Lai Châu: Nuôi giống thỏ mắn đẻ, vừa khỏe người lại có tiền tiêu

Tây Bắc Thứ ba, ngày 20/08/2019 06:30 AM (GMT+7)
Gia đình ông Khuất Văn Hùng, đội 10 (xã Phúc Than, huyện Than Uyên) là một trong những hộ đầu tiên nuôi thỏ Newzealand ở tỉnh Lai Châu. Giống thỏ này mắn đẻ, mỗi con đẻ từ 7 -8 lứa/năm. Nhiều người vui tính bảo, cũng nhờ nuôi con vật đẻ sòn sòn này mà cuộc sống gia đình ông Hùng khấm khá hẳn lên.
Bình luận 0

Trước khi “bén duyên” với con vật lông trắng như bông này, ông Hùng mở quán karaoke và bán thêm cà phê. Chán cảnh lèo tèo vài người khách đến uống cà phê vào buổi tối mỗi ngày, ông Hùng bàn với vợ chuyển sang làm trang trại.

img

Từ nuôi thỏ, mỗi năm ông Hùng đút túi 100 triệu đồng.

Qua tìm hiểu trên báo, đài, internet, thấy mô hình nuôi thỏ vừa nhàn hạ mà lại cho giá trị kinh tế cao, ông Hùng quyết định “thử sức” với con vật có bộ lông trắng như bông này. Nghe nói ở tỉnh Bắc Ninh có nhiều trại nuôi thỏ, năm 2013, ông Hùng đã không ngần ngại về tận nơi để tìm hiểu, học hỏi. Cảm thấy chưa chắc ăn, vợ chồng ông còn đi tham quan trại nuôi thỏ ở nhiều tỉnh, thành phố khác, sau đó lại quay về Bắc Ninh mua 120 con thỏ về nuôi sinh sản.

img

Đàn thỏ giống Newzealand của ông Hùng luôn béo tốt, khỏe mạnh.

Vợ chồng ông Hùng xây dựng chuồng trại cẩn thận để nuôi thỏ. Chỉ vào những chiếc lồng sắt được kê sát nhau, mỗi lồng có gần 20 con thỏ trắng muốt, ông Hùng vui vẻ nói về kinh nghiệm nuôi thỏ: “Loài thỏ này rất mắn đẻ. Một con đẻ từ 7 – 8 lứa/năm, mỗi lứa được từ 5 – 7 thỏ con. Chúng rất dễ nuôi. Từ khi nuôi thỏ đến nay, tôi chưa “hỏng ăn” lứa nào. So với nuôi gà, nuôi vịt, nuôi lợn thì nuôi thỏ khỏe người hơn...”.

Thời gian đầu nuôi thỏ, vợ chồng ông cũng gặp trở ngại về đầu ra, vì người dân nơi đây chưa quen ăn thịt thỏ. Thời điểm đó, ông Hùng chủ yếu bán giống ra thị trường, còn thỏ thương phẩm thì chủ yếu bán cho các nhà hàng, quán ăn trong huyện.

img

Chuồng nuôi thỏ của ông Hùng được phân thành nhiều khu nuôi: Khu nuôi thỏ thịt thương phẩm, khu nuôi thỏ con, khu nuôi thỏ nái.

“3 năm trở lại đây, nhu cầu về thỏ thương phẩm của người dân trong xã, trong huyện tăng đột biến. Cuối năm 2017, tôi đầu tư mở rộng chuồng trại, nhân đàn thỏ mẹ lên 200 con. Từ đó đến nay, trong chuồng nhà tôi ngoài đàn thỏ mẹ, lúc nào cũng có khoảng 300 con thỏ nuôi thịt thương phẩm ở các lứa tuổi khác nhau” – ông Hùng tiết lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.

Ông Hùng tìm hiểu trên mạng cách thức làm chuồng trại, cho ăn làm sao để đàn thỏ đủ dinh dưỡng. "Ngoài cho thỏ ăn thức ăn tinh bột như ngô, sắn, tôi còn trồng hơn 1.000 m2 cỏ VA06 để làm thức ăn cho thỏ. Buổi sáng, tôi cho đàn thỏ ăn ngô, sắn đã nghiền nhỏ, còn vào buổi chiều tôi cắt cỏ để cho chúng ăn...", ông Hùng chia sẻ về kinh nghiệm nuôi thỏ, kỹ thuật nuôi thỏ.

img

Ông Hùng trồng cỏ VA06 để nuôi thỏ.

Theo ông Hùng, loài thỏ này chuyên ăn về ban đêm. Nuôi thỏ thì nhàn hơn nuôi lợn, gà và cũng ít tốn kém hơn. Ông đầu tư hệ thống nước tự chảy để cho thỏ uống. Chuồng trại nuôi thỏ cũng được ông vệ sinh mỗi ngày một lần, hạn chế bệnh tật xảy ra. Chỉ sau 6 tháng nuôi, thỏ sẽ bắt đầu đẻ lứa đầu tiên. Thỏ đẻ khá dày, cứ hơn một tháng, chúng lại đẻ 1 lứa.

img

Theo ông Hùng, thỏ có sức đề kháng cao nên nuôi thỏ khá nhàn mà giá trị kinh tế lại cao.

Ông Hùng chủ yếu cung cấp thỏ cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn huyện, ra thành phố Lai Châu và người dân trong xã. Ông bán thỏ giống với giá 150.000 đồng/kg và 100.000 đồng/kg đối với thỏ thương phẩm.

Mỗi năm, vừa bán thỏ giống, vừa bán thỏ thương phẩm ra thị trường, sau khi trừ chi phí, ông Hùng thu hơn 100 triệu đồng tiền lãi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem