Thứ sáu, 29/03/2024

"Làm sạch" thị trường ảnh hưởng thế nào đến nâng hạng chứng khoán Việt Nam?

05/06/2022 6:00 PM (GMT+7)

Các tiêu chí nâng hạng tập trung vào hai yếu tố chính: Quy mô và thanh khoản (định lượng) và khả năng tiếp cận thị trường (định tính). Vấn đề chính của Việt Nam là những tiêu chuẩn định tính.


Tăng trưởng VN-Index cuối năm 2022 sẽ ở mức dưới 10%?

Năm 2021 chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam khi VN-Index lập đỉnh trên 1.500 điểm và ghi nhận mức tăng 35,7% so với cùng kỳ, vượt trội so với mức tăng bình quân 15,2% của 5 năm gần nhất.

Bên cạnh những kỷ lục mới về điểm số, TTCK còn ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng với sự bùng nổ của thanh khoản, giá trị vốn hóa và sự hào hứng tham gia của nhà đầu tư (NĐT) mới.

Trong báo cáo mới công bố của Vietnam Report, tổ chức này đánh giá, bối cảnh dịch bệnh Covid- 19 diễn biến khó lường, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đã trở thành chất xúc tác mạnh định hướng dòng tiền nhàn rỗi, qua đó nối dài đà tăng trưởng đã được định hình từ năm 2020.

"Làm sạch" thị trường ảnh hưởng thế nào đến nâng hạng chứng khoán Việt Nam? - Ảnh 1.

TTCK Việt Nam trải qua đợt biến động mạnh trong 5 tháng đầu năm (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Bước sang năm 2022, đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp trong và ngoài nước, VN-Index đã có nhịp điều chỉnh giảm khá sâu. Từ mức đỉnh hơn 1.500 điểm xác lập trong tháng 1, VN-Index có thời điểm giảm mạnh về mức dưới 1.200 điểm trước khi có nhịp hồi phục khá tích cực vào 2 tuần cuối của tháng 5.

"Với những thành quả đã đạt được trong năm 2021, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng lớn hơn trong năm 2022. Tuy nhiên cũng cần nhấn mạnh rằng trong quá khứ, khi thị trường tăng điểm kéo dài cùng với sự gia tăng quá mạnh của dòng tiền đầu tư cá nhân luôn tiềm ẩn những rủi ro khó lường" - Vietnam Report nhìn nhận.

Khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng của Vietnam Report chỉ ra 2 nhóm rủi ro hàng đầu có thể kéo tăng trưởng xuống thấp hơn kỳ vọng, bao gồm: Lạm phát tăng cao và xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ; xung đột chính trị Nga - Ukraine.

Thị trường đã xuất hiện những quan điểm thận trọng về triển vọng tăng trưởng. Chỉ có khoảng 31% số chuyên gia và doanh nghiệp đại chúng tham gia khảo sát do Vietnam Report thực hiện trong tháng 5 cho rằng thị trường sẽ tiếp tục sôi động và diễn biến tích cực. Phần lớn cho rằng thị trường sẽ có nhiều biến động và những cú sốc mới hoặc diễn biến trầm lắng, thanh khoản cầm chừng, theo đó, tăng trưởng VN-Index cuối năm nay sẽ ở mức dưới 10%.

Những yếu tố nào hỗ trợ cho thị trường nửa cuối năm?

Mặc dù thị trường đang trong giai đoạn điều chỉnh bởi tâm lý thận trọng của nhà đầu tư, nhiều chuyên gia đều cho rằng, TTCK Việt Nam vẫn đang nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các yếu tố nền tảng của kinh tế vĩ mô và các yếu tố nội tại của thị trường.

Thứ nhất, triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam rất rõ ràng và tích cực. Việt Nam tăng 30 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số phục hồi Covid-19 theo đánh giá của Nikkei Asia. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất được 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch, Moody's, S&P đánh giá tích cực trong bối cảnh lạm phát, siết chặt chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia trên thế giới và căng thẳng Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn.

Hơn nữa, Việt Nam có lợi thế thu hút dịch chuyển đầu tư sản xuất khi là cầu nối kinh tế giữa 2 khu vực đông dân và năng động Trung Quốc và Đông Nam Á, cùng với hàng loạt hiệp định thương mại tự do được ký kết trong nhiều năm qua.

Theo đánh giá của Dragon Capital, nếu duy trì được lợi thế này, mức tăng trưởng GDP đều đặn hàng năm từ 6,5-7%/năm là kịch bản khả quan trong vài năm tới. Thêm vào đó, dự trữ ngoại hối dồi dào (110 tỷ USD) giúp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có nhiều dư địa để duy trì chính sách ổn định tỷ giá trong bối cảnh lạm phát toàn cầu đang có xu hướng gia tăng. Đây đều là những nhân tố quyết định đến thu hút dòng vốn FDI trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động.

Thứ hai, lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng nhờ nhu cầu trong nước và quốc tế hồi phục được đánh giá là động lực trọng yếu của TTCK Việt Nam.

Theo Bloomberg, các bên dự báo tăng trưởng EPS năm nay của VN-Index là 25% so với năm 2021 và dự báo của Yuanta Việt Nam là 21%. Như vậy, các doanh nghiệp niêm yết có thể lấy lại đà tăng trưởng trong năm nay với mức tăng trưởng nền thấp trong năm 2021.

Thứ ba, các biện pháp sàng lọc thị trường của Chính phủ và nỗ lực thúc đẩy nâng hạng thị trường trong năm 2024-2025.

Cuối năm 2021 và đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành nhiều công điện chỉ đạo về việc tăng cường quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra TTCK, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và tăng cường chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu.

Các biện pháp như yêu cầu công bố số liệu giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán, cảnh báo cổ phiếu "tăng sốc, giảm sâu", thay đổi cách tính giá thanh toán cuối cùng đáo hạn hợp đồng tương lai VN30… được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thị trường tăng thanh khoản, cũng như minh bạch thông tin trên thị trường.

Những biện pháp thanh lọc, chấn chỉnh thị trường cũng như những giải pháp bình ổn và phát triển thị trường được đánh giá là thiết thực, giải quyết nhiều nút thắt, đóng góp cho tính bền vững của TTCK Việt Nam.

Một trong những mục tiêu của chứng khoán Việt Nam là sớm nâng hạng trong thời gian tới. Việc nâng hạng thị trường đồng nghĩa với việc nâng chất để đáp ứng các tiêu chí đặt ra, từ đó, thu hút thêm lượng lớn vốn ngoại, giúp chứng khoán Việt Nam phát triển nhanh, minh bạch và bền vững.

Các tiêu chí nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi tập trung vào hai yếu tố chính: Quy mô và thanh khoản của thị trường (định lượng) và khả năng tiếp cận thị trường (định tính).

"Vấn đề chính của Việt Nam là những tiêu chuẩn định tính. Những biện pháp thanh lọc thị trường thời gian vừa qua của Chính phủ cũng nằm trong nỗ lực tiếp cận các tiêu chuẩn định tính. Thêm vào đó là việc đẩy nhanh quá trình thử nghiệm, sớm hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin KRX để đưa vào vận hành, tạo điều kiện để triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới cho TTCK trong thời gian tới" - Vietnam Report lưu ý.

Theo dữ liệu từ Bloomberg, TTCK Việt Nam hiện đang là thị trường hiếm hoi trong khu vực châu Á được khối ngoại mua ròng liên tục tính từ đầu năm đến nay. Điều này phần nào củng cố thêm cho nhận định TTCK Việt Nam được kỳ vọng sớm bước qua giai đoạn biến động hiện nay và sẽ ổn định, phục hồi và phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Công ty chứng khoán cần cả kiếm và khiên

Công ty chứng khoán cần cả kiếm và khiên

Công ty chứng khoán (CTCK) bị sự cố hệ thống công nghệ thông tin thi thoảng vẫn xảy ra trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên, thường sớm được khắc phục trong phiên.

Chứng khoán tháng 4 và mùa họp đại hội đồng cổ đông

Chứng khoán tháng 4 và mùa họp đại hội đồng cổ đông

Rung lắc mạnh trong tháng 3 khi đón nhận các thông tin tốt xấu đan xen, diễn biến thị trường chứng khoán trong tháng 4 liệu sẽ ra sao?

Ít hãng bay nhưng lại cạnh tranh khốc liệt!

Ít hãng bay nhưng lại cạnh tranh khốc liệt!

Trong khi hành khách ngày càng phải trả chi phí cao hơn để đi máy bay, các hãng hàng không vẫn tiếp tục thua lỗ mà gần nhất là câu chuyện Pacific Airlines

“Ông trùm” gia vị tiết lộ bí quyết giúp Dh Foods có mặt ở hơn 10 quốc gia

“Ông trùm” gia vị tiết lộ bí quyết giúp Dh Foods có mặt ở hơn 10 quốc gia

Nhờ kiên trì tiêu chí sản phẩm sạch, không dùng nguyên liệu nhân tạo, Dh Foods không những đứng vững tại thị trường gia vị Việt Nam mà còn tiến sâu vào thị trường quốc tế.

Gói "đầu tư giáo dục" hay chiêu "lấy mỡ nó rán nó"?

Gói "đầu tư giáo dục" hay chiêu "lấy mỡ nó rán nó"?

Chiêu huy động vốn từ phụ huynh học sinh để chủ đầu tư một số trường tư thục lấy đó làm vốn kinh doanh – chiêu này không mới. Tuy nhiên, nó được khoác lên bằng những cái tên mỹ miều như "gói đầu tư giáo dục" hay "học phí 0 đồng".

Kiếm tiền thật từ thị trường carbon

Kiếm tiền thật từ thị trường carbon

Chuyện tín chỉ carbon và giao dịch carbon đem lại tiền tươi thóc thật là có thật: Ngân hàng Thế giới (WB) hôm nay 21/3 công bố đã chi trả 51,5 triệu USD cho Việt Nam.