Làm nông thời công nghệ 4.0: Nông dân Việt “đổi đời” nhờ nông nghiệp thông minh

Hồng Liên Thứ sáu, ngày 26/06/2020 06:08 AM (GMT+7)
Cuộc thi “Làm nông thời công nghệ 4.0” (tiền thân là “Tôi là Nông dân 4.0”) đang bước vào giai đoạn nước rút, từ 670 hồ sơ được gửi về từ khắp mọi miền của Tổ quốc, Ban Sơ khảo đã họp và chọn ra được 23 dự án tiêu biểu nhất.
Bình luận 0

 

Cuộc thi "Làm nông thời công nghệ 4.0" là giải thưởng dành cho nông dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Giải thưởng nhằm khẳng định cam kết "Sát cánh cùng nông dân Việt" của Báo Nông Thôn Ngày Nay/Báo Điện tử Dân Việt. Đồng thời, một lần nữa khẳng định vai trò là cơ quan báo chí khích lệ nông dân, HTX, doanh nghiệp tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ mới vào sản xuất góp phần nâng cao thương hiệu nông sản Việt Nam.

Sau gần 3 năm tổ chức cuộc thi, Ban Tổ chức vẫn thường xuyên kết nối với các nông dân xuất sắc đã có những mô hình nổi bật đoạt giải trong Cuộc thi được tổ chức lần đầu tiên. Đại đa số các nông dân 4.0 đều ngày càng phát triển các mô hình của mình.

 (Báo giấy) Nông dân Việt “đổi đời”  nhờ nông nghiệp thông minh - Ảnh 1.

“Ông trùm” Võ Văn Sơn nuôi tôm công nghệ cao kể chuyện chinh phục vùng cát trắng. Ảnh: D.V

"Nữ hoàng trứng sạch" mở rộng quy mô

Nông dân 4.0 Phạm Thị Huân (Ba Huân) – người được mệnh danh là "Nữ hoàng trứng sạch" luôn trăn trở về một giải pháp cùng bà con vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng sản phẩm trứng. Sau nhiều ngày đau đáu tìm hiểu về giải pháp, công ty của bà đã quyết định nhập về Việt Nam công nghệ xử lý trứng được xem là đứng hàng đầu thế giới: Hệ thống thiết bị xử lý trứng gia cầm của Tập đoàn Moba (Hà Lan), giúp quy trình xử lý trứng gia cầm được tự động hóa 100%.

 Làm nông thời công nghệ 4.0: Nông dân Việt “đổi đời”  nhờ nông nghiệp thông minh - Ảnh 2.

Anh Cao Phát Triển bên vườn cam trĩu quả sau khi được lắp đặt hệ thống phun, tưới tự động. Ảnh: IT

Công ty Ba Huân cũng mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại mới theo tiêu chuẩn công nghệ tiên tiến: Chuồng kín - mát, hiện đại, phù hợp với công nghệ tiên tiến hiện nay trong khu vực và quốc tế; đáp ứng tiêu chuẩn, tiết kiệm để nuôi gà cung cấp nguồn thực phẩm ổn định, chất lượng cho thị trường tiêu dùng của nhân dân. Chính điều này đã giúp công ty vượt qua khủng hoảng của thị trường và đạt được bước phát triển như ngày hôm nay.

Tới nay, công ty đã hoàn chỉnh chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn bao gồm trang trại chăn nuôi gia cầm công nghệ cao với kinh phí lên tới hơn 1.500 tỷ đồng.

Đặc biệt, Công ty Ba Huân cũng đang mở rộng đầu tư ra phía Bắc, xây dựng nhà máy xử lý, chế biến trứng gia cầm công nghệ cao tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội) với quy mô 2ha, tổng vốn đầu tư trên 110 tỷ đồng, công suất xử lý 65.000 trứng/giờ, sử dụng công nghệ cũng của Tập đoàn Moba (Hà Lan).

"Bác sĩ" của tôm thẻ chân trắng

Trong khi đó, nông dân 4.0 Võ Văn Sơn - người từng đoạt giải Nhì với mô hình "Nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao" thì chia sẻ đã có không ít người biết được mô hình độc lạ của ông thông qua Cuộc thi "Tôi là Nông dân 4.0".

"Ngay khi biết tin tôi được giải, có rất nhiều anh em trong ngành tôm đã tìm cách liên hệ cũng như gọi điện chúc mừng tôi. Tôi cảm thấy rất vui và phấn khởi. Đặc biệt, mọi người tìm đến rất nhiều để học tập mô hình của tôi"- ông Sơn cho biết.

"Tôi còn nhớ rất rõ, lần đầu phát động cuộc thi này, chúng tôi luôn mong muốn và cũng hoài nghi về khả năng ứng dụng công nghệ của những người làm nông nghiệp. Nhưng những hồ sơ dự thi đầy chất lượng từ năm đầu tiên tới nay cho thấy nhận thức ngày càng sâu và rộng của người làm nông nghiệp về tầm quan trọng của công nghệ. Điều đó cho thấy "nông nghiệp 4.0" hay "nông nghiệp thông minh" không chỉ là cụm từ thời thượng nữa, đó là mục tiêu cuả ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và những người kinh doanh và sản xuất nông nghiệp nói riêng".

Nhà báo Nguyễn Văn Hoài – Phó Tổng Biên tập Báo NTNN, Trưởng Ban Sơ khảo

Từ diện tích khiêm tốn ban đầu, giờ đây ông Sơn tiếp tục mở rộng diện tích nuôi tôm ra gấp nhiều lần. Hiện, ông đang sở hữu gần 40ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Về cơ bản, công nghệ nuôi tôm cũng không khác biệt quá nhiều so với hồi tham gia cuộc thi "Tôi là Nông dân 4.0" chỉ có một vài thay đổi nhỏ không đáng kể.

Điện thoại tôi nhiều lúc "cháy máy"

Ngay sau khi nhận được giải Khuyến khích của Cuộc thi "Tôi là Nông dân 4.0", điện thoại của ông Cao Phát Triển (Cần Thơ) thường xuyên trong tình trạng "cháy máy" bởi các cuộc gọi của các nông dân từ khắp các mọi miền trên Tổ quốc đều tìm đến nhờ ông thiết kế và lắp đặt hệ thống tưới nước và phun thuốc tự động điều khiển từ xa bằng điện thoại di động.

 Làm nông thời công nghệ 4.0: Nông dân Việt “đổi đời”  nhờ nông nghiệp thông minh - Ảnh 4.

Anh Cao Phát Triển bên vườn cam trĩu quả sau khi được lắp đặt hệ thống phun, tưới tự động.

"Sau gần 2 năm nhận giải, lúc này, bản thân tôi cũng không thể nhớ nổi mình đã đi đến bao nhiêu nơi và thiết kế, lắp ráp bao nhiêu hệ thống nữa. Tôi cảm ơn Báo Nông Thôn Ngày Nay đã tổ chức một Cuộc thi bổ ích và lý thú như thế này"- ông Triển chia sẻ.

Vinh danh những "nhà khoa học chân đất"

Sau khi bất ngờ nhận được giải thưởng từ cuộc thi nông dân 4.0, ông Long Văn Nghĩa (ở Bạc Liêu) cho biết: Mô hình "Nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh hai giai đoạn" của ông đã phát triển được khoảng 4-5 năm. Mức độ hiểu quả lúc này được người dân đồng thuận không phải trong tỉnh mà cả ở ngoài tỉnh, không chỉ trong cá nhân nông dân mà cả các dây chuyền lớn, công ty, doanh nghiệp lớn cũng đồng loạt bắt tay làm theo.

Đánh giá về cuộc thi, cá nhân ông Long Văn Nghĩa cho rằng: Cuộc thi này là cơ hội để nông dân 4.0 mỗi tỉnh có sân chơi 4.0 thực sự. Giải thưởng của cuộc thi không chỉ là giải thưởng đơn thuần mà nó còn làm cho người được nhận giải có cảm giác như một phần thưởng khuyến khích được nhà nước, tổ chức quan tâm đánh giá. Chính những cuộc thi như thế này giúp cho nông dân có động lực tạo ra những mô hình hay hơn nữa trong tương lai.

Trong số 668 hồ sơ hợp lệ được gửi về từ khắp mọi miền của Tổ quốc, Ban Sơ khảo đã họp và chọn ra được 23 dự án tiêu biểu nhất để tiếp tục chấm chung khảo. Trong đó:

Tác giả dự thi cao tuổi nhất là ông Nguyễn Hữu Công đến từ Sóc Trăng (sinh năm 1963) với mô hình "Chanh leo ngọt ứng dụng hệ thống vòi phun tự động tiết kiệm nước, điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh".

Tác giả dự thi trẻ tuổi nhất là anh Nguyễn Công Hậu (sinh năm 1996) đến từ Gia Lai với dự án "Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất dâu tây trồng trong nhà vòm".

Dự án được đầu tư nhiều tiền nhất là "Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ BB" với số tiền lên tới khoảng 75.000.000.000 đồng

Dự án được đầu tư ít tiền nhất là "Tưới phun mưa cục bộ bằng hệ thống điều khiển từ xa trên cây nhãn" chỉ với 28.000.000 đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem