với thực hiện trong năm 2020.

Hàng loạt DN BĐS khác như An Gia, FLC, DRH Holding… cũng đặt kế hoạch kinh doanh đầy lạc quan trong năm 2021. Chẳng hạn, An Gia (AGG) dự kiến doanh thu thuần đạt 3.600 tỷ đồng và lãi ròng 500 tỷ đồng, lần lượt gấp đôi và tăng gần 21% so với năm 2020.

Và những kỳ vọng về pháp lý

Để đạt được những kế hoạch đề ra, các DN BĐS đều có những chiến lược tái cơ cấu mạnh. Tại TTC Land, DN này dự kiến sẽ trình ĐHĐCĐ thường niên 2021 thông qua việc miễn nhiệm 4 thành viên HĐQT và bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT mới. Trong 3 thành viên HĐQT này, có 2 thành viên đang là ban Lãnh đạo cấp cao của CTCP Toàn Hải Vân, đơn vị thuộc Tập đoàn TTC và đang sở hữu dự án Selavia Bay Phú Quốc với quy mô 290 ha.

Điều này sẽ góp phần giúp TTC Land có cơ hội tiếp cận M&A những dự án tiềm năng tại thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam, cũng như tạo bước đệm cho quá trình hợp tác phát triển sau này tại dự án Selavia Bay Phú Quốc.

Ngoài ra, trong chiến lược 5 năm tới DN này cũng bật mí: "BĐS dân dụng vẫn là mảng kinh doanh chủ lực của TTC Land, tạo sự tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận, đóng góp lớn nhất vào cơ cấu lợi nhuận với tỷ trọng khoảng 70% - 85%. BĐS cho thuê tạo ra nguồn thu nhập ổn định, giúp cân đối chi phí hoạt động, đóng góp tỷ trọng từ 10% - 15%.  Và hoạt động kinh doanh phân tán là mảng kinh doanh mới, giúp DN đa dạng hóa nguồn thu, tối ưu hóa nguồn vốn trong ngắn hạn, đóng góp khoảng 5% - 10".

Kỳ vọng thị trường “ấm” trở lại, doanh nghiệp địa ốc đặt kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng - Ảnh 4.

Kỳ vọng thị trường "ấm" trở lại, các DN địa ốc tự tin với kế hoạch kinh doanh năm 2021

Trong khi đó, với Bất động sản Thế Kỷ (HoSE: CRE), để chuẩn bị cho tham vọng này, trong vòng một tháng cuối năm 2020, CRE đã tổ chức 4 cuộc họp phê duyệt các khoản chi hàng trăm tỷ đồng để đầu tư thứ cấp.

Ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch HĐQT CRE, cho hay, chiến lược thứ cấp giúp DN có thể chủ động nguồn hàng cũng như tiết giảm được chi phí, từ đó gia tăng biên độ lợi nhuận trong ngắn hạn…

Tất nhiên, một yếu tố không kém phần quan trọng tạo nên sự tự tin của nhiều DN địa ốc trong năm 2021 là việc sau khi bộ máy nhân sự mới ở các cấp được hoàn thiện, nhiều điểm nghẽn pháp lý cho dự án sẽ được gỡ, đồng thời các địa phương cũng khởi động guồng quay phát triển kinh tế nhiệm kỳ mới. Tất cả các yếu tố này sẽ giúp cho thị trường BĐS ấm lại.

"Thời gian qua, dịch Covid-19 tác động, cùng với những vướng mắc về pháp lý khiến cho thị trường BĐS khá ảm đạm. Hiện tại, khi bộ máy nhân sự mới các cấp được hoàn thiện, điều chúng tôi quan tâm nhất là những vướng mắc về pháp lý sẽ được tháo gỡ. Khi đó, DN sẽ tự tin bứt phá sau chuỗi ngày lao đao vì đại dịch Covid-19", lãnh đạo một DN địa ốc, chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm này, báo cáo mới đây của SSI nhận định, thị trường nhà ở năm 2021 sẽ cải thiện dần với việc các quy định pháp luật đã được sửa đổi, hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ tích cực hơn cùng với ý chí chính trị của bộ máy nhân sự mới trong việc sớm giải quyết những điểm nghẽn cho thị trường. Mặt khác, lãi suất dự báo tiếp tục duy trì ổn định ở mức thấp sẽ hỗ trợ khả năng thanh toán của người mua nhà với tỷ lệ sử dụng thế chấp tăng.

Tuy nhiên, các chuyên gia của SSI cũng chỉ ra một thực tế rằng, chỉ có những chủ đầu tư có uy tín, đi đúng xu hướng và đúng thời điểm với quỹ đất sẵn sàng phát triển quy mô lớn, tọa lạc ở các địa điểm tiềm năng, là bên giành chiến thắng trong điều kiện hiện tại...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem