Làm gì để thế giới biết đến nông sản Việt?

09/04/2019 17:46 GMT+7
Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam, vừa tham dự diễn đàn “Người Việt có tầm ảnh hưởng - VGLF” diễn ra tại Paris (Pháp) trong hai ngày 30 - 31/3.

Diễn đàn do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Hội Khoa học và chuyên gia toàn cầu (AVSE-Global) tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ ngoại giao Việt Nam.

Trở về nước, ông Báo tâm sự: Thú thật, khi nhận được lời mời tham gia diễn đàn với tư cách là một diễn giả, và tham luận với chủ đề “Niềm tự hào của nông dân Việt Nam”, tôi rất xúc động, nhưng đồng thời cũng rất băn khoăn. Bản thân tôi chỉ là lãnh đạo một doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp. Tuy doanh nghiệp của tôi có đạt được một số thành tích nhưng nói tôi là người có tầm ảnh hưởng, thì sự ảnh hưởng đó vô cùng khiêm tốn. Mà diễn đàn này lại là nơi hội tụ của những người Việt và gốc Việt tài năng, thành đạt, đến từ 25 quốc gia trên toàn thế giới. Họ đều là những người lãnh đạo hàng đầu thế giới trên rất nhiều lĩnh vực, các chuyên gia đầu ngành, những người đã khởi nghiệp thành công trên toàn cầu, có tầm ảnh hưởng lớn.

Ông Trần Mạnh Báo (hàng đầu, ngoài cùng bên phải) tại diễn đàn

Diễn đàn có mục đích rất lớn là nhằm tạo ra sự hợp tác tích cực, đánh thức tiềm năng đất nước, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Mình sẽ nói được gì về nền nông nghiệp Việt Nam ở diễn đàn đó? Và liệu có nói được không? Nên lúc đầu tôi định từ chối. Nhưng rồi nghĩ lại.

Mình đã một đời gắn bó với người nông dân và nền nông nghiệp của đất nước. Nay đến diễn đàn lớn này, được gặp gỡ toàn những tinh hoa của giới khoa học và giới kinh doanh, nhất định mình sẽ học được nhiều điều bổ ích. Mình phải có trách nhiệm đưa đến cho các đại biểu một cái nhìn toàn cảnh về nông nghiệp Việt Nam, về sự đóng góp đáng tự hào của nền nông nghiệp và nông dân Việt Nam trong gần một thế kỉ qua. Nghĩ vậy, tôi nhận lời đi, và bắt tay ngay vào việc chuẩn bị tham luận.

Những vấn đề gì đã được đưa ra để thảo luận, trao đổi trong diễn đàn đó, thưa ông?

Chủ đề quan trọng nhất được diễn đàn nêu ra và xoay quanh là “Nâng tầm thương hiệu Việt Nam”. Trong đó có rất nhiều chuyên đề như: Xây dựng thương hiệu quốc gia; Vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế; Cái nhìn đa chiều của thế giới và người Việt ở nước ngoài đối với Việt Nam. Và các phiên thảo luận về nông nghiệp Việt Nam; Du lịch Việt Nam; Công nghệ thông tin và kinh tế Việt Nam; Thương hiệu, văn hóa và con người Việt Nam... Đã có gần 200 đại biểu tham dự và phát biểu.

Trong tham luận của mình, ông đã gửi gắm điều gì về nền nông nghiệp Việt Nam và người nông dân Việt Nam, đến bạn bè quốc tế và nhân dân trong nước, thưa ông?

Bài tham luận của tôi chia làm 3 phần. Phần 1 là những dấu mốc của nông nghiệp Việt Nam. Từ nạn đói khủng khiếp năm 1945 với trên 2 triệu người chết đói, chủ yếu là nông dân. Rồi từ một nước nghèo đói, những năm 80 của thế kỉ trước, vừa phải xin viện trợ, vừa phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực, chúng ta đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản vào nhóm đầu thế giới, chỉ sau 3 thập kỉ, được thế giới khâm phục. Nông nghiệp, từ một ngành thấp kém, đã trở thành điểm sáng nhất trong nền kinh tế Việt Nam. Năm 2018 chúng ta đã xuất khẩu 40 tỷ USD, xuất siêu trên 8 tỷ USD. Năm 1990 chúng ta có 50% hộ nghèo thì năm 2018 chỉ còn 2%. Đó chính là sự phấn đấu không ngừng, là niềm tự hào của người nông dân Việt Nam.

Phần 2, tôi nêu tóm tắt sự đóng góp của Thaibinhseed trong nền nông nghiệp Việt Nam. Thaibinhseed như một viên gạch xây dựng ngôi nhà của thương hiệu Việt Nam, của nền kinh tế và của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Phần 3, tôi đề xuất một số vấn đề trong xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam là một nước xuất khẩu nông sản lớn. Nhưng nền kinh tế xuất phát ở điểm thấp, sản xuất nông nghiệp còn manh mún. Trình độ công nghệ, công nghiệp, chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu nông sản còn hạn chế. Nông sản xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị không cao và chưa có thương hiệu mạnh. Vì vậy, xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam là một yêu cầu vô cùng bức thiết.

Nền kinh tế toàn cầu hóa không chấp nhận việc bán hàng không có thương hiệu với giá trị và chất lượng thấp. Chủ trương của tổ chức VGLF là: Tầm nhìn tham vọng và chiến lược lâu dài bắt đầu từ hành động nhỏ nhất. Vì vậy, xây dựng thương hiệu quốc gia cần bắt đầu từ sản phẩm doanh nghiệp. Không có thương hiệu sản phẩm doanh nghiệp thì không bao giờ có thương hiệu sản phẩm quốc gia. Tôi đã đề xuất với diễn đàn: Giúp Việt Nam ứng dụng công nghệ sinh học vào phát triển nông nghiệp, đặc biệt là công nghệ giống nông nghiệp; Xây dựng công nghiệp chế biến và công nghiệp bảo quản nông sản; Hợp tác nghiên cứu và bảo vệ tài sản trí tuệ; Hỗ trợ xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam trên toàn thế giới; Làm cầu nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành trên thế giới và là cầu nối để đưa nông sản Việt Nam ra thế giới.

Qua bài phát biểu của mình, tôi muốn gửi gắm một thông điệp: Nền nông nghiệp Việt Nam, nếu muốn trở thành một nền sản xuất hàng hóa hiện đại theo đúng nghĩa của nó, thì cần huy động được những trí tuệ lớn, những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới. Chỉ có thế, chúng ta mới xây dựng được một thương hiệu mạnh cho nông sản Việt Nam, và khiến cho cả thế giới biết đến nông sản Việt Nam.

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục