Lâm Đồng: Nuôi đàn chim 60.000 con bé như nắm tay, bán trứng thu 28 triệu/ngày, bán phân chim thu hàng trăm triệu

Thứ ba, ngày 20/07/2021 13:07 PM (GMT+7)
Với nguồn vốn đầu tư ban đầu tương đối thấp và đảm bảo cho thu nhập ổn định, nhiều năm qua, bà con nông dân trên địa bàn xã Hòa Ninh, huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) đã mở rộng mô hình nuôi chim cút lấy trứng để đa dạng hóa nguồn thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống.
Bình luận 0

Cũng như bao bà con nông dân trong vùng, vợ chồng bà Ngô Thị Ngọc Ánh - Lê Quang Tuấn ở Thôn 13, xã Hòa Ninh, huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) sống bằng nông nghiệp, chuyên canh cây cà phê. 

Do tình hình chung về giá cả thị trường cà phê bấp bênh, chi phí đầu tư phân bón và công lao động tăng cao nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển sản xuất của người trồng cà phê.

Lâm Đồng: Nuôi đàn chim 60.000 con bé như nắm tay, bán trứng thu 28 triệu/ngày, bán phân chim thu hàng trăm triệu - Ảnh 1.

Nuôi chim cút giúp gia đình bà Ngô Thị Ngọc Ánh, xã Hòa Ninh (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) có thu nhập cao.

Sau khi tìm hiểu một số mô hình kinh tế hiệu quả ở các địa phương và phù hợp với điều kiện của gia đình, vợ chồng ông Tuấn quyết định bán bớt 3 ha cà phê, chỉ để lại sản xuất 2 ha.

Đồng thời năm 2013, ông chuyển sang đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi chim cút. Lúc đầu chỉ nuôi được khoảng trên 20.000 con. Sau nhiều năm gắn bó với nghề nuôi chim cút và từ những thành quả kinh tế mang lại của mô hình, gia đình ông Tuấn vận động một số hộ dân trong xã cùng tham gia.

Ông Tuấn còn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm, tư vấn về kỹ thuật nuôi chim cút, chăm sóc chim cút, nguồn cung cấp giống, thức ăn và thuốc men…

Ông chủ động tìm đầu ra và nhận bao tiêu sản phẩm cho những nông hộ muốn phát triển kinh tế từ loại gia cầm này. Đến nay đã có 14 hộ dân trên địa bàn tham gia mô hình nuôi chim cút với tổng đàn lên đến trên 200 ngàn con.

Ông Lê Quang Tuấn cho biết: “Gia đình tôi đã đầu tư 1,5 tỷ đồng xây dựng chuồng trại với diện tích 600 m2 và các dụng cụ phục vụ chăn nuôi. Với quy mô chuồng trại hiện có, gia đình tôi duy trì nuôi với số lượng trên 60.000 con chim cút giống”.

Theo kinh nghiệm của ông Lê Quang Tuấn, việc nuôi chim cút đòi hỏi người chăn nuôi phải làm tốt khâu chăm sóc, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đảm bảo đủ ánh sáng, mật độ nuôi. 

Vào mùa khô, do thời tiết nắng nóng nên cần giữ cho chuồng trại sạch sẽ, thông thoáng, mát mẻ. Còn mùa mưa thời tiết lạnh hơn nên cần đảm bảo nhiệt độ thích hợp cho chim cút phát triển và duy trì sinh sản. 

Về thời gian sinh sản, từ ngày nhập con giống khoảng từ 20 - 25 ngày là chim cút bắt đầu đẻ trứng, tùy thuộc thời điểm và khâu chăm sóc nhưng bình quân từ khi nuôi đến 9 tháng sẽ thay giống mới. 

Để đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi chim cút của gia đình và các hộ dân trong vùng cũng như việc cung cấp trứng với số lượng lớn cho thị trường, gia đình ông Tuấn đã thuê 7 nhân công lao động thường xuyên để phụ trách chăn nuôi như: người chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, thu gom trứng, tài xế và nhân viên thú y phụ trách chăn nuôi.

Ông Lê Quang Tuấn chia sẻ: Nuôi chim cút có ưu điểm thu hồi vốn nhanh, chi phí đầu tư con giống vừa phải, chim ít xảy ra dịch bệnh nên rất phù hợp với bà con nông dân có thể tranh thủ thời gian nông nhàn. 

Bên cạnh đó, đầu ra cho sản phẩm khá thuận lợi bởi nhu cầu thị trường về trứng và thịt chim cút cũng khá cao. 

Với 60.000 con chim cút, bình quân gia đình ông Tuấn thu sản lượng đạt 6 tạ trứng/ngày. Tuy hiện nay giá cả trứng chim cút trên thị trường giảm xuống còn 38.000 đồng/kg, nhưng bình quân gia đình ông Tuấn vẫn thu được 22,8 triệu đồng/ngày. 

Ngoài ra, gia đình ông Tuấn còn có nguồn thu hàng trăm triệu đồng/tháng từ việc bán phân chim cút. 

“Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc chăn nuôi của gia đình và các hộ dân trên địa bàn cũng gặp những khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa, đầu ra chậm, giá cả thị trường giảm, trong khi đó giá cám tăng cao nên cũng đã tác động đến đời sống của các nông hộ chăn nuôi…”, ông Lê Quang Tuấn nói.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Ninh Vũ Văn Hà cho biết: “So với những mô hình chăn nuôi khác, mô hình chăn nuôi chim cút của hộ ông Lê Quang Tuấn và các hộ dân trong vùng có nhiều ổn định hơn và đã trở thành mô hình chăn nuôi điển hình trên địa bàn xã. Từ khi liên kết nuôi chim cút, nhiều nông hộ đã vươn lên và có cuộc sống khá giả. Thời gian tới, chúng tôi sẽ vận động hộ ông Tuấn và các gia đình chăn nuôi chim cút thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết sản xuất để tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi hơn”.

Lam Phương (Báo Lâm Đồng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem