Lâm Đồng: Thiếu chiến lược sản xuất cây giống cà phê

Thứ ba, ngày 01/10/2013 13:48 PM (GMT+7)
Theo Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện nay toàn tỉnh có gần 80 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cà phê, với năng lực sản xuất giống cà phê theo đăng ký khoảng 4,6 triệu cây giống/năm. Tuy nhiên, năng lực sản xuất thực tế của các cơ sở chỉ đạt từ 60 - 70% so với đăng ký.
Bình luận 0
Thực trạng sản xuất giống cà phê ở Lâm Đồng cho thấy, người dân thường ứng dụng công nghệ nhân giống truyền thống bằng hạt (nhân giống hữu tính) là chủ yếu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc nhân giống cà phê vô tính bằng các phương pháp như ghép cành đang dần trở nên phổ biến.

Những kết quả nghiên cứu và thực nghiệm cho thấy phương pháp ghép nối ngọn là phương pháp thích hợp cho cả hai loại cà phê vối và cà phê chè. Đáng chú ý với cà phê vối, phương pháp ghép nối ngọn (để cải tạo vườn cây) hoặc sản xuất cây con để trồng mới đã được ứng dụng rộng rãi tại các vùng thâm canh cà phê nhằm tạo ra một vườn cây đồng đều và năng suất cao, chất lượng tốt.

Tuy nhiên, hiện nay, chưa có một đánh giá chính thức, toàn diện và khách quan về việc sử dụng các giống mới sau khi được công nhận trong sản xuất. Bên cạnh đó, tình trạng các cơ sở gieo ươm cây giống cà phê ghép để bán với chồi ghép không rõ xuất xứ sẽ là nguyên nhân làm giảm sản lượng cà phê của tỉnh và không tạo được khối lượng hàng hoá lớn có sự đồng đều về chất lượng.

Trong thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã công nhận 9 vườn cà phê đầu dòng, xây dựng 12 vườn chồi cà phê tại các địa phương với diện tích gần 5.000m2 để cung cấp chồi ghép cho nông dân, với các giống cà phê vối cao sản chọn lọc như: TR4, TR5, TR6, TR9, TR11, TS1, TS2, TS4; giống cà phê chè chủ yếu là Moka, Catimor. Cây cà phê ghép sau khi trồng 2 năm đạt năng suất trên 3 tấn nhân/ha và sau 3 năm trồng đạt trên 5 tấn nhân/ha. Hiện nay, giống cà phê chè Catimor cũng đang được khuyến nghị trồng rộng rãi trong phạm vi cả nước thay thế cho các giống Caturra và Typica.

Cùng với năng lực sản xuất giống chỉ mới đạt 60 - 70% và số lượng vườn đầu dòng, vườn chồi giống hiện nay còn ít nên chưa đáp ứng nhu cầu cải tạo, trồng mới cây cà phê của tỉnh. Do đó, tình trạng nông dân sử dụng giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chất lượng kém vẫn còn xảy ra trên địa bàn Lâm Đồng. Vì vậy, rất cần thiết phải xây dựng chiến lược sản xuất giống cà phê, trong đó gồm những giống cho năng suất cao, thích hợp cho từng vùng cà phê ở Lâm Đồng.

Lâm Đồng là tỉnh có diện tích cà phê lớn thứ hai với gần 145.000ha, chiếm 26% tổng diện tích, và chiếm 28% sản lượng cà phê cả nước.
Đặng Tuấn (Đặng Tuấn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem