Làm sai lệch, biến dạng di tích: Dân vô tư, nhà quản lý vô lo

Thứ sáu, ngày 07/03/2014 07:10 AM (GMT+7)
Lăng Ngô Quyền được xây một tấm bình phong có hình “quái thú”; đền Phù Đổng được cung tiến hiện vật lạ; một ngôi đình bị phá để lấy gỗ sưa đem bán… là những câu chuyện đang nóng...
Bình luận 0
Lăng Ngô Quyền (Sơn Tây, Hà Nội) được xây một tấm bình phong có hình “quái thú”; đền Phù Đổng được cung tiến hiện vật lạ; một ngôi đình bị phá để lấy gỗ sưa đem bán… là những câu chuyện đang nóng của di sản hiện nay. Nó cho thấy câu chuyện về bảo vệ di sản thế nào cho hiệu quả chưa bao giờ là cũ.

Sai lệch và phá hoại

Liên tiếp những ngày đầu tháng 3, câu chuyện về di sản lại nóng lên với hàng loạt những vụ việc nổi cộm gây sự chú ý của dư luận. Ở đền Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội)- nơi thờ Đức Thánh Gióng và có lễ hội Gióng đã được ghi danh là Di sản phi vật thể của nhân loại vào cuối năm 2013, có một số tổ chức, cá nhân đến đặt vấn đề với Ban quản lý di tích đền Phù Đổng và phát tâm công đức một số hiện vật, đồ thờ gồm: 1 ngựa, 1 áo giáp và roi bằng kim loại, có kích thước lớn.

Khi đó, Trưởng Ban quản lý di tích đã đồng ý và tiếp nhận các hiện vật trên đưa vào di tích nhưng không hề báo cáo với UBND huyện. Đến khi báo chí lên tiếng, thì các bên liên quan mới ớ ra khi biết rằng việc đưa các hiện vật mới vào thờ tự ở đây là vi phạm Luật Di sản văn hóa. Ngày 3.3, Sở VHTTDL đã chính thức thông báo ngay trong tháng 3, phải tổ chức di chuyển những hiện vật mới ra khỏi di tích này.

Bức bình phong gây tranh cãi trước lăng Ngô Quyền (Hà Nội). Ảnh chụp ngày 5.3.
Bức bình phong gây tranh cãi trước lăng Ngô Quyền (Hà Nội). Ảnh chụp ngày 5.3.

Một vụ việc khác ở làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) cũng làm nóng dư luận trong những ngày này là dự án tu bổ, tôn tạo di tích lăng Ngô Quyền đã làm sai lệch di tích này. Ông Ngô Vui – Chủ tịch Hội đồng Gia tộc họ Ngô cho biết, trong quá trình thi công có những chi tiết bị sai so với ban đầu và không phù hợp với tinh thần văn hoá lịch sử, như việc xây dựng cống rãnh thoát nước ngay sau lăng là một điều tối kỵ.

Một trong những điều gây tranh cãi nhất là việc xây mới một bức bình phong chắn ngay lối vào lăng. Trên bức bình phong bằng xi măng đó có tạc hình một con thú nhưng thật khó xác định đó là con vật gì, người bảo là hổ, người bảo là chó, nhưng rõ ràng đó là một công trình rất kém về mỹ thuật, chưa kể việc xuất hiện bức bình phong ở vị trí đó có nên hay không là một điều còn nhiều tranh cãi.

Khi những chuyện buồn về di sản này chưa yên thì ngày 5.3, người dân thôn Cựu Quán (Hoài Đức, Hà Nội) lại ồn ã chuyện ngôi đền ở thôn này bị một số quan chức cấp thôn tháo đi 4 thanh gỗ sưa để bán với giá trị 1,2 tỷ đồng. Điều đáng nói là ngôi đình này, tuy chưa được xếp hạng nhưng đã nằm trong danh mục di sản được kiểm kê để bảo vệ. Chính vì thế, nó vẫn được bảo vệ theo quy định pháp luật về di sản, thế mà chẳng hiểu các ông bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn và trưởng ban khánh tiết lấy quyền hành gì để đưa ra một quyết định xằng bậy đến như thế với tiền nhân.

Nước xa và lửa gần


Rõ ràng tất cả những vi phạm mới xảy ra với hàng loạt các di tích ở Hà Nội đã cho thấy một thực tế chung, đó là từ văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ di sản đến thực tế đời sống còn một khoảng cách rất lớn. Việc phân cấp quản lý di sản cho các địa phương, từ địa phương về các ban quản lý di tích được xem là đỡ đi “gánh nặng” về quản lý cho các cơ quan trung ương, tuy nhiên tới nay đã bộc lộ rất nhiều điểm bất cập của chuyện “nước xa không cứu được lửa gần”.

"Chúng ta không yêu cầu người dân ở địa phương phải có kiến thức về di sản như các chuyên gia, nhưng ít ra họ phải hiểu thế nào là xâm hại di tích, là vi phạm Luật Di sản. Trách nhiệm làm cho dân hiểu là của nhà quản lý”.
GS - TS Ngô Đức Thịnh

Lấy ví dụ cụ thể ở cả 3 trường hợp nói trên, cấp quản lý thấp nhất là các ban quản lý di tích đều đã vi phạm Luật Di sản, nhưng có điều, sự việc chỉ bị phát giác khi chuyện đã rồi, nhẹ thì mức “làm sai”, “làm biến dạng”, còn nặng thì một ngôi đình đang được kiểm kê thì đã bị dỡ tung cả mái để đem bán, tức là ở mức “phá hoại” di sản.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, GS - TS Ngô Đức Thịnh- Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia cho biết: “Những chuyện buồn của di sản gần đây đã cho thấy vấn đề trách nhiệm của các cấp quản lý trong việc bảo vệ di sản. Chúng ta đều phải hiểu, không ai bảo vệ tốt di sản hơn được chính những người dân địa phương, ông bộ, ông sở hay ông huyện đều không làm thay họ được việc này.

Nhưng vấn đề ở đây là trách nhiệm của các cơ quan quản lý, họ có làm được cho người dân hiểu được giá trị của di sản, hiểu được vai trò của chủ thể di sản đúng hay chưa? Vụ việc ngôi đình ở Cựu Quán đã cho thấy rõ điều đó, ở địa phương thì cứ có lợi là làm, có thể hiểu biết của họ nông cạn, họ bị đồng tiền làm mờ mắt, vậy thì người có lỗi ở đây chính là các cấp quản lý vì đã không làm hết trách nhiệm của mình trong việc giúp đỡ người dân là các chủ thể di sản hiểu đúng vai trò của họ”.

Từ việc sư trụ trì chùa Trăm Gian tự ý tháo dỡ nhà Tổ và gác Khánh để làm mới, đình Ngu Nhuế bị xóa sổ, hàng loạt các di tích sau trùng tu bị biến dạng, bị làm mới… đã cho thấy hiểu biết của người dân- chủ thể của các di sản văn hóa đang thực sự rất đáng báo động. Vấn đề ở đây là người dân thì vô tư xâm hại di tích nhưng các cấp quản lý dường như vô lo trong phần trách nhiệm của mình.

Tất cả mọi vụ việc đều do báo chí phát hiện, và nhà quản lý thì chạy theo sửa sai khi sự đã rồi, thậm chí khi có vụ việc bị phát giác, sự hợp tác của các cơ quan quản lý với báo chí cũng rất hiếm hoi, những người có trọng trách cao thì lảng tránh. Chính lối hành xử với di tích như vậy đang khiến cho công cuộc bảo vệ di sản ở nước ta đã khó lại càng thêm khó.

Mai An (Mai An)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem