Lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục, bầu Đức “vơi” gánh nặng chi phí lãi vay?

Huyền Anh Thứ năm, ngày 10/12/2020 13:47 PM (GMT+7)
Có khoảng 8.087 tỷ đồng nợ vay trong số 18.539 tỷ đồng của Hoàng Anh Gia Lai đang có lãi vay “thả nổi” theo lãi suất tiết kiệm bằng VND. Vì vậy, khi lãi suất tiết kiệm VND đang thấp nhất lịch sử, chi phí vay của HAGL cũng có thể giảm hàng chục tỷ đồng/năm.
Bình luận 0

Ai đang là "chủ nợ" lớn nhất của bầu Đức?

Báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – mã: HAG) cho thấy, nợ vay của HAG do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) làm Chủ tịch HĐQT liên tục sụt giảm trong 3 năm gần nhất (từ 2017 -2019).

Cụ thể, tổng nợ vay của HAG tính đến tháng 12/2019 còn 14.698 tỷ đồng, giảm 8.127 tỷ đồng, tương ứng mức giảm bình quân 17,8%/năm.

Lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục, bầu Đức “vơi” gánh nặng chi phí lãi vay? - Ảnh 1.

Cuối quý III/2020, HAG của bầu Đức "gánh" 18,539 tỷ đồng nợ vay

Tuy nhiên, nợ vay của Hoàng Anh Gia Lai "gãy" đà giảm khi quay đầu tăng trở lại trong 9 tháng đầu năm nay, đạt 18.539 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn 11.300 tỷ đồng, chiếm 42,8% tổng tài sản và tăng 40% so với đầu năm. Nợ dài hạn hơn 15.047 tỷ đồng, tăng 10% so với mức đầu năm. Dù vậy, nếu so với số nợ vay 22.825 tỷ đồng năm 2017, nợ vay của HAG tại thời điểm này đã giảm tới 18,7%.

Trong 3 nhóm vay gồm: vay ngân hàng, vay qua trái phiếu và vay tổ chức, cá nhân khác, nợ vay của 3 nhóm này đều tăng trở lại trong 9 tháng đầu năm nay.

Tăng mạnh nhất là nhóm vay từ tổ chức, cá nhân khác với mức tăng lên tới 160%, chủ yếu là do khoản vay tại nhóm doanh nghiệp Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương tăng tới 420% so với đầu năm. Tiếp theo là dư nợ vay ngân hàng tăng 75% và vay qua trái phiếu tăng 28%.

Do đó, cơ cấu tiền vay tại HAG của bầu Đức cũng vì thế biến động mạnh. Theo đó, tỷ trọng nợ vay qua ngân hàng và trái phiếu lần lượt điều chỉnh giảm xuống chỉ còn 32% và 39,7% trong tổng nợ vay của HAGL. Ngược lại, sau khi giảm mạnh từ mức 71,8% (năm 2018) xuống chỉ còn 13,6% vào cuối năm 2019 thì đến tháng 9/2020, tỷ trọng vay qua tổ chức và cá nhân tại HAGL tăng vọt lên 28%.

Lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục, bầu Đức “vơi” gánh nặng chi phí lãi vay? - Ảnh 2.

Tổng hợp từ báo cáo tài chính của Hoàng Anh Gia Lai

Tính đến tháng 9/2020, chủ nợ lớn nhất của Hoàng Anh Gia Lai là BIDV và BSC với dư nợ trái phiếu lên tới 5.876 tỷ đồng. Thaco và Thadi của tỷ phú Trần Bá Dương đứng thứ 2 với 4.668 tỷ đồng dư nợ. Tổng nợ vay của HAG tại 2 "chủ nợ" này chiếm 56,8% tổng nợ vay của Hoàng Anh Gia Lai.

Ngoài ra, HAG của bầu Đức còn duy trì quan hệ vay mượn với nhiều nhà băng và các công ty chứng khoán khác trong những năm gần đây như: TPBank; HDBank, ACBS, HDBS, SacomBank, Ngân hàng Bản Việt.…

Lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục, bầu Đức nhẹ gánh nặng chi phí lãi vay?

Trong các "chủ nợ" của Hoàng Anh Gia Lai, nhóm doanh nghiệp liên quan đến tỷ phú Trần Bá Dương – "chủ nợ" lớn thứ 2 của bầu Đức hiện đang cho vay với mức lãi suất cố định tối đa 10,7%/năm.

Ngoài ra, một số khoản nợ vay khác tại Sacombank, HDBank hay Eximbank với dư nợ trên 4.900 tỷ đồng cũng được cho vay với mức lãi suất cố định (theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020).

Trong khi đó, khoản nợ vay có lãi suất "thả nổi" tại Tập đoàn của bầu Đức tính đến cuối tháng 9 vừa qua vào khoảng 9.300 tỷ đồng.

Trong đó, khoảng 1.200 tỷ nợ vay có lãi vay được điều chỉnh theo lãi suất tiết kiệm bằng USD. Lãi vay của các khoản vay này không có nhiều biến động trong 3 năm trở lại đây.

Như vậy, các khoản vay với lãi suất "thả nổi" theo lãi suất tiết kiệm bằng VND hiện vào khoảng 8.087 tỷ đồng, trong đó riêng BIDV và BSC là hơn 5.876 tỷ đồng. Đây cũng là khoản nợ có tính chất quyết định tới  biến động "gánh nặng" về chi phí lãi vay của HAG.

Lãi suất tiết kiệm thấp kỷ lục, bầu Đức “vơi” gánh nặng chi phí lãi vay? - Ảnh 3.

Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất củaHoàng Anh Gia Lai

Đơn cử như năm 2019, mặc dù chi phí lãi vay cả năm 2019 giảm 17,6% so với năm 2018 song chủ yếu là do dư nợ vay giảm. 

Tuy nhiên, nếu xét theo tỷ lệ chi phí lãi vay/tổng nợ vay trung bình tại HAG của bầu Đức, tỷ lệ chi phí lãi vay chiếm 6,93% trong tổng nợ vay trung bình, trong khi đó năm 2018, con số này chỉ vào khoảng 6,88%.

Điều này cho thấy, lãi vay bình quân của năm 2019 đã tăng so với năm 2018. Phần lớn là do, khoản vay tại BIDV và BSC, lãi vay đã tăng từ 9,7% lên 9,82%. Hay như nợ vay tại Ngân hàng Bản Việt, HAG "gánh" mức lãi vay 11,2% thay vì 10 -10,9%/năm ghi nhận trong năm 2018.

Vậy các khoản vay này tác động thế nào tới chi phí lãi vay trong năm 2020 của HAG?

Nhìn vào cơ sở để tính lãi suất cho vay đối với các khoản vay này có thể thấy, lãi suất cho vay phụ thuộc vào mức độ tăng/giảm của lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng mà HAG hiện đang có dư nợ. Hiểu đơn giản, khi lãi suất tiết kiệm giảm 1%, lãi vay của HAG cũng giảm tương ứng 1%.

"Chủ nợ"Nợ vay (tỷ đồng)Lãi vay

TPBank

599,8

Lãi suất tiết kiệm cá nhân 12 tháng (Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank), biên độ 3%

BIDV và BSC

5,876

Lãi suất tiết kiệm cá nhân 12 tháng (Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank), biên độ 3%

Chứng khoán HDBank930

Lãi suất điều chỉnh 3 tháng một lần và bằng chi phí vốn VND 12 tháng tại HDBank, cộng với biên độ 3,5%

Chứng khoán ACB300

Lãi suất tiền gửi 13 tháng của ngân hàng thương mại cổ phần TPBank cộng biên độ 4,5%

Ngân hàng Bản Việt120

Trung bình lãi suất tiết kiệm doanh nghiệp, kỳ hạn 13 tháng bằng VND của HDBank, cộng biên độ 3,5%

Khảo sát tại các ngân hàng có dư nợ cho vay với HAG, mức lãi suất tiết kiệm dùng để làm cơ sở tính lãi suất cho vay đối với các khoản vay kể trên của HAG hiện đã giảm từ 0,6 điểm % - 1,2 điểm% trong vòng 1 năm qua.

Nếu tạm ước tính theo con số này, khoản nợ vay 8.087 tỷ đồng đang "thả nổi" theo lãi suất tiết kiệm bằng VND của bầu Đức cũng có thể giảm tương ứng từ 0,6% đến 1,2%/năm, ước giảm từ trên 48 tỷ đồng – 82,5 tỷ đồng/năm chi phí lãi vay.

Còn theo báo cáo mới nhất của SSI Research, sau đợt giảm vào đầu tháng 12, lãi suất tiết kiệm hiện tại của các ngân hàng đã thấp hơn 1,5 - 3 điểm % so với cuối năm 2019 và đang là vùng thấp lịch sử. Ước tính theo con số này, "gánh nặng" về chi phí lãi vay của bầu Đức có thể "vơi" đi từ 121 tỷ đồng – 242 tỷ đồng/năm.

Thực tế, trong 9 tháng đầu năm nay, chi phí lãi vay tại HAG của bầu Đức là 703 tỷ đồng, chiếm khoảng 4,23% so với tổng nợ vay trung bình của doanh nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem