Lạm phát cao nhất trong 8 năm, Trung Quốc ngày càng ngấm đòn thương chiến
Chỉ số giá sản xuất PPI tháng 10 của Trung Quốc- một trong những thước đo chỉ báo lợi nhuận doanh nghiệp đã giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2016 đến nay, theo dữ liệu mà Cục Thống kê Quốc gia NBS mới công bố hôm 9/11. Mức giảm này vượt qua dự đoán của các nhà phân tích là 1.5%.
Ngược lại với chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc lại chứng kiến mức tăng nhanh nhất trong gần 8 năm qua. Cụ thể, CPI tháng 10 nước này tăng 3,8%, mức cao nhất kể từ tháng 1/ 2012 đến nay, vượt xa dự đoán của các nhà phân tích là 3.3%. Giá thịt lợn tăng phi mã do cơn sốt dịch tả lợn Châu Phi càn quét hơn một nửa quy mô đàn lợn của Trung Quốc chính là nguyên nhân khiến CPI nước này tiếp tục tăng mạnh trong tháng 10. Theo báo cáo của cục Thống kê, giá lợn Trung Quốc trong tháng 10 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, và có xu hướng tiếp tục tăng mạnh trong thời điểm Tết nguyên đán gần kề.
Nhìn chung, lạm phát cơ bản không bao gồm giá lương thực và năng lượng vẫn giữ mức tăng khiêm tốn, do mức lạm phát chính hiện nằm ở lĩnh vực lương thực thực phẩm. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng CPI tăng mạnh có thể trở thành mối quan ngại cho các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh, những người đang tìm mọi cách thúc đẩy nhu cầu trong nước và chi tiêu tiêu dùng để duy trì tăng trưởng kinh tế đạt mức mục tiêu.
Chỉ số giá sản xuất PPI cho thấy sự giảm phát trong tháng 10 hoàn toàn phù hợp với các dữ liệu kinh tế khác như chỉ số quản lý thu mua PMI - hiện chứng kiến mức dưới 50 trong tháng thứ 6 liên tiếp.
Trong khi Washington và Bắc Kinh hiện đang nỗ lực hoàn thiện thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1 để chấm dứt cuộc xung đột thương mại kéo dài hơn một năm nay, nhiều nhà phân tích lại tỏ ra quan ngại với đàm phán bất ngờ đổ bể và nguy cơ căng thẳng leo thang trở lại như những gì đã xảy ra hồi tháng 5. Trong trường hợp đó, Tổng thống Donald Trump chắc chắn sẽ tiếp tục tung ra những đòn giáng thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc, đẩy lạm phát tăng cao hơn và PPI giảm phát mạnh mẽ hơn.
Hôm 8/11, phía Bắc Kinh bất ngờ tuyên bố Mỹ và Trung Quốc đã đồng thuận dỡ bỏ thêm các mức thuế quan tiếp theo như một phần nội dung trong thỏa thuận giai đoạn 1. Nhưng chỉ 1 ngày sau đó, Tổng thống Trump tuyên bố với giới truyền thông ông không hề đồng ý bất cứ mức miễn trừ thuế quan nào như phía Trung Quốc tuyên bố mới đây. Dù rằng Bắc Kinh quả thực đã gây áp lực cho Washington đẩy lùi thêm một số mức thuế quan nếu muốn tiến đến thỏa thuận thương mại cuối cùng.
Theo một nghiên cứu của U.N mới công bố hồi đầu tuần trước, chiến tranh thương mại đã gây thiệt hại 35 tỷ USD cho kinh tế Trung Quốc do Mỹ giảm nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc và áp nhiều mức thuế quan trừng phạt với hơn 500 tỷ USD hàng hóa nước này. Nền kinh tế lao đao đã buộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC cân nhắc cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2016, nhưng chính quyền Bắc Kinh hiện vẫn tỏ ra thận trọng trong việc cung cấp các gói kích cầu do gánh nặng nợ quốc gia lên tới 300% GDP còn đang đè nặng.
Giờ đây, bài toán lớn cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc là làm thế nào duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong mức mục tiêu 6-6,5% giữa bối cảnh giảm phát sản xuất ngày càng trầm trọng và lạm phát tiêu dùng thì tăng phi mã.