Làm việc với tỉnh Bắc Ninh về giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao 7 nhiệm vụ trọng tâm

Thứ ba, ngày 25/08/2020 06:38 AM (GMT+7)
Chiều 24/8, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Ninh về giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn.
Bình luận 0
Làm việc với tỉnh Bắc Ninh về giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao 7 nhiệm vụ trọng tâm - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Giải ngân vốn đầu tư công đạt 52,8%

Báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực và Đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Thành cho biết: Đến ngày 20/8, tỉ lệ giải ngân của ngân sách địa phương đạt 68%, ngân sách cấp tỉnh đạt 52,8%.

Về số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, kế hoạch năm 2020 của tỉnh Bắc Ninh được phân bổ là 371,9 tỷ đồng, đến thời điểm hiện tại đã thực hiện phân bổ hết. Đến hết ngày 20/8, đã giải ngân được 139 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2020 nguồn ngân sách Trung ương, đạt 37,4%.

Về các giải pháp hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2020, tỉnh Bắc Ninh xác định triển khai thực hiện Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và các văn bản, nghị định hướng dẫn, ban hành quy định liên quan tới công tác đầu tư công, làm căn cứ để các đơn vị triển khai hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2020 và thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Thực hiện nghiêm túc văn bản số 622/TTg-KTTH ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác rà soát, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 của tỉnh, đồng thời chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập các tổ công tác đẩy nhanh tiến độ giải ngân cấp huyện; ban hành các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, trong đó đặc biệt chú ý các chỉ đạo của Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công gồm mốc thời gian, tỉ lệ giải ngân và trách nhiệm của chủ đầu tư, các cá nhân liên quan trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, yêu cầu giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2020 đạt 100%.

Đối với các dự án, công trình chuyển tiếp cần hoàn tất thủ tục nghiệm thu để giải ngân nguồn vốn được phân bổ; đối với các dự án được phân bổ vốn khởi công mới phải nhanh chóng hoàn tất các thủ tục đầu tư liên quan, sớm khởi công dự án; nâng cao chất lượng công tác đấu thầu để lựa chọn nhà thầu có chất lượng thực hiện công trình.

Vẫn theo tỉnh UBND tỉnh Bắc Ninh, các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tập trung công tác đền bù GPMB để có mặt bằng cho các đơn vị nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đáp ứng tiến độ dự án. Các đơn vị chủ đầu tư tăng cường công tác theo dõi, giám sát quá trình thực hiện chương trình, dự án đầu tư đối với lĩnh vực, địa bàn được phân công, phân cấp quản lý; nghiêm túc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm toán.

Đối với nội dung hỗ trợ hạ tầng nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung xử lý nợ xây dựng cơ bản theo Luật Đầu tư công, tập trung nguồn lực thanh toán các dự án đã được phê duyệt quyết toán, các dự án đã có khối lượng, chỉ khởi công mới các dự án thực sự cấp thiết và đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định.

UBND tỉnh sẽ thực hiện phân bổ nguồn cải cách tiền lương còn dư theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bắc Ninh đóng góp ngày càng tăng cho ngân sách Trung ương

Cơ bản đồng tình với Báo cáo của tỉnh Bắc Ninh và ý kiến của các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận nỗ lực của tỉnh trong điều hành phát triển kinh tế-xã hội, đóng góp tích cực cho tăng trưởng của vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ và cả nước.

Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng khoảng 8,5%/năm (cao hơn bình quân chung cả nước 6,8%/năm). Từ năm 2017, tỉ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương tăng lên 17%. Năm 2020, quy mô kinh tế tăng lên đã góp phần ngày càng cao cho ngân sách Trung ương và bảo đảm cân đối chi ngân sách địa phương, nhất là chi đầu tư phát triển.

GRDP đạt khoảng 212,2 nghìn tỷ đồng, gấp 1,6 lần năm 2015 và chiếm 3,24% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người 6.410 USD, gấp 1,3 lần so với năm 2015 và gấp 2,24 lần bình quân cả nước (năm 2015, GRDP đạt 128,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,07% GDP cả nước). Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 80,6 triệu đồng/năm, gấp 1,7 lần năm 2015 và gấp 1,5 lần bình quân chung cả nước. Năng suất lao động bình quân tăng 8,4%/năm (cao hơn mức 5,8%/năm bình quân chung cả nước).

Trong 8 tháng đầu năm 2020, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện hiệu quả “nhiệm vụ kép”, vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì và phát triển các hoạt động kinh tế-xã hội, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân. Mặc dù gặp nhiều bất lợi về thời tiết, dịch bệnh, nhưng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 20.638 triệu USD, tăng 1,1%; thu hút làn sóng đầu tư mới như cấp mới đăng ký đầu tư 29 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký là 3.118 tỷ đồng, cấp điều chỉnh 25 dự án tăng vốn 1.768 tỷ đồng; thu hút đầu tư nước ngoài 119 dự án đầu tư mới, điều chỉnh vốn 70 dự án, tổng vốn là 731 triệu USD; thành lập mới 1.598 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 15.599 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển đạt 4.221 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2019.

Về giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, theo báo cáo của Bộ Tài chính, 7 tháng đầu năm 2020, công tác giải ngân của tỉnh Bắc Ninh khá tốt, đạt 49,68% và là một trong 7 địa phương dẫn đầu cả nước về giải ngân (so với mức bình quân chung của cả nước là 37,7%); giải ngân vốn cân đối ngân sách địa phương đạt 51,47% (gấp 1,27 lần bình quân chung cả nước 40,43%) là điểm sáng trong công tác giải ngân của tỉnh; tuy nhiên, vốn Chương trình mục tiêu cũng giải ngân đạt 16,93%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước là 35,22%. Đến hết 31/8/2020, Bắc Ninh giải ngân ước đạt 57,17%.

Báo cáo của tỉnh Bắc Ninh cho biết, đến ngày 20/8, về ngân sách địa phương thì tỉ lệ giải ngân đạt 68%, trong đó, ngân sách cấp tỉnh đạt 52,8%.

Về số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương đã giải ngân đạt 37,4% (tỉ lệ thấp do cuối tháng 7/2020 mới phân bổ chi tiết 150 tỷ đồng cho dự án Cải tạo sông Ngũ Huyện Khê và 120 tỷ đồng cho dự án Cầu Phật Tích – Đại Đồng Thành). Tỉnh có 3 dự án đã giải ngân 100%; 3 dự án đang thực hiện giải ngân, trong đó có 2 dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2020, nhưng còn khó khăn vướng mắc (vướng mắc GPMB, hết tháng 7 mới hoàn tất thủ tục giao vốn).

Làm việc với tỉnh Bắc Ninh về giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao 7 nhiệm vụ trọng tâm - Ảnh 2.

Ảnh: VGP/Lê Sơn

100% số xã đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới

Về kết quả triển khai thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Đến nay, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử như: Điều chỉnh giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay theo các quyết định về lãi suất mới từ ngày 17/3/2020 của NHNN nhằm ổn định và giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ sản xuất kinh doanh; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ với dư nợ là 8.817 tỷ đồng, với số lãi miễn đạt 7 tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi doanh số cho vay mới đạt 18.712 tỷ đồng. Rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn. Giảm thuế, phí, lệ phí, giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Có 7/8 huyện được công nhận hoàn thành và đạt chuẩn huyện nông thôn mới, dự kiến tất cả 8 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2020.

Bắc Ninh triển khai khá đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ về cải cách TTHC, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử. Là địa phương sớm triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công của tỉnh (từ năm 2017), giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

Thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại và hạn chế, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phân tích: Trong 6 tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) -3,3%; trong 8 tháng năm 2020, chỉ số sản xuất IIP toàn ngành công nghiệp giảm 7,2%; thu ngân sách Nhà nước ước 18.676 tỷ đồng, đạt 63,7% dự toán năm và giảm 6,6% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, hạ tầng kinh tế-xã hội chưa đáp ứng được tốc độ phát triển nhanh của tỉnh; tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề và hệ thống sông, ngòi chưa được cải thiện. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu và yếu so với nhu cầu phát triển sản xuất theo hướng CNH-HĐH, công nghiệp hỗ trợ phát triển chưa tương xứng với lợi thế của địa phương có nhiều dự án lớn…

7 nhiệm vụ trọng tâm phát triển trong thời gian tới

Đề cập đến phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ: Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới, nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế, Bắc Ninh cần lưu ý làm tốt một số trọng tâm công tác sau:

Một là, Bắc Ninh cần tìm động lực mới cho phát triển và phát triển bền vững trên 3 trụ cột: Kinh tế - Xã hội - Môi trường. Đẩy mạnh nâng cấp, phát triển đô thị; thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, hạ tầng đô thị và nông thôn quy mô, đồng bộ, hiện đại, nâng cao tỉ lệ đô thị hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển và các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương gắn với mối quan hệ với vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cả nước. Nhất là quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy thương mại dịch vụ để đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của tỉnh có nhiều khu công nghiệp và công nhân lưu trú.

Hai là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công, đẩy nhanh tốc độ xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh, hướng tới chính quyền số, kinh tế số với mục tiêu nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, cải cách hành chính, tiết kiệm được thời gian, chi phí, tăng cường sự minh bạch và chịu trách nhiệm của cơ quan quản lý, góp phần hình thành nền hành chính chuyên nghiệp, tạo môi trường trong sạch, an toàn, cuộc sống tươi đẹp.

Ba là, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Bắc Ninh cần xác định là nơi để thu hút đội ngũ nhân tài trí thức nhất là trong lĩnh vực khoa học công nghệ, các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam đến đầu tư phát triển; tạo bước đột phá đầu tư vào ngành du lịch, phát triển du lịch Bắc Ninh tương xứng với tiềm năng và lợi thế nhằm đưa Bắc Ninh trở thành nơi đáng sống, điểm đến của du khách và các nhà đầu tư. Chăm lo hơn nữa đời sống người dân, bảo đảm môi trường tốt, các dịch vụ du lịch, tạo ra chuỗi liên kết công nghiệp phụ trợ…

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, trong đó tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp điện tử chủ lực và công nghiệp trong nước; phát triển các khu, cụm công nghiệp theo hướng bền vững. Chú trọng công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề, khu công nghiệp, khắc phục và xử lý nghiêm vi phạm ô nhiễm môi trường.

Trong đó, rà soát và phân loại các dự án đầu tư công làm 3 nhóm chính. Đó là với những dự án đã hoàn thành cần khẩn trương thực hiện các thủ tục thanh quyết toán; đối với những dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2020 thì tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, chỉ rõ khó khăn vướng mắc cụ thể, thẩm quyền giải quyết của cấp nào; rà soát, kiên quyết điều chuyển nguồn vốn đầu tư công từ các dự án có tỉ lệ giải ngân thấp sang các dự án có khả năng hoàn thành, giải ngân cao, nhu cầu vốn lớn mà khi hoàn thành có tác động lan tỏa đối với phát triển kinh tế-xã hội theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ. Phấn đấu hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020.

Năm là, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, giải ngân các dự án, trọng tâm là các dự án trọng điểm, dự án có vốn bố trí lớn, dự án hoàn thành trong năm 2020. Tránh tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư, thực hiện các dự án đầu tư công không hiệu quả, lãng phí nguồn lực; đồng thời tích cực giám sát, kiểm tra phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong việc thực hiện nhiệm vụ đầu tư công.

Lưu ý đến việc hoàn thiện và hướng dẫn triển khai thống nhất toàn tỉnh hệ thống thông tin về đầu tư, giải ngân vốn ngân sách Nhà nước theo quy định để kịp thời cập nhật tình hình giải ngân, phục vụ điều hành, triển khai kế hoạch vốn đầu tư công.

Sáu là, chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị, đặt biệt là người đứng đầu phải coi việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020; tích cực chủ động rà soát, tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, khi triển khai thực hiện các chương trình, dự án và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ODA theo quy định tại Nghị định số 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng ODA, vay ưu đãi nước ngoài nếu giải ngân không đạt tiến độ, xem xét điều chuyển chủ đầu tư dự án theo thẩm quyền; thực hiện việc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng, bảo đảm công khai, minh bạch, bảo đảm nhà thầu có năng lực triển khai thực hiện dự án. 

Bảy là, thực hiện tốt các vấn đề xã hội, giải quyết việc làm và hỗ trợ tìm việc làm mới cho lao động mất việc, thiếu việc làm nhất là những người bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19. Tiếp tục quan tâm, chăm lo cho các gia đình chính sách, người lao động, bảo đảm an sinh xã hội. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường đối thoại trực tiếp với người dân; giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở.

Đối với các kiến nghị của tỉnh Bắc Ninh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình giao các bộ, ngành tiếp thu, nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

N.L (Chinhphu,vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem