dd/mm/yyyy

Lan tỏa phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Hòa Bình

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ở tỉnh Hòa Bình đang lan tỏa sâu rộng...

Từ phong trào này, đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, quyết tìm tòi, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình, các loại cây con mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập từ trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Clip: Một số mô hình phát triển kinh tế của hội viên nông dân tỉnh Hòa Bình

 Nhiều nông dân Hòa Bình thành triệu phú từ phong trào SXKDG

Hộ ông Vũ Văn Thái thôn Đại Đồng, xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy là một trong những hội viên nông dân vừa được tôn vinh, biểu dương trong số 100 gương mặt nông dân xuất sắc 2022. Để có được thành quả này, ông Thái đã chủ động tích cực học hỏi kinh nghiệm từ thực tiễn cuộc sống, những mô hình phát triển trồng cây ăn quả ở địa phương khác.

Đồng thời, tích cực tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả do Hội Nông dân tổ chức để áp dụng vào mô hình của gia đình mình. Hiện ông Thái có 1 ha bưởi Diễn, bưởi Thồ, bưởi da xanh. Cứ vào mùa là cây nào cây ấy sai trĩu quả, ước chừng trên 100 quả mỗi cây. 

Ông Thái, bộc bạch: Thời bưởi được giá, có nhà thu bạc tỷ là chuyện bình thường. Bởi bưởi Diễn, bưởi Thồ ở Đại Đồng có vị ngọt mát, dóc tép, mọng nước, mẫu quả đẹp, có hương thơm đặc trưng lại giàu dinh dưỡng nên khá được giá. Thời kỳ cao điểm giá bưởi bán ra từ 25 - 30.000 đồng/quả, hiện giá thấp hơn nhưng cũng ở mức 15 - 20.000 đồng/quả. Riêng với gia đình tôi, sau khi trừ chi phí mỗi năm thu lãi gần 500 triệu đồng từ vườn bưởi.

Lan tỏa phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Hòa Bình - Ảnh 2.

Mô hình trồng cam của nông dân huyện Cao Phong (Hòa Bình) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: Mùa Xuân.

Không riêng hộ ông Thái mà trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện đang có hàng trăm hộ nông dân SXKDG, với nhiều mô hình cho giá trị kinh tế cao. Điển hình, như mô hình trồng cây ăn quả kết hợp trồng rừng sản xuất của hội viên Nguyễn Quốc Thú, xã Mông Hóa (thành phố Hòa Bình) doanh thu bình quân trên 2,1 tỷ/năm; mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ của hội viên Bùi Văn Tường, xã Sào Báy (huyện Kim Bôi) doanh thu bình quân trên 900 triệu/năm; mô hình chăn nuôi gà kết hợp trồng cây ăn quả có múi của hộ Nguyễn Mạnh Hà, xã Liên Sơn (huyện Lương Sơn)…

Xác định tầm quan trọng của phong trào Hội Nông dân tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội quán triệt đến cán bộ, hội viên nông dân. Hàng năm, giao chỉ tiêu thi đua cụ thể cho Hội Nông dân các huyện, thành phố; ban hành các kế hoạch hướng dẫn các cấp Hội căn cứ vào quy định của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về tiêu chuẩn hộ nông dân SXKDG các cấp để hội viên nông dân đăng ký thi đua và bình xét hộ đạt SXKDG các cấp.

Lan tỏa phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Hòa Bình - Ảnh 3.

Cam Cao Phong (Hòa Bình) trở thành thương hiệu riêng và giúp nhiều nông dân trở thành triệu phú từ trồng cây ăn quả. Ảnh: Mùa Xuân.

Từ phong trào đã thu hút đông đảo cán bộ, hội viên nông dân hưởng ứng tham gia. Hằng năm thu hút trên 70.000 hộ nông dân đăng ký thi đua sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, từ đó có trên 35.000 hộ đạt danh hiệu ở các cấp từ Trung ương đến cơ sở. Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, chuồng trại, máy nông nghiệp phục vụ sản xuất và xuất hiện ngày càng nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi xuất hiện nhiều mô hình điển hình tiên tiến, nhiều sản phẩm có thương hiệu.

Điểm nhấn 5 năm phong trào nông dân SXKDG ở Hòa Bình

Trong giai đoạn 2017 – 2021, toàn tỉnh có hơn 173.600 lượt hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, gần 680 hộ cấp Trung ương, hơn 9.400 hộ cấp tỉnh, gần 37.900 hộ cấp huyện, hơn 126.000 hộ cấp xã. Phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đã giúp nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo, trở thành các hội khá, giàu; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho hàng nghìn hộ nông dân.

Đặc biệt là tác động mạnh mẽ, khuyến khích hội viên nông dân đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Hòa Bình đổi mới cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn huy động vốn đầu tư khai thác tiềm năng thế mạnh về lao động, đất đai, và các điều kiện sẵn có để phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Lan tỏa phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Hòa Bình - Ảnh 4.

Mô hình chăn nuôi gà, với quy mô hơn 3.500 con của hội viên nông dân huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Mùa Xuân.

Xác định trợ vốn cho hội viên, nông dân là mục tiêu hàng đầu để tạo đòn bẩy cho nông dân tham gia SXKDG, thời gian qua các cấp Hội nông dân trên địa bàn tỉnh đã nhận ủy thác với các chi nhánh ngân hàng tạo điều kiện cho nông dân vay vốn. Đến nay, tổng dư nợ trên 3.536 tỷ đồng; tín chấp mua trên 13.661 tấn phân bón các loại, 1.059 tấn thức ăn chăn nuôi; trên 516 tấn lúa, ngô giống, trên 41.400 cây giống các loại, cấp hơn 235.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm... cho hội viên nông dân, các HTX, Tổ hợp tác...

Tổ chức 276 lớp dạy nghề cho gần 24.000 lượt hội viên nông dân các huyện, thành phố, trong đó có trên 85% hội viên nông dân có việc làm việc làm với thu nhập từ 3 - 6 triệu đồng/tháng. Hội Nông dân tỉnh mở rộng quan hệ hợp tác các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thực hiện các dự án hỗ trợ nông dân về nâng cao năng lực, khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường... Giúp nông dân nâng cao năng lực quản lý, có kiến thức áp dụng vào thực tiễn sản xuất đạt hiệu quả cao.

Lan tỏa phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Hòa Bình - Ảnh 5.

Chăm nuôi gia cầm theo hướng trang trại, gia trại giúp nhiều hội viên nông dân Hòa Bình vươn lên làm giàu. Ảnh: Mùa Xuân.

Phát huy tốt nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân các cấp hỗ trợ hội viên nông dân vay từ nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân với số tiền hơn 39 tỷ đồng cho hơn 4.100 lượt hộ vay thực hiện gần 370 dự án, mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi. Nhờ huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã đáp ứng được nguyện vọng của bà con nông dân trên địa bàn, tháo gỡ một phần nhu cầu về vốn cho hội viên. Đặc biệt là khuyến khích bà con đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo ra những sản phẩm chất lượng và có sức cạnh tranh cao, tăng năng suất, tạo việc làm và tăng thu nhập cho các hộ.

Hướng dẫn xây dựng, thành lập mới được 124 HTX, 158 Tổ hợp tác, 34 Chi Hội nghề nghiệp, 228 Tổ hội nghề nghiệp. Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh có 178 HTX và 348 Tổ hợp tác; 41 Chi Hội nghề nghiệp, 239 Tổ hội nghề nghiệp đã góp phần thúc đẩy phát triển các hình thức kinh tế tập thể của tỉnh.

Lan tỏa phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở Hòa Bình - Ảnh 6.

Khai thác tiềm năng vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình, nhiều hội viên nông dân đã phát triển mô hình nuôi cá lồng để làm giàu. Ảnh: Mùa Xuân.

Bà Nguyễn Thị Hương Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình, cho biết: Để phong trào nông dân SXKDG phát triển sâu rộng, tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, Hội nông dân xã đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia; đồng thời triển khai nhiều giải pháp trợ vốn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, phổ biến, nhân rộng các mô hình đã qua thực nghiệm, có hiệu quả trên địa bàn. Qua đó, ngày càng khích lệ các hội viên nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Từ phong trào, đã thúc đẩy phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất chăn nuôi và trồng trọt trên địa bàn tỉnh. Nhiều hội viên nông dân đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất mới, như thanh long ruột đỏ, na, dưa lưới, nuôi nhím, lợn rừng, nuôi dê thương phẩm...

Tạo bước đột phá, chuyển biến lớn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tái cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm nghiệp của tỉnh, tạo động lực đưa chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh ngày càng khởi sắc.

Mùa Xuân