Lạm phát: "Ẩn số" từ giá xăng và giá thịt lợn
Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã có báo cáo vĩ mô tháng 5/2020. Theo BVSC, các chỉ số đồng loạt lao dốc do lệnh giãn cách xã hội. Ngoài ra, BVSC còn cho rằng lạm phát sẽ có xu hướng tăng do những tác động từ giá xăng và giá thịt lợn.
Lạm phát: "Ẩn số" từ giá xăng và giá thịt lợn
Sau đà lao dốc mạnh trong tháng 4, chỉ số CPI gần như có diễn biến đi ngang trong tháng 05/2020 khi chỉ giảm nhẹ 0,03%. Theo đó, CPI cuối tháng 5 tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2019, giảm mạnh so với mức đỉnh 6,4% hồi cuối tháng 01/2020.
Trong mức giảm 0,03% của CPI tháng 5, có 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm. Trong đó, nhóm giao thông mặc dù không còn giảm mạnh như trong tháng 4 (-13,8%) nhưng vẫn đứng đầu mức giảm trong tháng vừa qua (-2,21%).
Ở chiều ngược lại, nhóm hàng có tỷ trọng lớn nhất trong rổ tính CPI là hàng ăn và dịch vụ ăn uống vẫn tăng 0,34% trong tháng 5. Đây cũng là nhóm hàng hiện có mức tăng lớn nhất so với cùng kỳ (+12%, chủ yếu do thiếu hụt nguồn cung thịt lợn).
Dù liên tiếp giảm trong 4 tháng gần đây nhưng BVSC cho rằng xu hướng giá xăng dầu trong nước tăng trở lại (do giá dầu thế giới hồi phục) sẽ dần phản ánh rõ nét, là yếu tố khiến chỉ số CPI có thể bật tăng trong các tháng tới. Ngoài ra, giá thịt lợn vẫn là một ẩn số rủi ro đối với CPI từ giờ tới cuối năm (trong tháng 5, giá thịt lợn vẫn tăng 4,13% bất chấp động thái tăng cường nhập khẩu thịt đông lạnh của Việt Nam).
Sản xuất công nghiệp dần phục hồi
Sau khi lệnh giãn cách xã hội kết thúc, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp đã dần hồi phục. Điều này giúp cho chỉ số SXCN tháng 5 tăng 11,2% MoM sau khi lao dốc 13% trong tháng 4. Tuy vậy, chỉ số SXCN lũy kế 5 tháng đầu năm chỉ tăng 1% so với cùng kỳ - mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Ngành công nghiệp chế biến – chế tạo (động lực chính của sản xuất công nghiệp) cũng chỉ tăng 2,2% YTD (cùng kỳ năm 2019 tăng 11%).
Sản xuất trong hầu hết các ngành công nghiệp đều có mức tăng trưởng lũy kế thấp hoặc tăng trưởng âm so với cùng kỳ như: điện từ, máy vi tính và quang học (+6,7%); trang phục (-6,7%); xe có động cơ (-16,3%); kim loại (-2,2%)… Riêng sản xuất thuốc hóa dược tăng 25,6%.
Bên cạnh đó, chỉ số PMI tháng 5 của Việt Nam mặc dù tăng 10 điểm so với tháng 4 nhưng chỉ ở mức 42,7 điểm, tức vẫn dưới ngưỡng 50 điểm, cho thấy xu hướng thu hẹp sản xuất vẫn tiếp diễn. BVSC cho rằng chỉ số PMI sẽ tiếp tục xu hướng dần hồi phục trong các tháng tới nhưng mức độ sẽ chậm và được hỗ trợ bởi cầu trong nước nhiều hơn là cầu từ nước ngoài.
Doanh số bán lẻ bật tăng
Như chúng tôi đã dự báo trong báo cáo vĩ mô tháng trước, doanh số bán lẻ tháng 5 đã bật tăng mạnh (+27%) so với tháng 4. Diễn biến này không bất ngờ khi các hoạt động kinh tế tháng 5 đã được mở cửa trở lại sau ba tuần giãn cách xã hội. Một phần lực cầu bị “nén” trong tháng 4 đã được giải tỏa, qua đó giúp doanh số bán lẻ hồi phục.
Tuy vậy, BVSC cũng lưu ý là mặc dù có nhiều khởi sắc nhưng nếu so với cùng kỳ thì doanh số bán lẻ cuối tháng 5 vẫn giảm 4,27% còn nếu tính lũy kế 5 tháng đầu năm thì mức giảm hiện là 3,42%. Điều này cho thấy vẫn còn một khoảng cách để cầu tiêu dùng trong nước hồi phục ngang bằng so với mức trước khi có dịch bệnh, chứ chưa nói đến việc lấy lại đà tăng trưởng 10% như trong năm 2019.
Sau khi một phần nhu cầu đã được “giải nén” trong tháng 5, BVSC cho rằng doanh số bán lẻ tháng 6 sẽ khó đạt được mức tăng trưởng mạnh nữa, có thể sẽ chỉ tăng dưới 5% MoM. Xét trong khung thời gian dài, việc phục hồi của cầu tiêu dùng trong nước sẽ vẫn phụ thuộc nhiều vào khả năng kiểm soát dịch bệnh cũng như khả năng duy trì thu nhập của người dân. Dự báo doanh số bán lẻ năm 2020 chỉ đạt mức tăng 3-5% (thấp hơn nhiều mức tăng 8-10% trong các năm gần đây).