Làm tốt chuỗi liên kết tốt, nông sản mới đi xa được

Trần Khánh Thứ tư, ngày 11/11/2020 11:20 AM (GMT+7)
Nhờ áp dụng công nghệ cao, ngành nông nghiệp của Bình Dương đã tạo được những bước chuyển tích cực. Nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là đầu ra sản phẩm còn thiếu bền vững. Tỉnh Bình Dương xác định, phải củng cố từng khâu trong chuỗi liên kết thì nông sản mới đi xa được.
Bình luận 0

Ông Đoàn Minh Chiến, chủ trang trại cây ăn trái tổng hợp ở huyện Bắc Tân Uyên cho rằng, tuy không để lâm vào tình cảnh phải "giải cứu nông sản" như nhiều địa phương khác, song điệp khúc được mùa mất giá và ngược lại vẫn còn tái diễn trên địa bàn.

Làm tốt chuỗi liên kết tốt, nông sản mới đi xa được - Ảnh 1.

HTX Cây ăn quả Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên. Ảnh Thoại Phương

Mỗi người làm tốt một khâu

Ông Chiến lấy dẫn chứng cụ thể khi mùa vụ rơi vào thời điểm dịch Covid-19.  Trái cây có múi ở huyện Bắc Tân Uyên trúng mùa nhưng giá bán lại quá thấp so với trước vì phụ thuộc vào thương lái. Để giải quyết được vấn đề này ông Chiến cho rằng cần phải xác định được vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có sự thống nhất trong công tác quản lý nhà nước về tiêu thụ sản phẩm. Trái cây ở trang trại của ông dù đã có đơn hàng xuất đi nước ngoài nhưng chỉ nghe bên trung gian thông báo, chứ bản thân ông chưa xây dựng được chuỗi cung ứng trực tiếp.

Ông Lê Minh Sang - Giám đốc HTX Cây ăn trái Tân Mỹ (Bắc Tân Uyên) chia sẻ, nếu không có đầu mối tổ chức các khâu cụ thể thì rất dễ rơi vào vòng lẩn quẩn vì một người không thể làm hết tất cả. Thời điểm trái cây hút hàng, thương lái vào tận vườn thu mua, có khi đặt cọc trước. Nhưng khi nhiều người cùng trồng một mặt hàng, làm cung vượt cầu thì dù sản phẩm đẹp, chất lượng, chở đến tận nơi bán cũng không có giá. Điều này khá dễ hiểu đối với các doanh nghiệp. Nhưng với phần đông nông dân, những người chưa quen với kinh tế thị trường lại là thách thức lớn. Vì vậy làm ăn có hợp đồng, có ký kết thông qua HTX sẽ là bước đi bền vững.

Làm tốt chuỗi liên kết tốt, nông sản mới đi xa được - Ảnh 2.

Sản xuất dưa lưới ở HTX Kim Long

Theo ông Sang, khi đã hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp, cần đưa mỗi người về đúng vị trí của mình. "Nông dân có đất, có kinh nghiệm canh tác. Chúng tôi có kỹ thuật, có đội ngũ quản lý về quy trình và phát triển thị trường. Sau 5 năm hoạt động, mô hình kinh tế liên kết này làm việc này rất hiệu quả", ông Sang kể.

Được biết, HTX Cây ăn trái Tân Mỹ hiện có 22 thành viên, canh tác trên 62 ha đất nông nghiệp chuyên về bưởi, cam, quýt. Doanh thu bình quân của HTX mỗi năm hơn 21 tỷ đồng, thu nhập bình quân của thành viên 25 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Hồng Quyết - Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (huyện Phú Giáo) cho biết HTX hiện có 45 xã viên với 12 ha nhà kính trồng dưa lưới công nghệ cao. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, sản phẩm VietGAP của HTX có chất lượng cao, tiêu thụ ổn định trên thị trường cả nước.

Ông Quyết cho biết, các thành viên được HTX hỗ trợ quy trình kỹ thuật, vật tư và bao tiêu sản phẩm nên mọi người chỉ việc yên tâm sản xuất. Đồng thời, để có bước đi vững vàng, tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa nên HTX không tổ chức sản xuất ồ ạt mà tính toán cân đối nguồn cung cầu để bảo đảm hiệu quả sản xuất cho bà con. Hàng năm, HTX sản xuất và cung ứng ra thị trường trên 200 tấn dưa lưới, doanh thu đạt 9-10 tỷ đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho hơn 60 lao động, thu nhập bình quân 6-6,5 triệu đồng/người/tháng.

Tăng cường kết nối

Làm tốt chuỗi liên kết tốt, nông sản mới đi xa được - Ảnh 3.

Ông Quyết (thứ 2, từ trái sang) hướng dẫn khách tham quan tại HTX Kim Long

Cũng theo ông Quyết, trước khi nghĩ tới bài toán xuất khẩu nông sản đi xa, ngay trên sân nhà, các thành phần kinh tế, các cơ quan chức năng cũng cần phải tăng cường kết nối để tạo thành sức mạnh chung. Sản phẩm dưa lưới Kim Long dù có mặt trên thị trường toàn quốc song đường vào các siêu thị và các chợ đầu mối ngay tại địa phương lại rất khó khăn. Kinh nghiệp cho ông Quyết thấy, những doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp khác cũng gặp khó khăn tương tự. Nhiều đơn vị phải chủ động tìm những kênh khác nhau hoặc tự tạo cơ sở tiêu thụ, phân phối sản phẩm của mình.

Ông Nguyễn Thanh Kiên - Giám đốc HTX Ổi Thanh Kiên giải thích, nguyên nhân chính là do nông sản phải đáp ứng nhiều thủ tục, hồ sơ pháp lý rườm rà từ phía siêu thị đặt ra. Trong khi lượng mua không nhiều, giá thành bị chi phối bởi nhiều loại thuế, phí nên giá trị kinh tế không được như mong đợi. Thêm nút thắt nữa là khâu thanh toán của siêu thị kéo dài từng tháng, từng quý hoặc chỉ nhận bán dưới hình thức ký gửi hàng hóa. Điều này tạo ra áp lực xoay vòng vốn rất lớn lên các đơn vị sản xuất nông nghiệp ở quy mô nhỏ, siêu nhỏ.

"Tất nhiên, kênh phân phối cũng có những cái khó riêng. Tất cả các vấn đề nêu trên cũng chỉ là khó khăn chứ không phải không có hướng giải quyết nếu cùng hợp sức, đồng lòng vì một thị trường ổn định", ông Kiên nhận định.

Làm tốt chuỗi liên kết tốt, nông sản mới đi xa được - Ảnh 4.

Tăng cường kết nối sẽ là chìa khóa để xây dựng chuỗi sản xuất bền vững cho nông sản Bình Dương. Ảnh Xuân Thi

Ông Phạm Văn Bông - Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, thời gian qua, các cấp ngành, địa phương luôn phối hợp để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản theo hướng bền vững. Trong đó, kết nối vẫn là giải pháp then chốt để quảng bá và mở rộng thị trường cho nông sản địa phương. Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tăng cường tổ chức hội thảo, các cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp, các siêu thị và trang trại. Từ đó, tăng sự giao lưu kết nối để đưa các sản phẩm tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, hướng đến xuất khẩu.

Ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, nhờ quá trình chuyển đổi cơ cấu, ứng dụng công nghệ cao, nông sản Bình Dương đã có những bước phát triển nhanh. Nhưng nhìn chung, các sản phẩm có thương hiệu chưa nhiều, chưa có công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản vẫn còn hạn chế, thị trường tiêu thụ chưa ổn định. "UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh kết nối, đưa nông sản của tỉnh vào hệ thống sản xuất, chế biến, kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước", ông Dũng cho biết.

"Việc tìm đầu ra, nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản, đặc biệt là trái cây đặc sản, hướng đến xuất khẩu luôn là mục tiêu quan trọng của tỉnh để thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp phát triển", ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem