Huế: Làng làm loại mứt có vị cay cay, nồng nồng, thơm thơm đang ngày đêm "đỏ lửa" chạy đua ngày cận Tết

Hương Đồng Thứ tư, ngày 18/01/2023 19:07 PM (GMT+7)
Những ngày này, người dân làng Kim Long (TP. Huế) lại “đỏ lửa”, cho ra lò những mẻ mứt gừng thơm ngon, vàng đượm để phục vụ thị Tết Nguyên đán Quý Mão 2022.
Bình luận 0

Clip: Làng mứt gừng Kim Long (TP.Huế) tất bật ngày giáp Tết.

Nhọc nhằn theo vị thơm cay của mứt gừng

Dọc theo con đường bên những ngôi nhà vườn miền "gái đẹp" Kim Long, chúng tôi đến số nhà 67, đường Phạm Thị Liên, TP.Huế, đây được xem là cơ sở sản xuất mứt gừng truyền thống của gia đình ông Nguyễn Văn Dân. Vừa tới đầu ngõ, mùi hương ngào ngạt, nồng nàn có phần cay cay của mứt gừng xông vào cánh mũi, xua tan phần nào cái giá lạnh rét buốt của buổi chiều mưa dầm dề xứ Huế.

Làng mất gừng Kim Long, TP. Huế “chạy đua” ngày cận Tết - Ảnh 2.

Gia đình ông Nguyễn Văn Dân (ở đường Phạm Thị Liên, TP. Huế) gắn bó với nghề làm mứt gừng qua nhiều đời, và khẳng định thương hiệu mứt gừng trên thị trường. Ảnh: PV

Đôi tay thoăn thoắt rim gừng trên chảo lớn, ông Nguyễn Văn Dân (ở đường Phạm Thị Liên, TP. Huế), vừa kể: "Gia đình tôi làm nghề mứt gừng truyền thống này từ cuối tháng 11 (ÂL) hàng năm. Sản phẩm chúng tôi làm ra chủ yếu để phục vụ cho bà con, để có một thứ quà ngon thưởng thức trong ngày Tết cổ truyền".

Trong vòng khoảng một tháng, 5 -8 tấn gừng tươi đã được một số hộ gia đình trên đất Kim Long chế biến thành những mẻ mứt gừng thơm ngon, đậm đà hương vị cố đô. Vốn là nghề cổ truyền, trải qua bao thăng trầm vẫn tồn tại, mỗi khi Tết đến xuân về, rất nhiều thương lái đổ về nhập mứt gừng ở Kim Long. Các cơ sở sản xuất mứt gừng ở đây chủ yếu làm theo đơn hàng nên không sợ lượng mứt gừng làm ra bị dư thừa hay thua lỗ.

Làng mất gừng Kim Long, TP. Huế “chạy đua” ngày cận Tết - Ảnh 3.

Để có được mẻ gừng Kim Long đạt chất lượng, gừng phải được chọn lọc kỹ càng, rửa sạch, cạo vỏ, sau đó mới thái miếng. Ảnh: PV

Theo con trai của ông Nguyễn Văn Dần, nghề này rất vất vả, thu nhập lại thấp, cạnh tranh nhiều, trước đây chỉ có Kim Long làm, giờ ở đâu cũng làm nên các hộ gia đình ở đây thường chỉ làm theo thời vụ. Thu nhập không cao, nhưng chúng tôi làm mứt gừng để giữ lấy làng nghề từ đời ông cha để lại.

"Để có một mẻ gừng thơm ngon, khâu chọn lựa nguồn nguyên liệu rất quan trọng. Thứ gừng được trồng ở vùng đất sỏi bên ven thượng nguồn sông Hương, nơi thích hợp để củ gừng gốc Huế không quá to nhưng vẫn cay, chắc và rất thơm", ông Nguyễn Văn Dần, bật mí.

Làng mất gừng Kim Long, TP. Huế “chạy đua” ngày cận Tết - Ảnh 4.

Để có lát mứt gừng ngon, ngọn lửa ở nhiệt độ vừa phải, tay đảo đều thì mứt mới không bị "già", màu sắc đẹp. Ảnh: PV

Theo ông Dần, vùng đất ở cầu Tuần, thuộc xã Thủy Bằng và Hương Thọ (Hương Trà), lái buôn, người dân chuyên làm mứt kéo nhau đi săn lùng những củ gừng "đạt chuẩn". Ngoài vùng đất đồi pha sỏi ở ngã ba Tuần, nơi hai nhánh tả và hữu của con sông Hương gặp nhau, người làm mứt Kim Long còn đi tìm mua gừng ngon từ phía thị trấn Lao Bảo - nơi giáp ranh với Quảng Trị và Nam Lào.

Làng mất gừng Kim Long, TP. Huế “chạy đua” ngày cận Tết - Ảnh 5.

Theo người dân làm nghề mứt gừng Kim Long (TP.Huế) lâu năm, muốn lát mứt có màu sắc đẹp, ngon, không mất vị, thì phải sử dụng dấm hoặc chanh. Ảnh: PV

Củ gừng tươi chuyển về nhà, phải gọt thật kỹ để miếng gừng nhỏ, vừa ăn, đem rửa sạch. Công đoạn này phải nhờ đến sự nhanh nhẹn, khéo tay, nếu không dễ đứt tay hoặc miếng gừng cắt có độ dày không đều nhau. Việc thêm đường vào gừng phải đủ lượng đường nhất định, nhiều quá mứt rất ngọt, mất đi vị cay nồng đặc trưng, ít đường quá lại thiếu đi hương vị ngọt ngào pha lẫn cay cay của mứt.

Lan tỏa hương thơm mứt gừng Kim Long

Trải qua thời gian dài, mứt gừng Kim Long đã trở thành thương hiệu. Mứt gừng Kim Long đang được du khách trong nước và quốc tế biết đến là thứ "đặc sản" thơm ngon Tết đến xuân về.

Ông Nguyễn Văn Dân, tâm sự: "Truyền thống làm nghề mứt gừng của gia đình tôi đã được 30 năm. Đến mùa, cả 7 thành viên trong gia đình đều bắt tay làm để kịp cung ứng thị trường Tết.

Làng mất gừng Kim Long, TP. Huế “chạy đua” ngày cận Tết - Ảnh 6.

Đặc trưng mứt gừng Kim Long, các công đoạn chế biến đều được thực hiện bằng phương pháp thủ công. Ảnh: PV

Công việc đòi hỏi khẩn trương, gừng sau khi trộn đường sẽ được rim trên chảo lớn. Đây là công đoạn quan trọng, đòi hỏi người làm nghề phải túc trực một bên, đảo đều tay. Nấu trên bếp, lửa vừa đủ, không cháy lớn, nấu đủ thời gian, tạo nên vị ngọt của đường, vị cay của gừng mới thực sự hòa quyện.

Làng mất gừng Kim Long, TP. Huế “chạy đua” ngày cận Tết - Ảnh 7.

Mứt gừng Kim Long (TP. Huế) nổi tiếng xứ Huế với hương vị cay nồng khác biệt. Ảnh: PV

Người rim gừng đảo đi đảo lại cho đến khi lát gừng sánh lại, đường bắt đầu khô lại đảo nhanh tay. Khoảng 30 phút, mẻ mứt được đưa xuống, đổ vào trong cái mâm lớn, xếp từng lát gừng duỗi thẳng, đặt chồng lên nhau từng lớp. Khi mứt gừng khô, người làm nghề cho vào lọ thủy tinh hoặc bao bóng, bao giấy để bảo quản, đóng gói và đưa đi tiêu thụ khắp nơi.

Làng mất gừng Kim Long, TP. Huế “chạy đua” ngày cận Tết - Ảnh 8.

Mứt gừng Kim Long, có giá 50.000 - 65.000 đồng/kg, giúp nhiều hộ có thu nhập ổn định, đặc biệt gìn giữ nét văn hóa ngày Tết. Ảnh: PV

Trong tiết trời trở lạnh ngày Tết, nhâm nhi chén trà nóng cùng vài lát mứt gừng thơm thơm cay cay, trong bầu không khí đấm ấm của gia đình sum họp, vui tươi. Hương thơm mứt gừng xứ Huế mãi lan tỏa dịu dàng trong gió xuân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem