Lần ngược... lòng người miền Tây

Dạ Ngân Thứ ba, ngày 16/02/2021 08:41 AM (GMT+7)
Đơn vị nhỏ nhất ở Nam Bộ là ấp, đại diện là Trưởng ban nhân dân ấp. Bây giờ đường bê tông đã uốn lượn ôm trọn gần như tất cả các ấp. Xóm cũng là khái niệm tâm thức khi người Bắc, người Trung theo chân nhà Nguyễn Nam tiến nên làng thì phải xóm. Thực tế, chỉ có ấp đánh số chứ không đặt tên.
Bình luận 0

1.Nam Bộ, nhất là miền Tây Nam Bộ không có làng theo định dạng lũy tre, triền đê, điếm canh và cây gạo. Nam Bộ sông nước quanh năm óc ách vào mùa mưa và có thấp đi tí chút vào mùa khô, thế thôi. Làng là từ của tâm thức, của tâm linh, xưa có hẳn đình làng cho cả xã, hay cả một vùng gồm mấy xã.

Đơn vị nhỏ nhất ở Nam Bộ là ấp, đại diện là Trưởng ban nhân dân ấp. Bây giờ đường bê tông đã uốn lượn ôm trọn gần như tất cả các ấp. Xóm cũng là khái niệm tâm thức khi người Bắc, người Trung theo chân nhà Nguyễn Nam tiến nên làng thì phải xóm. Thực tế, chỉ có ấp đánh số chứ không đặt tên. Có lẽ, di dân, giao thoa ở vùng đất thưa thớt người bản địa nên cứ thứ tự ấp mà gọi, cuộc sống dù sao cũng phóng khoáng, cởi mở hơn nhiều.

(xuan) Lần ngược...  lòng người miền Tây - Ảnh 1.

Vườn quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp). Ảnh: T.L

Người với người chung ấp chung xã thời a-còng (@), thời Internet, thời xe máy và ô tô, ới nhau những vấn đề của thế kỷ 21. Góp tiền góp công nới lan can cầu cho xe tải vô tận nơi mua hàng, chở hàng đi lên chợ nghen bà con. Trồng hoa dọc đường, khuôn viên nhà ai nấy lo nhưng nhớ bây giờ giống mới nhiều lắm, đẹp lắm nghen. 

Dẹp trường của ấp sao, học sinh ít quá hả, học trên xã hết hả, ừ, mỗi xe máy chở được hai đứa, vần công nhau, sáng đưa trưa đón, xoay vòng nghen. Vẫn phải giữ vỏ lãi, chăm chút máy đuôi tôm nghen, có những chuyện không chở bằng xe máy được đâu, ví như đi chợ huyện, ví như chở người đi cấp cứu, ví như đám cưới đám gả đưa đón dâu. Đến hồi thay giống cho cây vườn, cây tơ, giống lai, năng suất cao, nhớ mua giấy bọc trái để không bị sâu bọ nghen...

Vậy đó, gì cũng cùng nhau và cùng mơ. Mơ cả ấp cả xã sẽ có lúc đón du khách về homestay. Nghe đây bà con, là cá trong mương liếp, quả trên cây, đồng ruộng không dùng thuốc…

Vậy đó, gì cũng cùng nhau và cùng mơ. Mơ cả ấp cả xã sẽ có lúc đón du khách về homestay. Nghe đây bà con, là cá trong mương liếp, quả trên cây, đồng ruộng không dùng thuốc để chim chóc trở lại, khu phụ văn minh, khu bếp phải truyền thống và nhà thoáng, sân đẹp, vậy là người ta sẽ tìm đến thôi.

2.Thời đường đất và cầu khỉ. Xóm ấp vẫn phải thông thương. Đàn ông của những cụm nhà tự nguyện ới nhau chăm từng đoạn lộ, từng chiếc cầu của quãng nhà mình. Trẻ con đi học, phải yên tâm chúng không bị té xuống nước bởi những kênh ranh ngăn cách những khuôn vườn của nhau. Thay đổi được không? Nghĩ được sẽ làm được. Họ đặt cống, ống cống ấy cho khuôn vườn chung, đắp đất mô lên, xóa cầu khỉ. 

Nhà này làm đầu tiên, sẽ có nhà thứ hai thứ ba làm theo và cứ thế. Tiếp tục hoàn thiện đường đất vào mùa khô, những nhát leng be con đường, cao ráo, nhìn mát mắt. 

Vậy rồi xuất hiện xe đạp, không đồng loạt nhưng họ học nhau rất nhanh. Ó ré bọn choai choai cứ đạp long nhong phá đường nhưng nghĩ bụng, nếu mình con nít mình cũng vậy, thôi, vác leng ra lặng lẽ gia cố.

(xuan) Lần ngược...  lòng người miền Tây - Ảnh 3.

Du khách về Cà Mau vui du lịch cộng đồng, hào hứng vì lòng người phóng khoáng, ấm áp. Ảnh: Chúc Ly

Khuya 28 Tết đã vật heo, cả ấp rền rĩ tiếng heo bị chọc tiết. Làm heo sớm để lấy thịt cho nhân bánh tét, kho rệu, khìa nước dừa tươi. Các bà các chị còn nướng bánh cho thêm phần xôm tụ. Hẹn nhau, bánh mứt phải khác để còn cho nhau nghen…

Những cây nước mới là vấn đề của giai đoạn này, chấm dứt việc xài nước sông, mất vệ sinh. Nhưng tiền đâu? Nhà khá giả cho nhà nghèo mượn tiền không lấy lời, đến mùa bán lúa trả cũng được. Nhà nghèo nữa thì "ê bà con, xách thùng sang đây, cho nước nè". 

Điện chưa về, không thể hút nước lên bằng máy bơm, nước phải dùng tay ấn cần, không sao, nước trong nước đẹp, mỏi tay chút mà đâu có mất tiền, không sao.

3.Thời này đi lại thường phải bằng tam bản, bằng xuồng. Chưa hề có cái gọi là vỏ lãi hay xăng dầu, ai biết mùi xăng là gì tả coi. Không tả được. Kênh rạch, còn thêm lạch nữa, liên miên. Muốn mang cho nhau thứ gì phải bơi xuồng. 

Mượn nhau từ cây chèo, cây phảng phát cỏ, từng công trâu để cày để bừa ruộng. Mượn nhau từng xị dầu để thắp đèn, khi nào ra chợ sẽ mua trả. Đi chợ là đi thành khóm nhà, trên những chiếc ghe của ai đó khả dĩ nhất, gom từ con gà con vịt, buồng chuối buồng cau buồng dừa đến cả thứ rau tập tàng.

Có việc cưới gả, mượn đèn măng - xông của mấy nhà khá giả, thứ đèn sáng lòa mà hay kêu khè khè. Vòm cổng trang trí bằng lá dừa non với cây đủng đỉnh, rạp bằng lá dừa nước, đất phèn dấp dính. Tiếng đờn kìm đờn cò réo rắt. Cả ấp ào đi nghe đàn hát, xuồng đậu bập bềnh ngày hội. Tết này đụng heo nghen, như mọi năm nghen? 

Khuya 28 Tết đã vật heo, cả ấp rền rĩ tiếng heo bị chọc tiết. Làm heo sớm để lấy thịt cho nhân bánh tét, kho rệu, khìa nước dừa tươi. Các bà các chị còn nướng bánh cho thêm phần xôm tụ. Hẹn nhau, bánh mứt phải khác để còn cho nhau nghen, bánh thuẫn, bánh bông lan, bánh kẹp, mứt dừa, mứt bí…

Vẫn cách trở nhưng tiếng trống lân đã nối liền cảm xúc. Nôn nao quá chừng thứ trống ấy. Đội lân đi bằng tam bản lớn, ông địa cà rỡn ở sạp mũi, người đội lân đứng giữa, sạp lái là gã ôm trống và người đứng chèo bằng hai chèo. Ghé đây, thế là lân lên bờ, những bước nhảy thượng võ, ông địa khích lân leo cột cây nêu lấy tiền. Cứ thế, lân đi mấy ngày, vòng hết mấy ấp, rượu thịt ít, thanh cảnh, nhưng vui nhiều, vui tràn. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem