Lạm phát cùng áp lực tồn kho tại nhiều thị trường, xuất khẩu thủy sản sẽ giảm tốc trong quý 3?

Quốc Hải Thứ ba, ngày 19/07/2022 10:43 AM (GMT+7)
Tồn kho thủy sản tại thị trường Mỹ đã ở mức cao, cùng với áp lực lạm phát nên dự kiến tăng trưởng xuất khẩu thủy sản sẽ giảm tốc trong quý 3/2022. Tuy nhiên, nhu cầu thủy sản dự báo sẽ tăng trưởng trở lại trước kỳ nghỉ lễ Tạ ơn và Giáng sinh
Bình luận 0
Lạm phát cùng áp lực tồn kho tại nhiều thị trường, xuất khẩu thủy sản sẽ giảm tốc trong quý 3? - Ảnh 1.

Chế biến cá tra tại Aquatex Bentre... Ảnh: PAN

Xuất khẩu thủy sảndấu hiệu chững lại kể từ tháng 5

Dữ liệu từ SSI Research cho thấy, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm đạt 1,06 tỷ USD (tăng 34,5% so với cùng kỳ), trong đó xuất khẩu tôm và cá tra lần lượt đạt 457 triệu USD (tăng 31% so với cùng kỳ) và 248 triệu USD (tăng 67% so với cùng kỳ).

Hai thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ (chiếm 23% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 34% so với cùng kỳ) và Trung Quốc (chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 71% so với cùng kỳ).

Giá bán trung bình của tôm và cá tra sang thị trường Mỹ lần lượt đạt 12 USD/kg (tăng 20% so với cùng kỳ) và trong khoảng 4,50 USD - 5 USD/kg (tăng 60% so với cùng kỳ), trong khi giá bán bình quân cá tra sang thị trường Trung Quốc ở mức 3,10 USD/kg (tăng 20% so với cùng kỳ).

Bên cạnh nhu cầu mạnh mẽ và đang phục hồi từ các thị trường xuất khẩu lớn, nhu cầu cũng được thúc đẩy bởi các đơn đặt hàng bị dồn nén do hạn chế sản xuất trong nửa cuối năm 2021 vì giãn cách xã hội tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nhu cầu đã có dấu hiệu chững lại kể từ tháng 5 năm 2022, do lượng hàng tồn kho tại các thị trường xuất khẩu ở mức cao vào thời điểm này.

Lạm phát cùng áp lực tồn kho tại nhiều thị trường, xuất khẩu thủy sản sẽ giảm tốc trong quý 3? - Ảnh 2.

Xuất khẩu tôm. Nguồn: VASEP, Agromonitor

Lạm phát cùng áp lực tồn kho tại nhiều thị trường, xuất khẩu thủy sản sẽ giảm tốc trong quý 3? - Ảnh 3.

Xuất khẩu cá tra. Nguồn: VASEP, Agromonitor

Theo VASEP (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam), tồn kho tại thị trường Mỹ đã ở mức cao. Cùng với áp lực lạm phát, dự kiến tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm tốc trong quý 3/2022. Tuy nhiên, dự báo nhu cầu thủy sản sẽ tăng nhanh trước kỳ nghỉ lễ quý 4/2022 (Lễ Tạ ơn và Giáng sinh).

Lạm phát cùng áp lực tồn kho tại nhiều thị trường, xuất khẩu thủy sản sẽ giảm tốc trong quý 3? - Ảnh 4.

Nguồn: VASEP, Agromonitor

Hầu hết các công ty thủy sản cho biết tồn kho tại các thị trường xuất khẩu (đặc biệt là Mỹ) đã đạt mức cao, do khối lượng nhập khẩu cao trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2022. Cùng với việc vào mùa xuất khẩu thủy sản thấp điểm, các công ty dự báo tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm tốc trong quý 3 năm 2022.

Bất chấp áp lực lạm phát, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vẫn kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng nhanh trong tháng 9, ngay trước kỳ nghỉ lễ từ tháng 11 đến tháng 12.

Mặt khác, vì giá bán bình quân của tôm thẻ chân trắng Việt Nam hiện đã cao hơn Ấn Độ và Ecuador tại thị trường Hoa Kỳ, nên các doanh nghiệp xuất khẩu khó có thể giữ giá bán bình quân của tôm cao như mức giá trong nửa đầu năm 2022.

Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp chế biến tôm vốn lấy thị trường Mỹ là thị trường xuất khẩu chính, do giá tôm nguyên liệu dự kiến sẽ cao hơn trong nửa cuối năm 2022 do nguồn cung thiếu hụt vì dịch bệnh bùng phát.

"Nữ hoàng cá tra" VHC sẽ tận dụng cơ hội ra sao?

Trong 6 tháng đầu năm 2022, VHC (Công ty CP Vĩnh Hoàn) ghi nhận doanh thu thuần đạt 7,4 nghìn tỷ đồng (tăng 82% so với cùng kỳ), nhờ doanh thu cá tra tăng 82% so với cùng kỳ. Doanh thu xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 132% so với cùng kỳ.

Mặc dù nhu cầu vẫn ổn định trong 5 tháng đầu năm 2022, nhưng doanh thu cá tra trong tháng 6/2022 đã giảm 41% so với tháng trước. Điều này là do: (i) nhu cầu giảm do lượng hàng tồn kho cao và áp lực lạm phát; và (ii) một số nhà bán buôn bán phá giá hàng tồn kho ở Mỹ trong hai tuần cuối năm tài chính của họ (làm doanh thu sang thị trường Mỹ giảm 59% so với tháng trước).

"Với mức giá 80.500 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu VHC đang giao dịch ở mức P/E năm 2022 và năm 2023 lần lượt là 7,2x và 8,5x, mức P/E trung bình lịch sử là 8x. Giá mục tiêu 1 năm của chúng tôi là 90.100 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 12%), tương ứng với khuyến nghị TRUNG LẬP.

Chúng tôi đã hạ P/E mục tiêu cho mảng thủy sản từ 9x xuống 8x (và mảng collagen và gelatin của VHC từ 13x xuống 12x) để phản ánh tăng trưởng xuất khẩu có khả năng sẽ chậm lại từ nửa cuối năm 2022", chuyên gia SSI Research phân tích.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng doanh thu xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục tăng kể từ đầu quý 2/2022, khi Trung Quốc mở cửa lại nền kinh tế và dỡ bỏ một số hạn chế tại các cảng biển. Doanh thu cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 46% so với cùng kỳ và 19% so với tháng trước.

Điều này phù hợp với chiến lược mở rộng cơ sở khách hàng của VHC tại Trung Quốc trong thời gian tới. VHC đang cố gắng thâm nhập vào phân khúc cao cấp của thị trường Trung Quốc, nơi giá cả ít biến động.

VHC kỳ vọng lợi nhuận sau thuế quý 2/2022 đạt ít nhất 600 tỷ đồng (tăng 130% so với cùng kỳ, tăng 8% so với quý trước). VHC có các đơn đặt hàng để sản xuất đến hết quý 3 năm 2022 và các đơn đặt hàng quý 4 với giá bán bình quân dự kiến sẽ ngang bằng với quý 2 năm 2022.

"Chúng tôi cho rằng, dù giá bán bình quân dự kiến sẽ tăng trở lại, nhưng sẽ không đạt được mức cao nhất trong quý 2/2022 do: Nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu yếu đi; và chi phí thức ăn chăn nuôi dự kiến sẽ giảm đi do giá hàng hóa đã ở mức cao nhất.

Chúng tôi tin rằng tăng trưởng lợi nhuận của VHC đã đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022", chuyên gia của SSI Research dự báo.

Năm 2022, SSI Research cũng kỳ vọng VHC sẽ đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 13,5 nghìn tỷ đồng (tăng 49% so với cùng kỳ) và 2 nghìn tỷ đồng (tăng 84% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận ròng sẽ chậm lại trong 6 tháng cuối năm, ở mức 30% so với cùng kỳ.

Năm 2023, đơn vị này ước tính VHC sẽ đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 12,9 nghìn tỷ đồng (giảm 4,1% so với cùng kỳ) và 1,74 nghìn tỷ đồng (giảm 15% so với cùng kỳ).

Trên thị trường nguyên liệu, giá cá giống đã giảm đáng kể so với mức đỉnh vào tháng 4 năm 2022 (giảm 40% so với đỉnh, tăng 20% so với cùng kỳ). Mặt khác, giá tôm nguyên liệu và cá nguyên liệu (mặc dù đã bắt đầu giảm) vẫn ở mức cao do chi phí thức ăn thủy sản cao (tăng 15% so với đầu năm, tăng 30% so với cùng kỳ)", theo Agromonitor.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem