Thứ năm, 28/03/2024

Lạm phát ở Việt Nam thấp hơn nhiều nước trên thế giới?

17/07/2022 1:00 PM (GMT+7)

Lạm phát cơ bản của Việt Nam tăng thấp (1,25%), cơ bản do chi phí đẩy chứ không phải do cung tiền. Trong 6 tháng đầu năm nay, yếu tố cung tiền vừa phải (+ 3,51%) và vòng quay tiền tăng chậm (0,4 lần) cũng làm chậm đi đà tăng của lạm phát.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 của Việt Nam tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức lạm phát 9,1% của Mỹ; mức 7,7% của Thái Lan; mức 6,1% của Philippines; mức 6,0% của Hàn Quốc...

Lý giải nguyên nhân lạm phát của Việt Nam thấp hơn nhiều nước trên thế giới, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng được tính toán dựa trên giá các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng phổ biến của người dân và cơ cấu chi tiêu của hộ gia đình tương ứng với các nhóm hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng.

Lạm phát ở Việt Nam thấp hơn nhiều nước trên thế giới? - Ảnh 1.

Lạm phát cơ bản của Việt Nam tăng thấp (1,25%), cơ bản do chi phí đẩy chứ không phải do cung tiền (Ảnh minh họa: KT)

Hiện nay, danh mục hàng hóa và dịch vụ đại diện tiêu dùng của Việt Nam gồm 752 mặt hàng thuộc 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính. Trong 11 nhóm, 7 nhóm có tỷ trọng tiêu dùng chiếm trên 5% trong tổng chi cho tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình; tổng của 7 nhóm này chiếm tới 86,05% trong tổng chi cho tiêu dùng cuối cùng, do vậy, biến động giá của 7 nhóm này tác động trực tiếp khá lớn tới lạm phát, bao gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống (33,56%); nhà ở và vật liệu xây dựng (18,82%); giao thông (9,67%); thiết bị và đồ dùng gia đình (6,74%); giáo dục (6,17%); may mặc, mũ nón, giày dép (5,7%); thuốc và dịch vụ y tế (5,39%).

Bốn nhóm hàng hóa còn lại chiếm tỷ trọng 13,95%, gồm: đồ uống và thuốc lá (2,73%); bưu chính viễn thông (3,14%); hàng hoá và dịch vụ khác (3,53%); văn hóa, giải trí và du lịch (4,55%).

“Nhìn chung, các nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính đều có mối quan hệ chặt chẽ với CPI, tuy nhiên, ở Việt Nam có những điểm khác biệt so với một số nền kinh tế phát triển khác, đặc biệt là Mỹ”, ông Nguyễn Bích Lâm cho hay.

Ông Lâm cho biết thêm, khác với Mỹ và các nước phát triển, trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, biến động giá lương thực, thực phẩm tác động rất lớn tới lạm phát của Việt Nam. Chẳng hạn, đối với Mỹ, chi tiêu cho lương thực và thực phẩm chỉ chiếm 8,3% trong tổng chi cho tiêu dùng của hộ gia đình nhưng ở Việt Nam, tỷ trọng này lên tới 27,68%. Do vậy, khi giá lương thực, thực phẩm tăng 10% sẽ tác động trực tiếp làm CPI tăng tới 2,77 điểm % trong khi ở Mỹ chỉ tăng 0,83%.

Ngược lại, tỷ trọng tiêu dùng nhóm xăng dầu trong chi tiêu của người dân các nước phát triển cao hơn Việt Nam, cụ thể ở Mỹ, một trong những quốc gia sản xuất dầu và các sản phẩm chế biến từ dầu lớn nhất thế giới, khi giá xăng dầu tăng 10% có thể tác động làm CPI tăng khoảng 0,5 điểm %. Trong khi đó, tại Việt Nam, nhóm nhiên liệu gồm xăng, dầu diesel và mỡ nhờn chiếm 3,89%, do đó, khi giá xăng dầu tăng 10% sẽ tác động trực tiếp làm CPI tăng 0,36 điểm %. Như vậy, xăng dầu tăng 10% đã khiến CPI của Mỹ tăng cao hơn Việt Nam 0,14 điểm %, trong khi 6 tháng đầu năm nay, xăng dầu tăng tới hơn 50%.

Lạm phát ở Việt Nam thấp hơn nhiều nước trên thế giới? - Ảnh 2.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia

Còn theo TS. Cấn Văn Lực,  thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, lạm phát tại Việt Nam thấp hơn so với thế giới là do: giá xăng được hỗ trợ bình ổn tương đối nhanh nên giá xăng tại Việt Nam tăng thấp hơn nhiều nước trên thế giới; sự chủ động, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu (như lương thực, thực phẩm, y tế…); việc điều tiết các mặt hàng do Nhà nước quản lý tương đối tốt (như: giá điện không tăng, viện phí không tăng dồn dập vào một thời điểm…); bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt các công cụ chính sách, phối hợp chính sách, nhất là chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách giá cả khá nhịp nhàng.

“Lạm phát cơ bản của Việt Nam tăng thấp (1,25%), cơ bản do chi phí đẩy chứ không phải do cung tiền. Trong 6 tháng đầu năm nay, yếu tố cung tiền vừa phải (+ 3,51%) và vòng quay tiền tăng chậm (0,4 lần) cũng làm chậm đi đà tăng của lạm phát”, ông Lực lý giải và cho biết, ở thời kỳ “hoàng kim”, vòng quay tiền của Việt Nam là khoảng 1-1,5 lần, cao hơn rất nhiều so với hiện nay.

“Vòng quay tiền chậm có thể là do giải ngân vốn đầu tư công còn chậm”, TS. Lực nhận định.

Áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm vẫn rất lớn

Mặc dù lạm phát nửa đầu năm 2022 ở Việt Nam được kiểm soát tốt và thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, áp lực lạm phát từ giờ tới cuối năm khá lớn. Do giá hàng hoá thế giới vẫn có xu hướng tăng và nguy cơ nhập khẩu lạm phát, nhất là khi Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu.

“Đà phục hồi kinh tế và sự sôi động của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng tạo ra áp lực lạm phát cầu kéo. Tỷ giá chịu áp lực tăng khá rõ (2,5 - 3% năm 2022). CPI tăng khoảng 3,8 - 4,2% (có thể cao hơn nữa) năm 2022 và 4% năm 2023”, TS. Lực nhận định.

Để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát.

“Trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng, các nước thực hiện lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga làm trầm trọng thêm thiếu hụt nguồn cung. Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp cần đa dạng nguồn cung, đảm bảo nguồn cung của từng nhóm nguyên vật liệu của mỗi ngành không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực”, ông Lâm khuyến nghị.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính cũng cần phối hợp chặt chẽ, thực hiện hài hoà chính sách tài khoá và tiền tệ. Chủ động và linh hoạt điều tiết thị trường tiền tệ, lãi suất và tỷ giá trong bối cảnh ngân hàng Trung ương các nền kinh tế lớn, phát triển nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát....

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Công ty chứng khoán cần cả kiếm và khiên

Công ty chứng khoán cần cả kiếm và khiên

Công ty chứng khoán (CTCK) bị sự cố hệ thống công nghệ thông tin thi thoảng vẫn xảy ra trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên, thường sớm được khắc phục trong phiên.

Chứng khoán tháng 4 và mùa họp đại hội đồng cổ đông

Chứng khoán tháng 4 và mùa họp đại hội đồng cổ đông

Rung lắc mạnh trong tháng 3 khi đón nhận các thông tin tốt xấu đan xen, diễn biến thị trường chứng khoán trong tháng 4 liệu sẽ ra sao?

Ít hãng bay nhưng lại cạnh tranh khốc liệt!

Ít hãng bay nhưng lại cạnh tranh khốc liệt!

Trong khi hành khách ngày càng phải trả chi phí cao hơn để đi máy bay, các hãng hàng không vẫn tiếp tục thua lỗ mà gần nhất là câu chuyện Pacific Airlines

“Ông trùm” gia vị tiết lộ bí quyết giúp Dh Foods có mặt ở hơn 10 quốc gia

“Ông trùm” gia vị tiết lộ bí quyết giúp Dh Foods có mặt ở hơn 10 quốc gia

Nhờ kiên trì tiêu chí sản phẩm sạch, không dùng nguyên liệu nhân tạo, Dh Foods không những đứng vững tại thị trường gia vị Việt Nam mà còn tiến sâu vào thị trường quốc tế.

Gói "đầu tư giáo dục" hay chiêu "lấy mỡ nó rán nó"?

Gói "đầu tư giáo dục" hay chiêu "lấy mỡ nó rán nó"?

Chiêu huy động vốn từ phụ huynh học sinh để chủ đầu tư một số trường tư thục lấy đó làm vốn kinh doanh – chiêu này không mới. Tuy nhiên, nó được khoác lên bằng những cái tên mỹ miều như "gói đầu tư giáo dục" hay "học phí 0 đồng".

Kiếm tiền thật từ thị trường carbon

Kiếm tiền thật từ thị trường carbon

Chuyện tín chỉ carbon và giao dịch carbon đem lại tiền tươi thóc thật là có thật: Ngân hàng Thế giới (WB) hôm nay 21/3 công bố đã chi trả 51,5 triệu USD cho Việt Nam.