Lãi suất tiết kiệm vọt lên cao nhất 8,8%/năm: Ổn định lãi vay thế nào?

Huyền Anh Thứ hai, ngày 03/10/2022 09:48 AM (GMT+7)
Ngân hàng Nhà nước khẳng định, chỉ điều chỉnh lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động, đồng thời giữ nguyên trần lãi suất cho vay. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, khi chi phí vốn đắt đỏ để giữ ổn định lãi vay không đơn giản.
Bình luận 0

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 1/10, ông Đoàn Thái Sơn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 9 tháng qua nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là giá hàng hóa cũng như lạm phát ở nhiều quốc gia tăng rất cao và trong thời gian gần đây Fed – Ngân hàng Trung ương Mỹ đã liên tục tăng lãi suất điều hành để chống lạm phát.

Trong bối cảnh đó, để đối phó với lạm phát và giảm bớt tác động từ bên ngoài, ngân hàng trung ương các nước đã tăng mạnh lãi suất điều hành.

NHNN đã tính đến ổn định lãi suất cho vay

Tính từ đầu năm 2022, có 262 lượt tăng lãi suất của ngân hàng trung ương các nước. Điều này cho thấy cuộc chiến chống lạm phát trên toàn thế giới đang diễn ra rất quyết liệt và ngân hàng trung ương các nước rất kiên quyết để thực hiện nhiệm vụ này.

Lãi suất tiết kiệm vọt lên cao nhất 8,8%/năm: Ổn định lãi vay thế nào? - Ảnh 1.

Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn: Chúng tôi cũng vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát để tiết giảm các chi phí hoạt động. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Về phía Việt Nam, Phó Thống đốc nhấn mạnh, mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ là điều hành các công cụ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định nền kinh tế vĩ mô cũng như hỗ trợ phục hồi kinh tế, đặc biệt ổn định các thị trường, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Thời gian qua, điều hành của NHNN cũng đã bám sát nhằm hướng tới mục tiêu này.

Trong 8 tháng năm 2022, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành và đến tháng 9, lần điều chỉnh gần đây nhất của Fed, NHNN có tăng một số mức lãi suất trần tiền gửi cho các ngân hàng thương mại. Mục tiêu của việc này là bảo đảm nhiệm vụ chúng ta đặt ra từ đầu là ưu tiên cho kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm duy trì lãi suất thực dương cho lãi suất tiền gửi để hài hòa lợi ích của các bên tham gia trên thị trường tiền tệ.

Đồng thời, việc này cũng tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng có thể tiếp tục duy trì thu hút tiền gửi và có nguồn tài chính cho vay, hỗ trợ cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Dù vậy, theo Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn, NHNN chỉ tăng lãi suất điều chỉnh và trần lãi suất tiền gửi, đồng thời giữ nguyên trần lãi suất cho vay. Đồng thời, NHNN cũng vận động các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát để tiết giảm các chi phí hoạt động. Qua đó tạo điều kiện về mặt tài chính để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong thời gian tới.

Lãi suất tiết kiệm vọt lên 8,8%/năm, không tăng lãi vay: Ngân hàng sẽ tìm cách "lách"

Trên thực tế, sau động thái điều chỉnh lãi suất của NHNN, một loạt nhà băng lần lượt điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm, với mức tăng phổ biến từ 0,3 - 1,1%.

Theo đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng đã vượt lên trên 7%/năm tại nhiều ngân hàng, trong khi đó biểu lãi suất tiết kiệm bằng VND xuất hiện mức lãi suất cao nhất lên tới 8,8%/năm với kỳ hạn 13 tháng. Đây cũng là lãi suất tham chiếu cho các khoản vay tại ngân hàng này.

Trên thị trường liên ngân hàng lãi suất bình quân lên tới 8,44%/năm với kỳ hạn 9 tháng.

Các chuyên gia cho rằng, việc lãi suất tiết kiệm tăng, áp lực tăng lãi suất cho vay là khó tránh khỏi. Cho dù các ngân hàng tiết giảm chi phí như lời kêu gọi của NHNN thì cũng khó có thể giữ lãi suất cho vay ổn định. Bởi trong thời gian qua các ngân hàng cũng đã tích cực giảm chi phí nên không thể giảm mạnh hơn nữa.

Trong khi đó, theo TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, thời gian qua, thị trường đã ghi nhận lãi suất huy động tăng trên thị trường 1, nhất là lãi suất kỳ dài hạn. Việc NHNN tăng lãi suất điều hành sẽ khiến lãi suất huy động tăng thêm, nhưng lãi suất cho vay có độ trễ và mức tăng sẽ thấp hơn nhiều.

Lãi suất tiết kiệm vọt lên cao nhất 8,8%/năm: Ổn định lãi vay thế nào? - Ảnh 3.

Việc NHNN tăng lãi suất điều hành sẽ khiến lãi suất huy động tăng thêm, nhưng lãi suất cho vay có độ trễ và mức tăng sẽ thấp hơn. (Ảnh: KT)

PGS-TS. Phạm Thế Anh, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đánh giá, khi lãi suất đầu vào tăng, chi phí vốn của các nhà băng đi lên thì lãi suất đầu ra đương nhiên phải tăng lên. Lãi suất tăng lên cùng với biện pháp áp trần tín dụng cho vay dẫn đến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Những ngân hàng đang còn hạn mức tín dụng hiện không có động lực để giảm lãi suất cho vay vì nhu cầu vay vốn hiện cao. Còn những ngân hàng đã dùng hết hạn mức tín dụng sẽ càng giữ lãi suất cho vay cao. Vì vậy, NHNN tăng lãi suất để tăng giá trị đồng tiền và kiểm soát lạm phát thì cần bỏ trần tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp cận được vốn.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM lại cho rằng, trước áp lực giảm biên lợi nhuận khi lãi suất huy động "đắt đỏ" hơn, các ngân hàng thương mại sẽ tìm nhiều cách để "lách", vì ngân hàng cũng là đơn vị kinh doanh.

Chẳng hạn như việc NHNN không cho tăng lãi suất cho vay thì ngân hàng thương mại tăng các loại phí; hoặc yêu cầu doanh nghiệp phải sử dụng thêm các dịch vụ nếu muốn được giải ngân khoản vay, từ đó thu thêm phí dịch vụ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem