Chế biến thực phẩm tinh tế để Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới

Khương Lực Thứ tư, ngày 06/07/2022 20:56 PM (GMT+7)
Kỳ vọng sớm đưa Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới, 40 doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực chế biến thực phẩm đã trưng bày nhiều sản phẩm bắt mắt, có mẫu mã, chất lượng cao nhằm giới thiệu những đặc sản nổi tiếng của các địa phương đến với lãnh đạo và cán bộ, công chức tại trụ sở Bộ NNPTNT.
Bình luận 0

Chiều 6/7, Công đoàn Bộ NNPTNT phối hợp với Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập tổ chức tọa đàm và trưng bày sản phẩm sáng tạo tiêu chuẩn và chất lượng con đường Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới. 

Chế biến thực phẩm tinh tế để Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới - Ảnh 1.

Để trở thành bếp ăn của thế giới, Việt Nam phải chế biến thực phẩm một cách tinh tế, chất lượng. 

 Ảnh: Khương Lực.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ, buổi tọa đàm và trưng bày này có điều thú vị và bất ngờ, đó là: Dù không phải là khách mời, nhưng đích thân Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đã đến khu trưng bày sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo mang chủ đề "Tiêu chuẩn và Chất lượng - con đường Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới" tại Xưởng thứ Bảy, không gian sáng tạo mới của Thủ đô Hà Nội.

"Sau khi tham quan, Bộ trưởng hỏi các bạn trẻ có thể đem hết sản phẩm sang Văn phòng Bộ NNPTNT được không thì các bạn đồng ý hết"- bà Hạnh nói và cho biết có hơn 40 doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo tham gia trưng bày sản phẩm thực phẩm được chế biến từ các đặc sản nổi tiếng, sản xuất theo hướng hữu cơ của các địa phương, trong đó chủ yếu là tại miền Trung và miền Bắc.

Theo bà Hạnh, những điều thú vị và bất ngờ này cho thấy sự đồng tâm giữa lãnh đạo bộ và những doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo trẻ. "Nếu có hỗ trợ về công nghệ, về kỹ thuật, về nguồn nhân lực, về kết nối với thị trường trong nước cũng như thế giới thì chúng ta sẽ tạo được một sức bật rất mạnh mẽ cho lực lượng trẻ. Tôi thấy càng ngày các bạn càng chứng minh tiềm lực rất tự tin và rất mạnh" - bà Hạnh nói.

Chế biến thực phẩm tinh tế để Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới - Ảnh 2.

Chị Đỗ Lan Hương, Giám đốc Nghiên cứu và phát triển sản phẩm Reo Coffee giới thiệu sản phẩm cà phê từ mô hình cà phê vườn rừng, mong muốn lan tỏa rộng để Việt Nam sớm trở thành bếp ăn của thế giới.

Ảnh: Khương Lực

Tham gia buổi trưng bày, chị Đỗ Lan Hương, Giám đốc Nghiên cứu và phát triển sản phẩm Reo Coffee cho biết, trong hơn 5 năm qua, công ty luôn kiên trì đi theo câu chuyện về thương hiệu cà phê vườn rừng lành và sạch, được chế biến thủ công và tinh tuyển để nâng cao giá trị hạt cà phê.

"Người dân tham gia hệ sinh thái cà phê vườn rừng sẽ có thu nhập tốt hơn, thay vì chỉ thu từ cà phê như trước kia" - chị Hương nói và cho biết rất muốn lan tỏa rộng câu chuyện về cà phê vườn rừng tới các nước trồng nhiều cà phê hoặc bị tác động từ biến đổi khí hậu. 

Theo chị Hương, mỗi gói, túi cà phê được bán ra, doanh nghiệp sẽ trích quỹ đấy để trồng rừng. Điều này đã tạo ra sự lan tỏa, ảnh hưởng rất lớn đối với mọi người muốn uống cà phê sạch gắn với lan tỏa hệ sinh thái cà phê vườn rừng.

Tham quan khu trưng bày, các đại biểu có thể trực tiếp thưởng thức và nghe giới thiệu về các sản phẩm chế biến bắt mắt, có mẫu mã, chất lượng cao của các doanh nghiệp. Trực tiếp tham gia chế biến món salad phở sắn trộn tôm, thịt, chị Trần Ngọc Nghĩa, giảng viên ẩm thực ở tỉnh Đồng Nai cho biết, phở sắn là món ăn có nguyên liệu chính làm từ củ sắn (củ khoai mì). Đây là món ăn đặc sản ăn nổi tiếng của người dân huyện miền núi Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. 

"Mọi người nghe nói làm phở sắn hay tưởng tượng là tô phở đó rất nhiều nước, giống như phở bò, phở gà, đó là hình ảnh quá quen thuộc. Với từ phở sắn này, nó hoàn toàn khác phở bò, phở gà, nó là một dạng tinh bột sắn - một loại bánh phở đẹp nhất Việt Nam mà trong giới đầu bếp chúng em đánh giá" -  chị Nghĩa chia sẻ.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, tại thời điểm này, Việt Nam đã xuất khẩu nông lâm thủy sản đi 180 nước trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD và dự kiến năm 2022 đạt 55 tỷ USD.

"Hiện nay, Việt Nam đang có khoảng 7.500 doanh nghiệp đang chế biến nông sản, giá trị nông sản chế biến sau thu hoạch được 35%. Như vậy còn 65% chưa có chế biến gì và bán tươi, bán thô. Đấy cũng là con số rất lớn ở Việt Nam" - ông Hiệp nói và cho rằng hướng đi của 40 doanh nghiệp tham gia trưng bày là hướng đi đúng, nhằm nâng cao giá trị nông sản và sớm thực hiện giấc mơ đưa Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới.

Chế biến thực phẩm tinh tế để Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, trong chiến lược phát triển của ngành NNPTNT, Việt Nam phấn đấu là trung tâm sản xuất và xuất khẩu nông sản ra thế giới, còn chúng ta đang mơ một giấc mơ cao hơn là Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới. Ảnh: Khương Lực.

Theo ông Hiệp, trong chiến lược phát triển của ngành NNPTNT, Việt Nam phấn đấu là trung tâm sản xuất và xuất khẩu nông sản ra thế giới. Chính vì thế, Bộ NNPTNT đang sửa đổi và sớm ban hành các chủ chương, chính sách, cách tiếp cận mới, trực tiếp hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến thực phẩm.

"Cam kết của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan là luôn luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Cùng với các quan điểm chỉ đạo mới, tất cả nguồn lực, trí tuệ, đề án của các đơn vị thuộc Bộ đang làm từ nay đến cuối năm sẽ xong tập trung chủ yếu vào vấn đề chuyển đổi nông nghiệp từ thiên về sản lượng chuyển sang chất lượng. 

Chúng tôi sẽ chỉ đạo để chuyển đổi nâng cao giá trị sản xuất và giá trị của nông nghiệp đúng tiêu chí, sản phẩm của các doanh nghiệp hiện nay, không chỉ là bán sản phẩm mà trong đó có tâm hồn người Việt, có câu chuyện, lịch sử, văn hóa ở trong đấy" - ông Hiệp khẳng định.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem