dd/mm/yyyy

Lai Châu: Hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung

Ngành nông nghiệp tỉnh Lai Châu trong những năm gần đây có nhiều bước tiến vượt bậc. Nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung được hình thành ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh. Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đời sống, thu nhập của người dân trên địa bàn tỉnh ngày càng cải thiện và nâng cao.

Nằm ở địa đầu Tây bắc của Tổ quốc, Lai Châu là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước. Đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Vài năm trở lại đây, ngành nông nghiệp của tỉnh Lai Châu đạt được nhiều bước tiến quan trọng. Người dân các huyện, thành phố trong tỉnh đã có sự thay đổi lớn cả về tư duy và nhận thức. Thay vì sản xuất tự cung, tự cấp như trước, nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn hơn trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất theo hướng hàng hóa.

Lai Châu: Hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung - Ảnh 1.

Trên địa bàn tỉnh Lai Châu có nhiều vùng sản xuất lúa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, tỉnh Lai Châu đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp. Năm 2014, tỉnh Lai Châu đã xây dựng ban hành Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đề án này đã có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các huyện, thành phố trong tỉnh. Song song với việc triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Lai Châu chỉ đạo đẩy mạnh hỗ trợ người dân phát triển sản xuất thông qua việc thực hiện các chương trình của Chính phủ như: 30a, 135, chương trình xây dựng nông thôn mới...

Không chỉ hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nông cụ sản xuất, các huyện, thành phố của tỉnh Lai Châu còn tăng cường công tác dạy nghề, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật cho người dân. Được tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề ngắn hạn, người dân các xã, bản trên địa bàn tỉnh mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất thâm canh, tăng vụ theo hướng hàng hóa.

Lai Châu: Hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung - Ảnh 2.

Nhiều hộ dân ở Lai Châu có thu nhập ổn định từ nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện.

Bức tranh nông nghiệp ở các huyện, thành phố của tỉnh Lai Châu cũng nhờ đó mà ngày càng tươi sáng hơn. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sản xuất, tỉnh Lai Châu đặc biệt chú trọng tới đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu. Nhiều công trình: Giao thông, thủy lợi... được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất cho người dân, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ngày càng phát triển.

Ông Nguyễn Văn Thăng - Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên (Lai Châu) cho biết:  Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, huyện Than Uyên đã khẩn trương rà soát, quy hoạch các vùng sản xuất, trong đó chú trọng tới các cây trồng có thế mạnh trên địa bàn như: Lúa, chè. Huyện Than Uyên cũng đặc biệt quan tâm tới việc khai thác tiềm năng thủy sản trên các lòng hồ thủy điện. Trên cơ sở quy hoạch các vùng sản xuất, huyện Than Uyên chỉ đạo các xã tập trung thực hiện. 

Lai Châu: Hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung - Ảnh 3.

Cây chè là một trong những cây trồng chủ lực ở tỉnh Lai Châu.

Đến thời điểm này, huyện Than Uyên đã có hơn 1.000ha chè; 1.300ha lúa chất lượng cao. Nhiều diện tích đất trống, đồi trọc trước đây bị bỏ hoang hay chỉ sản xuất được 1 vụ, đã và đang được người dân trong huyện sản xuất thâm canh, tăng vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều huyện, thành phố khác của tỉnh Lai Châu như: Tân Uyên, thành phố Lai Châu, Phong Thổ... cũng gặt hái được nhiều kết quả quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Ngành Nông nghiệp của tỉnh Lai Châu cũng nhờ đó mà có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng hiện đại, dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. 

Lai Châu: Hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung - Ảnh 4.

Ngành nông nghiệp của tỉnh Lai Châu có nhiều khởi sắc.

Cụ thể như: Sản xuất lúa hàng hóa với quy mô trên 1.800ha tại các huyện: Phong Thổ, Tân Uyên, Than Uyên; vùng thâm canh chuối với diện tích trên 3.600ha tại Phong Thổ; vùng cây ăn quả có múi và cây ôn đới với diện tích hơn 700ha tại huyện Tam Đường; vùng sản xuất chè chất lượng cao với tổng diện tích trên 5.000ha tại các huyện Tân Uyên, Than Uyên, Tam Đường… Nhiều sản phẩm nông nghiệp đã xây dựng được thương hiệu hàng hóa như: Gạo Séng cù (Than Uyên), gạo Tẻ râu (Phong Thổ), chè (Tam Đường, Tân Uyên).

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất thâm canh, tăng vụ, giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác ở các huyện, thành phố của tỉnh Lai Châu ngày càng tăng lên. Đời sống, thu nhập của nông dân tỉnh Lai Châu không ngừng cải thiện, nâng cao. Người dân các huyện, thành phố trong tỉnh tích cực góp công sức, hiến đất xây dựng nông thôn mới. Diện mạo các xã nông thôn miền núi trong tỉnh cũng nhờ đó mà ngày càng khởi sắc.

 


Thanh Ngân