Lạm phát 2919 dự kiến 3,17 - 3,41%, có thể tăng giá dịch vụ công
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ đề xuất phương án điều chỉnh giá dịch vụ công do Nhà nước quản lý.
Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ vừa họp về tình hình thực hiện công tác điều hành giá 6 tháng đầu năm và dự báo, kiến nghị công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2019, ngày 3/7.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ, đồng tình với dự báo của nhóm giúp việc. Kịch bản lạm phát cả năm ở mức 3,17 - 3,41%.
"Trong điều kiện lạm phát thấp sẽ thuận lợi hơn để điều chỉnh một số dịch vụ công nhưng phải cân nhắc thời điểm, tránh cùng điều chỉnh trong một thời điểm làm gia tăng lạm phát", Phó Thủ tướng nói. Điều này để tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp vào điều hành của Chính phủ, bảo đảm thu nhập và cuộc sống của người dân, tạo dư địa cho điều hành lạm phát trong năm sau.
Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tính toán, đề xuất Ban chỉ đạo điều chỉnh bước 3 chi phí quản lý trong kết cấu giá. Hiện nay, Bộ Y tế cần sớm xây dựng thông tư điều chỉnh kết cấu tiền lương cơ sở 1.490.000 đồng vào thời điểm phù hợp của quý III/2019. Bộ cần hoàn tất rà soát các dịch vụ và định mức kinh tế kỹ thuật; hoàn thành dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung giá dịch vụ y tế trong tháng 10/2019.
Từ nay tới cuối năm, Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn điều hòa cung cầu lương thực, thực phẩm nhất là thịt lợn, thúc đẩy xuất khẩu nông sản.
Bô Công Thương và Bộ Tài chính điều hành giá xăng hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người dân và Nhà nước, tránh để Quỹ bình ổn xăng dầu xuống thấp như vừa qua.
Về giá điện, Phó Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ sớm hoàn thành thanh tra về giá điện, đề xuất hình thức xử lý nghiêm nếu có sai phạm. Trong năm 2020, Chính phủ sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán chuyên đề về giá điện.
Về giá BOT, Bộ Giao thông vận tải sớm trình Chính phủ tổng thể các giải pháp, đánh giá kỹ lộ trình, tác động của điều chỉnh giá, cả phương án hoàn vốn của các chủ đầu tư, nhất là phân loại nợ của ngân hàng, bảo đảm khả năng trả nợ.
Các bộ, ngành, địa phương chủ động cung cấp thông tin chính thống về quản lý, điều hành giá cho các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí. Cùng với đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường công khai, minh bạch các thông tin về chỉ số đầu vào, nhất là các hàng hóa, dịch vụ quan trọng liên quan đến sản xuất và đời sống của người dân.