Làng cổ Thạch Khuyên vẫn đẹp hoang sơ trong cơn lốc check in, phượt
Đôi khi, điều kỳ diệu vẫn xuất hiện, ngay cả khi chúng ta không trông đợi nó. Đó là suy nghĩ của tôi khi đặt chân đến Thạch Khuyên.
![](https://i.ex-cdn.com/danviet.vn/files/content/2025/01/06/94354341-ebec-43ec-b88b-9a1ce2a890ab-1049.jpg)
Thạch Khuyên trong tiếng địa phương là vòng tròn bằng đá. Tên gọi đó đã phản ánh đúng thực tế. Gần 200 năm trước, dân làng ở đây đã cùng nhau vận chuyển những viên đá tự nhiên từ suối về, xếp thành bức tường cao hàng nhiều mét, dài xuyên vào tận sâu trong làng, không phải để cố gắng tạo ra một sự khác biệt và lưu giữ cho hậu thế ghé thăm, mà là để bảo vệ ngôi làng khỏi giặc ngoại xâm và nạn thổ phỉ cướp phá. Vì thế, ban đầu, những bức tường này rất cao, giống như những bức thành luỹ. Sau năm 1954, khi nạn cướp bóc không còn, dân làng lại lấy đá về làm hàng rào nhà mình nên chiều cao bức tường được hạ thấp dần xuống như ngày nay.
![](https://i.ex-cdn.com/danviet.vn/files/content/2025/01/06/5c3c2417-0931-461d-bd40-11a4b7239d12-1050.jpg)
Thạch Khuyên không chỉ dẫn dắt du khách tới vẻ đẹp của kiến trúc độc đáo với bức tường đá là tập hợp của hàng triệu viên đá đủ hình dáng xếp lớp lên nhau không hề có vật liệu gắn kết nào.
![](https://i.ex-cdn.com/danviet.vn/files/content/2025/01/06/23ef4f40-0597-44d3-959c-9f009fb26d83-1050.jpg)
Những nếp nhà lợp ngói âm dương, những bức tường trình bằng đất vàng óng trong nắng chiều, vừa mang một đẹp khỏe khoắn, vững chãi lại vừa như ma mị, liêu trai... mà ngôi làng cổ này còn kể lại cho hậu thế những câu chuyện lịch sử bi hùng của một một nhóm người thiểu số vật lộn để sinh tồn trong vùng biên cương của Tổ quốc.
![](https://i.ex-cdn.com/danviet.vn/files/content/2025/01/06/8020f9dd-4ffb-4258-896c-2489a0540487-1051.jpg)
Ấy vậy, nhưng hậu duệ của những người tạo nên tác phẩm tuyệt diệu này lại không thể tìm được kế sinh nhai ngay chính trên di sản cha ông để lại, phải bươn chải ra các khu công nghiệp ở thành phố kiếm sống, mang theo cả con cái. Ở lại trông làng, gìn giữ nếp xưa chỉ còn vài người lớn tuổi làm các việc vặt. Vì thế, bao trùm lên toàn bộ ngôi làng xinh xắn này là một bầu không khí tĩnh lặng, u buồn, tuyệt không thấy tiếng trẻ thơ.
![](https://i.ex-cdn.com/danviet.vn/files/content/2025/01/06/01bcdba0-44b8-4c30-aa3c-d01e3fa8656f-1051.jpg)
Mặc dù Thạch Khuyên đã được công nhận là di tích cấp tỉnh của UBND tỉnh Lạng Sơn từ năm 2002, tuy nhiên, những gì mà du khách đang chứng kiến là dấu hiệu xuống cấp rất rõ, mục nát và hoang tàn của nhà trình tường và bức tường đá.
![](https://i.ex-cdn.com/danviet.vn/files/content/2025/01/06/18f737d7-f73a-4167-8099-566960a796f6-1052.jpg)
Được biết, ngày 6/12/2024 UBND vừa qua tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu Đầu tư bào tồn làng văn hóa truyền thống – Làng đá Thạch Khuyên. Đây là một tin rất vui, nhưng nó cũng đồng thời mang tới một nỗi âu lo cho những người hiểu giá trị của Thạch Khuyên.
Số phận ngôi làng cổ này sẽ ra sao, làm thế nào để những người con trở về, và Thạch Khuyên còn kể mãi những câu chuyện bi hùng cho hậu thế…có lẽ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tài, tâm và đức của những người có trách nhiệm.