Lãi lớn nhờ bán vốn Nhà nước và tiền gửi ngân hàng, vai trò của SCIC ở đâu trên TTCK?

Nguyên Phương Thứ tư, ngày 28/08/2019 06:33 AM (GMT+7)
Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2019 của SCIC báo lãi 3.341 tỷ đồng, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng nói ở đây, lợi nhuận của SCIC chủ yếu đến từ cổ tức và lợi nhuận được chia, lãi từ tiền gửi ngân hàng trị giá 26.182 tỷ đồng và đầu tư trái phiếu, tín phiếu. 6 tháng đầu năm chỉ chi 1.227 tỷ cho cổ phiếu niêm yết, vậy vai trò của SCIC ở đâu trên thị trường chứng khoán?
Bình luận 0

img

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV SCIC. (Ảnh: Internet)

Áp lực bán vốn trên vai lãnh đạo SCIC

Là đơn vị thực hiện các hoạt động đầu tư vốn, sắp xếp, cổ phần hóa, bán vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp được chuyển giao, tính đến ngày 30/6/2019, tổng danh mục đầu tư do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) quản lý bao gồm 145 doanh nghiệp.

Trong đó, 14 doanh nghiệp nhóm A1 chiếm tỷ trọng 48% giá trị vốn nhà nước, 37 doanh nghiệp nhóm A2 chiếm tỷ trọng 2% giá trị vốn nhà nước, 17 doanh nghiệp nhóm B1 chiếm tỷ trọng 45% giá trị vốn nhà nước và 77 doanh nghiệp nhóm B2 chiếm tỷ trọng 5% giá trị vốn nhà nước.

Số vốn Nhà nước theo giá trị sổ sách tính tới thời điểm 30/6/2019 là gần 28.950 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 99.500 tỷ đồng.

Để quản lý hiệu quả một khối lượng lớn vốn Nhà nước, SCIC có một hệ thống người đại diện vốn tại doanh nghiệp với 259 người. Trong đó, 180 người đại diện là cán bộ giữ các chức danh lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 69,5%.

img

Kết quả bán vốn Nhà nước tại SCIC.

Năm 2018, trong bối cảnh thị trường chứng khoán có nhiều biến động, SCIC phần nào tạo dấu ấn với hai thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Vinaconex và Nhựa Bình Minh.

Chia sẻ về thương vụ Vinaconex, ông Nguyễn Đức Chi (Chủ tịch HĐTV SCIC) cho biết: “Riêng khoản đầu tư Vinaconex, cách vài năm đầu tư vào đó 2.000 tỷ đồng, dư luận nói tại sao đưa vào công ty thua lỗ như thế. Không đầu tư vào thì công ty phá sản và vốn Nhà nước mất. Chúng tôi với trách nhiệm cổ đông, chức năng nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, đưa đầu tư vào và cùng anh em Vinaconex dần dần đưa Vinaconex vượt qua khó khăn. Đầu tiên chia lợi nhuận 4%, sau 8%, 12%. Tự nhiên ngồi mát ăn bát vàng sao được”.

Bước sang năm 2019, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) dự kiến sẽ bán vốn Nhà nước tại 108 doanh nghiệp. Trong đó, có những doanh nghiệp lớn như Công ty CP Sữa Việt Nam (SCIC đang nắm giữ 36%), Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (51%), Công ty CP XNK Sa Giang (50%), Công ty CP FPT (6%), Tập đoàn Bảo Việt (3%), Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (36%), Vinacontrol (30%)…

Song đáng lưu ý là kế hoạch thoái vốn tại FPT từng được SCIC đặt ra vài lần nhưng chưa thể thực hiện. Năm 2018, SCIC từng thông báo kế hoạch thoái vốn tại FPT nhưng rồi không có hoạt động nào được triển khai.

Với Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex), SCIC đã hủy buổi bán đấu giá trọn lô hơn 44,2 triệu cổ phiếu Vocarimex, tương đương với 36,3% vốn vào ngày 15/8. Nguyên nhân, đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc không có nhà đầu tư nào đăng ký tham dự đấu giá.

img

Ông Trần Nguyên Nam, Phó trưởng Ban phụ trách Ban Kế hoạch tổng hợp của SCIC. (Ảnh: Internet)

Tại Diễn đàn Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được tổ chức cách đây chưa lâu, ông Trần Nguyên Nam, Phó trưởng Ban phụ trách Ban Kế hoạch tổng hợp của SCIC, cho biết, đối với công tác thoái vốn Nhà nước, pháp luật còn quy định chồng chéo tại nhiều văn bản thay vì tại một văn bản duy nhất, cho dù chỉ ở cấp Thông tư.

Bên cạnh đó, các quy định hiện hành chủ yếu mới chỉ dừng ở các quy định khung, mang tính nguyên tắc nên trong quá trình thực hiện, các doanh nghiệp Nhà nước thường xuyên phải hỏi ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để xử lý các vấn đề phát sinh.

Ngoài ra, còn tồn tại khá nhiều vướng mắc về phía doanh nghiệp là đối tượng thoái vốn như tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước quá nhỏ hoặc đã có cổ đông khác sở hữu chi phối (trên 51%) tại doanh nghiệp, làm giảm sự hấp dẫn của phần vốn nhà nước; doanh nghiệp làm ăn yếu kém, thua lỗ kéo dài; không có lợi thế về đất đai; Giá khởi điểm bán vốn quá cao so với kỳ vọng của nhà đầu tư...

Theo đó, SCIC kiến nghị cần tiếp tục tách bạch quá trình bán vốn và việc thu hồi nợ theo hướng việc theo dõi và thu hồi nợ cần được coi là công việc thường xuyên cả trước, trong và sau khi bán cổ phần đối với các doanh nghiệp. Cho phép SCIC thiết lập cơ chế hợp tác mua bán nợ giữa SCIC và các tổ chức mua bán nợ trên thị trường như DATC hay VAMC...

SCIC lãi 3.341 tỷ đồng nhờ tiền gửi và lợi nhuận được chia

Báo cáo tài chính bán niên 2019 SCIC vừa công bố, doanh nghiệp đạt doanh thu 3.050 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo thông tin từ ông Trần Nguyên Nam, 6 tháng đầu năm 2019, SCIC mới bán vốn thành công tại 4 doanh nghiệp, bao gồm Công ty CP Cơ khí Tuyên Quang, Công ty CP công nghệ điện tử, cơ khí và môi trường EMECO, Công ty CP Phát triển nhà Cần Thơ, Công ty CP nước khoáng Sơn Kim. Doanh thu ghi nhận là gần 166 tỷ đồng, gấp 4,6 lần so với giá vốn, chênh lệch bán vốn là 130 tỷ đồng (mức bình quân cả nước là 1,78 lần).

img

Kết quả công tác kinh doanh vốn của SCIC 

Trong các mảng kinh doanh, mảng mang về doanh thu lớn nhất cho SCIC là cổ tức và lợi nhuận được chia với 1.854 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2018.

Báo cáo tài chính cho thấy, SCIC có 43.307 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, trong đó, 17.972 tỷ đồng được gửi vào ngân hàng nhận lãi, các khoản tương đương tiền là 20.000 tỷ đồng. Với số tiền này, riêng lãi gửi ngân hàng, SCIC nhận được trong 6 tháng đầu năm lên tới hơn 574 tỷ đồng. Còn nếu tính cả lãi đầu tư trái phiếu, tín phiếu trong 6 tháng đầu năm của SCIC 986 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, doanh thu từ bán các khoản đầu tư SCIC ghi nhận chỉ là 203 tỷ đồng.

Do doanh thu trong kỳ chủ yếu tới từ cổ tức, lợi nhuận được chia, lãi tiền gửi, lãi đầu tư… đều là những khoản mục kinh doanh không phát sinh không giá vốn, nên lợi nhuận gộp của SCIC nửa đầu năm 2019 đạt 3.011 tỷ đồng.

Thêm vào đó, SCIC cũng ghi nhận tới 461 tỷ đồng phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết.

Cộng thêm việc không phát sinh chi phí bán hàng, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp của SCIC chỉ ghi nhận một con số khá nhỏ nếu so sánh với doanh thu.

Vậy nên, kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận trước thuế của SCIC đạt 3.341 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2018.

Đáng chú ý, mặc dù lãi lớn như vậy, nhưng cơ cấu lợi nhuận của SCIC dường như  không đến từ đầu tư cổ phiếu đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy SCIC chỉ chi hơn 1.227 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu niêm yết. Còn trong 23.636 tỷ đồng đầu tư tài chính của SCIC, thì đến gần 13.000 tỷ đồng đầu tư cho doanh nghiệp chưa niêm yết, 5.180 tỷ đồng đầu tư trái phiếu, chỉ có 5.540 tỷ đồng đầu tư vào công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán. 

Với cơ cấu lợi nhuận như vậy, rõ ràng SCIC đang kiếm lãi từ hoạt động bán vốn  Nhà nước tại các doanh nghiệp và lãi từ tiền gửi ngân hàng, đầu tư trái phiếu tín phiếu. Câu hỏi đặt ra, vai trò của SCIC ở đâu trên thị trường chứng khoán?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem