Lãi đậm quý 1 cũng không “cứu” nổi đà rơi cổ phiếu thép Hòa Phát

Quốc Hải Thứ tư, ngày 19/04/2017 06:00 AM (GMT+7)
Trong 6 phiên giao dịch liên tiếp, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát liên tục “đỏ sàn” với thị giá giảm từ 31.950 đồng/CP về mức giá 30.250 đồng/CP, dù thông tin lãi đậm trong quý 1.2017 vừa được công bố...
Bình luận 0

img

Kết thúc phiên giao dịch ngày 18.4, cổ phiếu HPG đóng cửa ở mức 30.250 đồng/CP, giảm 250 đồng/CP so với phiên giao dịch trước đó (giảm 0,8%), với khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt gần 5,3 triệu cổ phiếu.

Đáng nói, đây là phiên thứ 6 liên tiếp cổ phiếu HPG giảm giá dù kết quả kinh doanh quý 1.2017 rất khả quan.

Cụ thể, theo báo cáo của Tập đoàn Hòa Phát, trong quý 1.2017, Hòa Phát đã cho ra thị trường hơn 505.000 tấn thép xây dựng, tăng 27,9% so với cùng kỳ. Về xuất khẩu, Hòa Phát đã xuất khẩu bằng sản lượng cả năm 2016 với hơn 52.000 tấn đi Mỹ, Canada, Úc và các nước ASEAN. Đồng thời, thị phần thép xây dựng của Tập đoàn Hòa Phát trong 3 tháng đầu năm đã tăng 2% so với thời điểm cuối năm 2016, chiếm 24,2% thị phần.

Lũy kế 3 tháng đầu năm, Hòa Phát đạt doanh thu 10.400 tỷ đồng (tăng 44%) và lợi nhuận sau thuế 1.935 tỷ đồng (tăng 90%) so với cùng kỳ 2016.

Tạm dừng dự án Cà Ná, cổ phiếu HSG bật tăng

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, cổ phiếu HSG ngày 18.4 lại có phiên tăng điểm sau 5 phiên liên tiếp giảm giá. Đóng phiên giao dịch, cổ phiếu HSG đạt mức giá 48.200 đồng/CP, tăng 600 đồng/CP (1,3%) so với phiên giao dịch trước, khối lượng cổ phiếu khớp lệnh cũng đạt hơn 1,1 triệu cổ phiếu.

Đáng nói, phiên tăng giá của HSG lại bắt đầu ngay sau khi Thủ tướng quyết định tạm dừng dự án Thép Cà Ná mà Hoa Sen quyết định triển khai ở tỉnh Ninh Thuận.

Theo lãnh đạo Hòa Phát, việc sản lượng và thị phần bán hàng tăng mạnh là nhờ một số yếu tố, trong đó có sự khởi sắc của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng chính nằm ở sức mua tăng cao của thị trường dân dụng trong quý 1.2017.

Dù vậy, những kết quả kinh doanh khả quan này vẫn không “cứu” được đà rơi của cổ phiếu HPG trong phiên giao dịch hôm nay, vì sao?

Theo một đại diện của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, bài toán phát hành, tăng vốn nhanh và chiến lược đầu tư dàn trải của HPG đang khiến nhà đầu tư lo ngại. Cụ thể, việc tăng vốn cho Dự án Dung Quất (Quảng Ngãi) có quy mô vốn lên tới 52.000 tỷ đồng hiện quá nhanh và rất gấp. Ban đầu dự án này chia làm 2 giai đoạn cách nhau 18 tháng, làm xong giai đoạn đầu nếu tiêu thụ tốt thì sẽ thực hiện giai đoạn 2.

Tuy nhiên, tại Đại hội Cổ đông thường niên mới đây, Hòa Phát quyết định sẽ triển khai giai đoạn 2 từ tháng 8. Theo chia sẻ của HĐQT Hòa Phát thì, nếu làm như vậy thì đến 2020 Hòa Phát mới có doanh thu gấp 2,5 lần hiện nay tức khoảng 100.000 tỷ đồng.

“Dĩ nhiên, khi thấy được tính khả thi của dự án thì HPG hoàn toàn có thể bắt tay vào dự án nhưng rõ ràng kế hoạch tăng vốn từ 6.700 tỷ đồng trong năm nay lên 15.170 tỷ đồng thì hơi gấp nên nhà đầu tư cũng cần có thời gian để giảm ‘sốc’ và có thể đây cũng là nguyên nhân khiến cổ phiếu HPG giảm mạnh những phiên gần đây”, đại diện này cho biết.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác được giới đầu tư cổ phiếu “dự đoán” là có thể giá thịt lợn, gia cầm đang giảm sâu thời gian gần đây khiến cổ phiếu HPG giảm mạnh.

Được biết, Hòa Phát đã lấn sang lĩnh vực nông nghiệp bằng việc thành lập Công ty CP Phát triển Nông nghiệp Hòa Phát với vốn điều lệ 3.100 tỷ đồng, các mảng kinh doanh của công ty này gồm sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi bò, lợn và gia cầm. Tuy nhiên, trong báo cáo về kết quả kinh doanh năm 2016 mà Tập đoàn Hòa Phát gửi đến cổ đông trong kỳ Đại hội cổ đông thường niên vừa qua (ngày 10.3) chỉ có một dòng ngắn ngủi “Năm 2016 là năm nhóm ngành nông nghiệp của Tập đoàn bắt đầu có lợi nhuận dương”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem