Lãi suất tiết kiệm vẫn chưa dừng đà giảm, người dân "đổ tiền" vào ngân hàng

Huyền Anh Thứ tư, ngày 01/07/2020 13:57 PM (GMT+7)
Bất động sản "bất động", sản xuất kinh doanh đang chậm lại và thị trường chứng khoán cũng được đánh giá đang bước vào giai đoạn khó nhất trong năm. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay kênh trú ẩn an toàn cho đồng tiền chính là gửi tiết kiệm mặc dù lãi suất huy động vẫn chưa dứt đà giảm.
Bình luận 0

Lãi suất huy động giảm, tiền gửi vẫn tăng

Tổng cục thống kê cho biết, tính đến thời điểm 19/6/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,59% với cuối năm 2019 (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,05%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,35% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,09%).

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cuối năm 2019, tổng số tiền gửi của người dân và tổ chức kinh tế tại các TCTD đạt hơn 8,79 triệu tỷ đồng. Như vậy, đến ngày 19/6, tổng tiền gửi sẽ đạt gần 9,2 triệu tỷ đồng.

Đáng chú ý, theo thống kê của NHNN, trong 4 tháng đầu năm 2020, tổng tiền gửi tại hệ thống TCTD chỉ tăng 0,07%. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế giảm mạnh 3,9%, tiền gửi của dân cư vẫn tăng 3,36%.

Như vậy, chỉ trong vòng 2 tháng cuối của quý II/2020, lượng tiền gửi chảy vào hệ thống ngân hàng đã bật tăng khá mạnh lên mức 5,3 triệu tỷ đồng.

Tuy mức tăng của huy động vốn trong 6 tháng đầu năm 2020 thấp hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn buộc các ngân hàng phải cắt giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Điều này cho thấy, kênh tiết kiệm ngân hàng vẫn có sức hấp dẫn nhất định trong bối cảnh hiện nay.

Thực tế, ngay trong tháng 6, một số ngân hàng thương mại trên thị trường đã có sự điều chỉnh giảm nhẹ từ mức 0,2 - 0,5%/năm ở một số kỳ hạn. Không chỉ giảm lãi suất ở các kỳ hạn dưới 6 tháng về còn tối đa là 4,25%/năm theo quy định của NHNN, lãi suất các kỳ hạn dài cũng giảm theo.

Chẳng hạn, Viet Capital Bank giảm nhẹ 0,05 - 0,1%/năm lãi suất huy động ở các kỳ hạn dưới 6 tháng còn 4,2%/năm, 6 tháng còn 6,9%/năm, 12 tháng 7,3%/năm…

Eximbank đã điều chỉnh giảm lãi suất ở các kỳ hạn 6 tháng còn 5,6%/năm, 12 tháng còn 7,2%/năm.

Sacombank hiện đang trả lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng ở mức 6%/năm; 6,7%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng; các kỳ hạn 24 và 36 tháng có chung mức lãi suất 6,7%/năm đối với tiết kiệm thông thường.

Lãi suất tại nhóm Big 4 còn thấp hơn nữa. Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank hiện huy động tiền gửi kỳ hạn 9 tháng với lãi suất chỉ 4,9-5,1%/năm; lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên chỉ khoảng 6,5-6,6%/năm.

Trong báo cáo thị trường tiền tệ tuần 22/6- 26/6 vừa phát hành, Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research cũng chỉ rõ, các ngân hàng đã giảm lãi suất tiền gửi 30-50 điểm cơ bản trong tháng 6 và giảm tổng cộng 60-130 điểm cơ bản từ đầu năm đến nay.

Hiện, lãi suất tiền gửi duy trì ở mức 3,5-4,25%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 4,9-6,9%/năm với kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng, 6-7,6%/năm với kỳ hạn 12- 13 tháng.

Ngân hàng lại giảm lãi suất tiết kiệm, người dân “ăn chắc mặc bền” - Ảnh 2.

VPBank điều chỉnh lãi suất huy động kể từ 1/7/2020

Thậm chí, làn sóng giảm lãi suất huy động được các chuyên gia nhận định sẽ tiếp tục xuất hiện ngay từ đầu tháng 7 này khi thị trường đang được sự hỗ trợ tích cực từ thanh khoản.

Trên thực tế, VPBank là ngân hàng đầu tiên thông báo điều chỉnh lãi suất huy động kể từ ngày hôm nay 7/1. Theo đó, lãi suất tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân tại quầy của VPBank tiếp tục giảm tới 0,2 điểm phần trăm so với biểu lãi suất trong tháng 6.

Cụ thể, lãi suất huy động với các khoản tiền gửi dưới 300 triệu đồng tối đa chỉ lên tới 6,5%/năm thay vì mức 6,7% của tháng liền trước. Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng, cũng giảm lên tới 0,2 điểm %, giao động từ mức 6,2% - 6,5% thay vì mức 6,4% đến 6,7%.

Mức lãi suất online tại nhà băng nay cũng giảm tương ứng lên tới 0,2 điểm % so với tháng trước.

Chưa dứt đà giảm nhưng gửi tiền vào ngân hàng "ăn chắc mặc bền"

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang biến động mạnh do dịch Covid-19, nhà đầu tư cần phải xác định chính xác lĩnh vực đầu tư, lựa chọn kênh có mức độ rủi ro ít nhất, tuyệt đối không "bỏ trứng vào 1 giỏ" mới có cơ hội tạo cho đồng vốn sinh lời. Những kênh đầu tư càng có tính lợi nhuận cao thì rủi ro càng lớn.

Nếu như trước đây, bất động sản là kênh được các nhà đầu tư quan tâm nhất do lợi nhuận thuộc hàng "khủng" nhất thì nhiều năm trở lại đây, kênh này được giới đầu tư rất "dè chừng" do các chính sách của nhà quản lý nhằm siết chặt thị trường bất động sản.

Với kênh đầu tư vàng, theo chuyên gia ngành tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, sự biến động của giá vàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên luôn biến chuyển phức tạp. Vàng vẫn luôn là kênh đầu tư nhiều rủi ro nên ông Hiếu cho rằng, nhà đầu tư nên cân nhắc khi đổ tiền vào vàng trong năm nay.

Theo ông Hiếu, với tâm lý "ăn chắc mặc bền" nên người dân lâu nay vẫn lựa chọn kênh ngân hàng là kênh trú ẩn an toàn nhất dù lãi suất huy động vẫn chưa "dứt" đà giảm. "Mặc dù không phải là kênh sinh lời lớn, song đây là kênh không tiềm ẩn những rủi ro nhiều như vàng hay bất động sản, chứng khoán…", ông Hiếu nhấn mạnh.

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, các kênh như chứng khoán, vàng vẫn đang có những ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Do đó, gửi tiết kiệm sẽ là kênh đảm bảo an toàn nhất cho nhà đầu tư, dù kênh này sinh lời không lớn nhưng các nhà đầu tư có thể yên tâm, đây chính là kênh ít rủi ro nhất trong các kênh đầu tư.

Đồng tình, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng Việt Nam Phan Dũng Khánh nhận định: "Dịch Covid-19 khiến dòng tiền tiếp tục có xu hướng rót vào các kênh đầu tư như vàng, tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu chính phủ... Trong đó, việc gửi tiền vào ngân hàng cũng mang tính linh động vì nhà đầu tư có thể nhanh chóng rút ra để chuyển sang các kênh khác khi có cơ hội".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem