Lai Châu: 8X bỏ việc nhà nước về trồng vườn lan rừng Hoàng thảo kèn bạc tỷ vạn người mê

Thanh Ngân Thứ tư, ngày 23/06/2021 19:02 PM (GMT+7)
Đang làm cán bộ văn hóa với mức lương ổn định, anh Hoàng Văn Oanh (SN 1981) quyết định xin thôi việc, về nhà trồng vườn lan rừng bạc tỷ vạn người mê. Trong khu vườn lan rừng của anh Oanh có duy nhất loài hoa lan rừng “vạn người mê”, đó là hoa lan Hoàng thảo kèn Lai Châu.
Bình luận 0

Vườn lan rừng của anh Oanh nằm ngay bên đường Tôn Đức Thắng, thuộc tổ 7 (phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu). 

8X Lai Châu bỏ việc chuyên môn về chăm vườn lan bạc tỷ vạn người mê - Ảnh 1.

Anh Hoàng Văn Oanh, phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu trồng và kinh doanh lan Hoàng thảo kèn Lai Châu từ năm 2016.

Đó là khu nhà lưới, khung sắt, được bao quanh bởi những tấm lưới thép, mái lợp lưới và nilon. Bên trong nhà lưới, hàng nghìn chậu lan rừng tươi tốt, treo lủng lẳng ở 2 giàn trên, dưới, đều tăm tắp, nhìn khá bắt mắt.

Theo anh Oanh, phong lan tượng trưng cho khí chất người quân tử. Nó có sức sống mãnh liệt. Trước phong ba bão táp, nắng nóng, phong lan rừng vẫn sinh trưởng, phát triển tốt. Hơn nữa, hoa lan rừng rất đa dạng về loại, loại nào cũng đẹp mỗi khi nở hoa, khoe sắc. 

"Tôi mê phong lan rừng cũng vì lẽ đó. Tôi chơi lan từ nhiều năm rồi, nhưng làm kinh tế thì mới được vài năm trở lại đây thôi" - anh Oanh mở đầu câu chuyện về lan.

Qua câu chuyện với anh Oanh, được biết: Năm 2016, anh Oanh mới tính đến chuyện trồng lan rừng và kinh doanh phong lan rừng. 

Anh không "ôm đồm" nhiều loài hoa lan, mà chuyên tâm trồng và chăm sóc loài phong lan đặc hữu được hàng nghìn người yêu thích, đó là lan Hoàng thảo kèn Lai Châu.

"Nhắc đến Hoàng thảo kèn thì không thể không nhắc đến Hoàng thảo kèn Lai Châu. Hoàng thảo kèn được xem là giống lan đặc sản của vùng núi Lai Châu. Hoàng thảo kèn Lai Châu có đặc điểm khuôn bông tròn đều, mùi thơm dịu nhẹ, sắc hoa tím hơn kèn ở nơi khác...", anh Oanh tiết lộ.

E sợ loài lan quý hiếm này bị tuyệt chủng trước sự khai thác bừa bãi ở trong rừng của một số người dân, anh Oanh mới nghĩ đến chuyện lấy quả về gieo hạt để nhân giống. 

Sở dĩ anh chọn Hoàng thảo kèn là vì muốn góp chút công sức vào việc bảo tồn và phát triển giống lan quý hiếm đặc hữu ở tỉnh Lai Châu này. 

Trong danh mục các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Lai Châu cũng có nhắc đến phong lan rừng, nên anh càng vững tâm hơn khi lựa chọn lan Hoàng thảo kèn...

8X Lai Châu bỏ việc chuyên môn về chăm vườn lan bạc tỷ vạn người mê - Ảnh 2.

Anh Hoàng Văn Oanh đầu từ hơn 500 triệu đồng làm nhà lưới, khung sắt để trồng lan Hoàng thảo kèn Lai Châu.

Nghĩ là làm, năm 2016, anh Oanh mạnh dạn thuê hơn 500m2 đất liền kề với 2 lô đất của gia đình để làm nhà lưới trồng lan rừng đặc hữu.

Thay vì mua hoa lan giống của người dân khai thác trong rừng, anh Oanh lấy quả từ những cây lan Hoàng thảo kèn Lai Châu trong vườn nhà mà anh chăm chút bấy lâu, gửi về Viện nghiên cứu rau quả Trung ương nhờ gieo hạt, nhân giống. 

Mỗi lần, anh Oanh nhập hàng nghìn cây lan giống về trồng trong chậu và chăm sóc cẩn thận. Chẳng bao lâu, những chậu lan trong vườn nhà anh Oanh phát triển tươi tốt, treo kín cả giàn trên, giàn dưới.

"Sau khi tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội, tôi xin vào Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Lai Châu. Làm đúng chuyên ngành mình đã học, tôi không nghĩ là sẽ từ bỏ công việc ở Đội tuyên truyền lưu động của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Lai Châu để trồng lan...", anh Oanh kể.

Theo anh, phần vì đã trót đầu tư cả tỷ bạc vào vườn lan, phần vì nhận thấy có thể làm giàu được từ loại cây mà mình yêu thích, nên mới đây anh đã quyết định bỏ việc chuyên môn, ở nhà chuyên tâm chăm lan...

8X Lai Châu bỏ việc chuyên môn về chăm vườn lan bạc tỷ vạn người mê - Ảnh 3.

Bất lỳ ai lạc bước đến vườn lan của anh Oanh cũng bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp của hàng nghìn giò Hoàng thảo kèn Lai Châu, nhất là vào mùa lan nở hoa, khoe sắc.

Chỉ tay lên mái lưới, anh Oanh vui vẻ nói: "Trồng lan Hoàng thảo kèn trong nhà lưới có thể kiểm soát được lượng nước, sương muối và nắng nóng. Cây phong lan rừng sẽ sinh trưởng và phát triển tốt hơn...".

Theo anh Oanh, nếu để ngoài trời mà không che chắn gì cả thì cây hoa phong lan rất dễ bị thối ngọn khi mưa kéo dài. Tùy từng giai đoạn sinh trưởng của lan mà anh có chế độ chăm sóc, bón phân phù hợp.

Anh sử dụng vỏ thông để làm giá thể trồng lan. Khi đưa cây vào trồng trong chậu, anh cho chúng "ăn" nhiều đạm để cây nhanh phát triển thân và lá. 

"Ở thời kỳ tạo thân, thì tôi lại bón nhiều ka li và lân để thúc đẩy chiều cao. Trong giai đoạn cây nghỉ chờ hoa, tôi bón phân trung vi lượng để cây lan cho nhiều hoa, bền hoa và phát triển mầm gốc. Vì "nhốt" lan trong nhà lưới nên mỗi ngày tôi tưới cho chúng 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều", anh Oanh chia sẻ.

Theo anh Oanh, phong lan rừng, trong đó có Hoàng thảo kèn Lai Châu muốn "có ăn" thì phải thường xuyên thăm nom, phòng trừ sâu bệnh trên cây lan.

Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, nhánh lan rừng Hoàng thảo kèn Lai Châu thường xuất hiện các loại sâu bệnh hại như: Rệp đỏ, sâu đục thân, sên nhớt và ốc sên. Để phòng sên nhớt và ốc sên xuất hiện trên cây lan...

8X Lai Châu bỏ việc chuyên môn về chăm vườn lan bạc tỷ vạn người mê - Ảnh 4.

Vườn lan nhà anh Oanh rộng hơn 750m2, với khoảng 1,5 vạn chậu kèn Lai Châu đang sinh trưởng, phát triển tốt.

"Tôi xử lý kĩ giá thể trước khi đưa cây giống vào trồng. Còn đối với rệp đỏ và sâu đục thân thì tôi dùng thuốc sinh học để phun phòng theo định kỳ 6 tháng 1 lần, vừa để xua đuổi vừa diệt trừ khi chúng xuất hiện. Làm tốt khâu phòng trừ sâu bệnh và cho ăn đủ dinh dưỡng, cây lan sẽ sinh trưởng, phát triển tốt, nở hoa đều đặn" - anh Oanh thông tin.

Trong vườn lan rừng nhà anh Oanh hiện có khoảng 1,5 vạn chậu lan Hoàng thảo kèn lai Châu, với nhiều độ tuổi khác nhau. 

Năm 2020, anh Oanh bán ra thị trường khoảng 2.000 chậu lan Hoàng thảo kèn Lai Châu, với giá bình quân 500.000 đồng/chậu, anh Oanh thu trên dưới 1 tỷ đồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem