Lái xe Lexus dán biển ra vào Bộ Công an "thách thức" tổ liên ngành, có thể xử lý ra sao?

Nguyễn Đức Thứ sáu, ngày 07/05/2021 13:09 PM (GMT+7)
Theo luật sư, hành vi không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ có thể được xem xét là hành vi "chống người thi hành công vụ".
Bình luận 0

Như Dân Việt đưa tin, ngày 6/5, Tổ công tác liên ngành TTGT vận tải, CSGT - trật tự, Công an quận Hoàn Kiếm (TP. Hà Nội) làm nhiệm vụ đảm bảo ATGT, trật tự đô thị trên địa bàn. 

Trong quá trình làm nhiệm vụ tại khu vực Cổng bệnh viện C trên phố Tràng Thi, tổ công tác đã nhắc nhở, yêu cầu người điều khiển ô tô Lexus màu trắng mang BKS 30G-223.97 do một nam thanh niên điều khiển đỗ dừng sai quy định. Trên kính xe Lexus này để một biển hiệu giấy ra vào trụ sở 47 Phạm Văn Đồng (Bộ Công an).

Được biết, khi được nhắc nhở, người thanh niên điều khiển xe ô tô Lexus màu trắng mang BKS 30G-223.97 đã thách thức Tổ công tác: "Biết biển số xe này của ai không mà cấm đỗ?", rồi chốt khoá cửa xe, bỏ đi vào phía trong Bệnh viện C.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, hành vi của nam tài xế cho thấy thái độ coi thường và thách thức pháp luật. 

Bởi vậy việc xử lý của cơ quan chức năng như vậy là cần thiết và phù hợp với quy định của pháp luật.

Xử lý thế nào lái xe Lexus dán biển ra vào Bộ Công an thách tổ liên ngành xử lý - Ảnh 1.

Sau khi bị tổ công tác nhắc nhở, thanh niên điều khiển xe Lexus màu trắng mang BKS 30G-223.97 chốt cửa xe bỏ đi. Ảnh : V.H

Cơ quan chức năng sẽ làm rõ lỗi vi phạm hành chính là dừng đỗ sai quy định để xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP. 

Ngoài ra, hành vi không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của cơ quan chức năng cũng là hành vi vi phạm quy định của luật giao thông đường bộ và cũng sẽ bị xem xét xử phạt hành chính. 

Cơ quan chức năng sẽ xác định các lỗi vi phạm, tương ứng với đó sẽ xác định mức xử phạt về vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với nam tài xế nêu trên theo quy định pháp luật.

Hành vi không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ có thể được xem xét hành vi "chống người thi hành công vụ". 

Tuỳ thuộc vào hậu quả xảy ra mà hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Điều 3, Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ có đưa ra khái niệm như sau: "Hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao".

Xử lý thế nào lái xe Lexus dán biển ra vào Bộ Công an thách tổ liên ngành xử lý - Ảnh 3.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội).

Nếu hành vi chống người thi hành công vụ được đánh giá là chưa nguy hiểm cho xã hội, không ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với chế tài là phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: 

Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; Xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ; Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ; Đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính.

Trường hợp hành vi ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, hành vi được xác định là nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015, với mức hình phạt cao nhất có thể tới 7 năm tù.

Ngoài ra theo luật sư Cường, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ nhân thân, lai lịch, phẩm chất của người vi phạm này, làm rõ hậu quả đối với xã hội để có căn cứ xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Ngoài trách nhiệm pháp lý là bị xử lý hành chính và có thể còn bị xử lý hình sự về hành vi chống người thi hành công vụ người vi phạm còn có thể bị xử lý kỷ luật nếu là cán bộ, đảng viên.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người vi phạm là cán bộ, đảng viên, người thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật nhưng thiếu ý thức chấp hành pháp luật, coi thường lực lượng chức năng đang thi hành nhiệm vụ cơ quan cảnh sát giao thông cũng có thể kiến nghị với lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan, đơn vị mà người vi phạm đang làm việc, công tác để xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của luật kỷ luật cán bộ công chức, viên chức và kỷ luật đảng theo quy định.

Điều 330 Bộ luật hình sự 2015 quy định về "Tội chống người thi hành công vụ" như sau:

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm."

   

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem