Làn sóng giảm lãi suất không diễn ra: Ngân hàng Nhà nước thất bại?

Trần Giang Thứ sáu, ngày 30/09/2016 13:00 PM (GMT+7)
Phát đi thông tin về việc 4 ông lớn ngân hàng quốc doanh giảm lãi suất huy động từ 0,3 – 0,5%, Ngân hàng Nhà nước muốn tác động tới quyết định cắt giảm lãi suất của các ngân hàng. Tuy nhiên, đến nay mới có 2 ngân hàng là MB và LienVietPostBank hướng ứng chính sách này.
Bình luận 0

Ba ngày sau khi Ngân hàng Nhà nước phát đi thông tin về việc 4 ngân hàng quốc doanh (BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank) giảm lãi suất huy động từ 0,3-0,5% giảm lãi suất cho hầu hết các kỳ hạn thì có 2 ngân hàng hưởng ứng, đó là MB và LienVietPostBank.

Hiếm khi cả 4 ngân hàng quốc doanh đồng loạt giảm lãi suất và đây là tín hiệu mạnh mẽ về việc giảm lãi suất cho cả hệ thống ngân hàng. Động lực giảm lãi suất được cho là thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá dồi dào, trong khi các ngân hàng lại bí kênh đầu tư.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 9, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 12,02%, trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,46%.

Tuy nhiên, sau động thái này, chỉ có Ngân hàng Quân đội (MB) giảm lãi suất theo. MB giảm lãi suất huy động về gần bằng lãi suất của Vietcombank. Động thái này có lẽ vì MB có thương hiệu có uy tín có thể so sánh với Vietcombank trên thị trường.

Tiếp đến, chiều tối qua, LienVietPostBank cũng phát đi thông cáo cho biết giảm lãi suất huy động xuống bằng mức lãi suất huy động của 4 ông lớn quốc doanh. Hiệu ứng lan toả sau 3 ngày giảm lãi suất chỉ mới dừng ở đấy, các NHTM cổ phần khác như Eximbank, Sacombank, ACB, Techcombank, VPBank, SHB… vẫn chưa có động tĩnh gì.

Nguyên do có lẽ các ngân hàng vẫn đang thận trọng quan sát xem liệu quyết định giảm lãi suất của các “ông lớn” ngân hàng quốc doanh có được chấp hành nghiêm chỉnh tại các chi nhánh không.

img

Ngân hàng nghe ngóng xem các ngân hàng quốc doanh có thực hiện nghiêm túc việc giảm lãi suất huy động ở các chi nhánh

Thực tế, việc giảm lãi suất huy động của các ngân hàng không hề dễ dàng. Các ngân hàng phải chủ động kiểm soát tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung dài hạn vì sẽ không có nhiều dư địa cho tỷ lệ này gia tăng sau khi tỷ lệ trần mới được áp dụng.

Nói cách khác, nếu giảm lãi suất huy động quá nhiều thì vốn huy động có thể giảm đột ngột do người gửi tiền chuyển sang gửi ở ngân hàng khác. Theo đó sẽ ảnh hưởng đến các hệ số an toàn hoạt động với tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung dài hạn có thể vi phạm mức trần mới theo quy định.

Đặc biệt, vấn đề lãi suất đang chịu áp lực từ lạm phát. Với CPI tháng 9 theo công bố gần đây tăng 3,34% so với cùng kỳ, cắt giảm lãi suất là động thái ngược lại với chính sách tiền tệ thông thường. Chênh lệch lạm phát và lãi suất huy động một tháng hiện chỉ là 1,6% và rủi ro đặt ra là CPI có thể tiếp tục tăng và NHNN có thể phải đảo ngược chính.

Mặc dù hệ thống tài chính được cung cấp thanh khoản khá đầy đủ trong thời điểm này, lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn khá "khó chịu". Các ngân hàng vẫn tiếp tục thận trọng căn cứ vào các khoản nợ xấu lại tăng trong những tháng gần đây.

Về phần mình, NHNN đang khuyến khích các tổ chức tín dụng gia tăng cho vay nhưng cũng gợi ý rằng họ nên tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, bao gồm các hoạt động sản xuất kinh doanh và thương mại chứ không nên vào bất động sản.

Nếu thời gian tới, các ngân hàng cùng cắt giảm lãi suất huy động, thì có thể xem NHNN thành công khi tác động giảm lãi suất huy động ở những ngân hàng quốc doanh lớn dẫn đến lãi suất cho vay cũng giảm trên hệ thống. Nếu không, chênh lệch lãi suất huy động và cho vay giữa các ngân hàng quốc doanh và ngân hàng tư nhân sẽ lớn hơn thông thường.

Theo kết quả khảo sát vào cuối tháng trước của HSC, lãi suất huy động bình quân đã tăng 0,22% so với đầu năm lên 6,11%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem