Làm rõ thẩm quyền cưỡng chế người dân ra khỏi chung cư cũ có nguy cơ đổ sập

An Linh Thứ hai, ngày 05/06/2023 10:55 AM (GMT+7)
Cho rằng dù các chung cư có nguy hiểm, nguy cơ đổ sập song việc sở hữu, ở là quyền hợp pháp, hiến định của người dân. Vì vậy, Chính phủ cần nghiên cứu, quy định rõ thẩm quyền, trình tự, biện pháp cưỡng chế phù hợp khi cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ.
Bình luận 0

Địa phương được lấy nguồn tiền từ dự án nhà thương mại cho nhà ở xã hội

Sáng 5/6 tại Quốc hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đọc Tờ trình dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi trình Quốc hội xem xét cho ý kiến trước khi thông qua.

Theo Tờ trình của Chính phủ, đề xuất UBND cấp tỉnh phải bố trí quỹ đất cho đầu tư, phát triển nhà ở xã hội. Cùng đó, địa phương sẽ phải dành tỷ lệ nhất định nguồn thu từ tiền sử dụng, thuê đất của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị để đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật dự án nhà ở xã hội. Việc này nhằm khắc phục thực tế vừa qua tại một số địa phương chỉ dành đất cho dự án nhà ở thương mại, không bố trí quỹ đất riêng cho nhà ở xã hội.

Yêu cầu làm rõ thẩm quyền cưỡng chế người dân ra khỏi chung cư cũ có nguy cơ đổ sập - Ảnh 1.

Uỷ ban Pháp luật đề nghị Chính phủ làm rõ thẩm quyền, trình tự, biện pháp cưỡng chế phù hợp khi cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Uỷ ban Pháp luật đồng ý với đề xuất này. Tuy nhiên, Uỷ ban Pháp luật đề nghị Bộ Xây dựng, Chính phủ cần đánh giá tính khả thi trên cơ sở nhu cầu phát triển nhà ở xã hội. Việc này để tránh tình trạng các địa phương không bố trí thỏa đáng tiền sử dụng đất thu được cho các hạng mục trên.

Theo Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, việc trích tiền thu từ sử dụng, thuê đất vẫn là tiền ngân sách. Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm đóng góp kinh phí làm nhà ở xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị.

Tại Tờ trình của Chính phủ có quy định, chủ đầu tư làm nhà ở xã hội được hưởng nhiều ưu đãi như miễn tiền thuê, sử dụng đất, được ưu đãi vay vốn lãi suất thấp, được hạch toán riêng, hưởng toàn bộ lãi từ phần diện tích làm dịch vụ thương mại trong dự án nhà ở xã hội….

Ủy ban Pháp luật lưu ý Chính phủ cần quy định cụ thể tỷ lệ tối đa quỹ đất dành cho kinh doanh dịch vụ thương mại trong dự án nhà ở xã hội. Việc này nhằm tránh nhà ở xã hội bị lạm dụng hoặc chủ đầu tư xin dự án nhà ở xã hội nhưng mục tiêu làm thương mại.

Liên quan đến giá bán, thuê mua và giá thuê nhà ở xã hội, Uỷ ban Pháp luật đề nghị bổ sung các cách tính đúng, đủ để làm rõ các chi phí hợp lý, hợp lệ. Bên cạnh đó, làm rõ các cách tính đúng, đủ hợp lý, hợp lệ để làm căn cứ thuyết minh và tính vào giá bán cho người dân.

Ai chịu trách nhiệm nếu chung cư sập đổ?

Dự luật Nhà ở cũng quy định thêm về cải tạo chung cư cũ, trong đó bỏ đề xuất nhà ở chung cư có thời hạn sau khi có ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Liên quan đến vấn đề cải tạo chung cư cũ, tại dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, Chính phủ đề xuất chủ đầu tư dự án cải tạo, xây lại nhà chung cư cũ sẽ lập phương án bồi thường, tái định cư để các chủ sở hữu nhà chung cư quyết định.

Cơ quan thẩm tra của Quốc hội cho rằng, dự luật Nhà ở vẫn chưa làm rõ những điểm nghẽn khiến việc di dời người dân ra khỏi các nhà chung cư nguy hiểm, có nguy cơ sập.

"Nếu chung cư cũ hư hỏng, có nguy cơ sập đổ mà chưa di dời được người dân, hậu quả xảy ra ai sẽ chịu trách nhiệm. Chính phủ cần nghiên cứu, quy định các biện pháp cưỡng chế cần thiết, phù hợp để khắc phục tình trạng này", báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật nêu.

Bên cạnh đó, nếu lấy ý kiến các chủ sở hữu nhà ở chung cư quyết định, khó tạo sự đồng thuận, cản trở công việc tái định cư, cải tạo hoặc phá dỡ xây dựng mới.

"Đề nghị xác định trong Luật tỷ lệ biểu quyết lựa chọn phương án bồi thường, tái định cư của các chủ sở hữu căn hộ chung cư; bổ sung quy định sau một thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ mà không thống nhất được phương án thì việc bồi thường, tái định cư thực hiện theo phương án do UBND cấp tỉnh quyết định trên cơ sở các nguyên tắc bồi thường, tái định cư đã được Luật Nhà ở quy định", Uỷ ban Pháp luật đề nghị.

Liên quan đến quyền sử dụng đất, Uỷ ban Pháp luật yêu cầu Chính phủ làm rõ sự xung đột giữa Luật Nhà ở với Luật Đất đai hiện hành, bởi quyền lợi chủ sở hữu nhà chung cư với sở hữu đất ở cần phải ổn định, gắn liền nhau.

Về việc phá dỡ xây dựng nhà ở chung cư, Uỷ ban Pháp luật cho rằng cần làm rõ khi nào trường hợp nào địa phương cấp tỉnh được đầu tư vốn để phá dỡ, xây mới và quyền lợi của người dân tại đây thế nào sau khi được xây mới. Các chủ đầu tư dự án có các chung cư cũ, nguy cơ đổ sập cần có trách nhiệm với địa phương, chung tay với người dân để cải tạo nhà ở.

"Việc cưỡng chế di dời cư dân ra khỏi các chung cư nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ tác động trực tiếp đến các quyền hiến định (quyền có nơi ở hợp pháp, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, quyền sở hữu nhà ở…) nên cần phải quy định trong Luật. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời, biện pháp cưỡng chế phù hợp trong trường hợp cần thiết để bảo đảm thực hiện hiệu quả chính sách cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư", báo cáo Thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật nêu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem