Làng nông nghiệp thông minh giúp quả mơ Chiềng Khừa ở Sơn La bán giá cao

Thanh Ngân-Phạm Hoài Chủ nhật, ngày 05/06/2022 18:50 PM (GMT+7)
Chị Nguyễn Thị Thu – Trưởng làng nông nghiệp thông minh Techfest Quốc gia, đồng sáng lập hệ sinh thái nông nghiệp bền vững Mevi mong muốn được đồng hành, hỗ trợ Sơn La xây dựng các mô hình mẫu.
Bình luận 0

Techfest tạo sân chơi kết nối nguồn lực Làng nông nghiệp thông minh

Trò chuyện với Dân Việt, chị Thu cho rằng, Techfest là một chương trình mang lại kết nối đa nguồn lực. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp, đặc biệt là các hợp tác xã khi triển khai dự án thì gặp nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất đó là thiếu thông tin, thiếu một đầu mối để tìm kiếm nguồn lực.

Điển hình như HTX trung tâm Tân Xuân 269 (xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) do chị Cao Thị Tâm làm giám đốc. Nhận thấy tiềm năng phát triển cây măng ở Tân Xuân, chị Tâm muốn giúp đỡ, đứng ta thu mua sản phẩm măng cho người dân, nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu.

"HTX trung tâm Tân Xuân 269 là một trong những HTX đầu tiên ở Sơn La mà tôi trực tiếp cố vấn, đồng hành cũng như xây dựng mô hình kinh doanh cùng với chị Cao Thị Tâm. Chúng tôi đã hỗ trợ, hướng dẫn chị Tâm điều hành hoạt động HTX, cũng như các kiến thức về kĩ thuật, kỹ năng bán các sản phẩm từ măng. HTX phát triển từ chỗ chỉ có 18 thành viên lúc ban đầu lên hơn 70 thành viên như hiện nay" – chị Thu chia sẻ.

Nhờ hỗ trợ của làng nông nghiệp thông minh mà mơ Chiềng Khừa bán với giá cao hơn 30% - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Thu – Trưởng làng nông nghiệp thông minh Techfest Quốc gia tại buổi tọa đàm "Thu hút nguồn đầu tư và hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" tỉnh Sơn La. (Ảnh: Phạm Hoài)

Theo chị Thu, mặc dù có nhiều nguồn lực hỗ trợ từ địa phương, từ các sở, ban, ngành, rồi từ các tổ chức hỗ trợ, từ các mạng lưới về chuyên gia cố vấn và mạng lưới doanh nghiệp, song các startup rất khó khăn để tiếp cận. Techfest đã tạo ra sân chơi kết nối nguồn lực từ những cơ quan, ban, ngành, địa phương cho tới mạng lưới chuyên gia cố vấn. Thậm chí, mỗi một làng trong Techfest là một hệ sinh thái thu nhỏ.

"Khi Techfest lan tỏa sẽ trở thành đầu mối để đưa những hệ sinh thái đến một địa phương và nó rất đa dạng các ngành nghề. Cho nên tôi nghĩ đấy là cái nút thắt mà cực kỳ tuyệt vời, để giúp cho các startup có thể tiếp cận được những thông tin và những chương trình hỗ trợ tại địa phương" – chị Thu cho hay.

Hỗ trợ hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh sáng tạo

Theo chị Thu, trong năm 2021, làng nông nghiệp thông minh đã phối hợp làng tạo tác động xã hội, tổ chức chương trình tìm kiếm các ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh tạo tác động cùng với chương trình Techfest. Trong suốt quá trình theo dõi và đồng hành đã có 1 số dự án và những ý tưởng ban đầu đã hình thành và bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường.

Nhờ hỗ trợ của làng nông nghiệp thông minh mà mơ Chiềng Khừa bán với giá cao hơn 30% - Ảnh 2.

Sự kiện Techfest Sơn La 2022 thu hút gần 10 làng công nghệ trong chương trình Techfest, tức là gần 10 hệ sinh thái, trong đó có: Làng nông nghiệp, làng dược liệu, làng du lịch ẩm thực, làng công nghệ, làng giáo dục...(Ảnh: Phạm Hoài)

Năm 2021, HTX Chiềng Khừa xanh (xã Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu, Sơn La), tham gia chương trình Techfest, với ý tưởng phát triển chuỗi giá trị cây mơ và đạt giải nhì trong cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh sáng tạo. Để giúp HTX hiện thực hóa ý tưởng, làng nông nghiệp thông minh đã hỗ trợ 3 nội dung.

Thứ nhất là tập huấn cho HTX kĩ năng sử dụng phương pháp chọn lọc lợi khuẩn bản địa, để ứng dụng vào canh tác cây mơ cũng như phòng trừ sâu bệnh hại cây mơ. Hiện tại, các xã viên trong hợp tác xã đã biết cách làm vi sinh bản địa, để phòng trừ sâu bệnh hại cũng như làm phân bón từ các nguồn phụ phẩm ở địa phương. 

Thứ hai, làng nông nghiệp và hệ sinh thái nông nghiệp bền vững Mevi đã hướng dẫn, hỗ trợ chuyển giao công nghệ lên men cho HTX Chiềng Khừa, để làm ra các sản phẩm từ quả mơ. Đợt này chúng tôi đang hỗ trợ làm 3 sản phẩm: Mơ, rượu mơ và mơ muối tía tô. Cái thứ 3 mà làng nông nghiệp hỗ trợ, đó là hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm mơ cho HTX Chiềng Khừa, với giá cao gấp 30% so với giá thị trường. Tổng sản lượng tiêu thụ là 5 tấn.

Nhờ hỗ trợ của làng nông nghiệp thông minh mà mơ Chiềng Khừa bán với giá cao hơn 30% - Ảnh 3.

Nhờ hỗ trợ của làng nông nghiệp thông minh mà mơ Chiềng Khừa (huyện Mộc Châu, Sơn La) bán với giá cao, giúp cho bà con tăng thu nhập. (Ảnh: Phạm Hoài)

Nhờ có sự hỗ trợ của làng nông nghiệp và hệ sinh thái nông nghiệp bền vững Mevi, HTX Chiềng Khừa xanh đã làm ra sản phẩm cũng như đầu tư ban đầu về chum, vại. HTX đã đưa vào chế biến thử nghiệm 3 tấn mơ. Hiệu quả đem lại là rất rõ rệt. Trong khâu sản xuất, HTX đã giảm thiểu việc mua phân bón, thuốc BVTV từ bên ngoài. Với tình trạng giá vật tư phân bón đang rất cao như hiện nay, mà người dân không tự chủ được thì đây là thách thức rất là lớn.

"Chúng tôi đã đưa ra giải pháp giúp người dân giảm chi phí và không phụ thuộc quá nhiều vào thuốc bảo vệ thực vật, hướng tới các sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Thứ 2 là trong khâu chế biến, thì với những giải pháp về chuyển giao công nghệ và nghiên cứu để đưa thử nghiệm, chế biến. 

Đây là bước đặt nền mỏng cho việc giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất. HTX đã có phương án chế biến để kéo dài thời gian tối đa thì sẽ tránh được tình trạng được mùa, mất giá và giá cả vật tư leo tháng. Thứ 3 nữa là trong khâu phân phối, chúng tôi cũng đã giúp cho bà con tăng thu nhập, từ việc bán sản phẩm mơ với giá cao hơn 30% so với thị trường" – chị Thu thông tin.

Mong muốn đồng hành, hỗ trợ Sơn La xây dựng các mô hình mẫu

Bày tỏ hy vọng Techfest Sơn La là mô hình mẫu để có thể chuyển giao đến nhiều địa phương khác, chị Thu nhấn mạnh: Sự kiện xây dựng và kiến tạo hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Sơn La, là hoạt động tiên phong. Sự kiện này thu hút gần 10  làng công nghệ trong chương trình Techfest, tức là gần 10 hệ sinh thái, trong đó có: Làng nông nghiệp, làng dược liệu, làng du lịch ẩm thực; thậm chí là làng công nghệ, làng giáo dục. Đấy chính là những hệ sinh thái thu nhỏ, mà Techfest đã mang lại nguồn lực cho Sơn La.

Và ngoài ra, trong sự kiện lần này với vai trò trách nhiệm của các trưởng làng, chúng tôi đã mời các doanh nghiệp và chuyên gia có uy tín, kiến thức, nguồn lực nhất định đến tham gia. Qua đó kết nối để hỗ trợ cùng với tỉnh Sơn La xây dựng các mô hình mẫu và từ những mô hình mẫu đấy sẽ là những mô hình mình truyền cảm hứng động lực, điểm đến tham quan học tập cho các doanh nghiệp, hợp tác xã khác.

Nhờ hỗ trợ của làng nông nghiệp thông minh mà mơ Chiềng Khừa bán với giá cao hơn 30% - Ảnh 4.

Nhiều mô hình hởi nghiệp của các bạn trẻ được đem đến giới thiệu tại Techfest Sơn La năm 2022 . (Ảnh: Phạm Hoài)

"Năm nay là một năm đặc biệt. Các địa phương đã bắt đầu triển khai và mình bắt đầu đi sâu vào tìm kiếm nhân tố từ cộng đồng. Tức là đi từ địa phương, chứ không phải rằng đi từ các cuộc thi từ cấp trung ương và quốc gia nữa. Đây là một cái mà tôi đánh giá cao về mặt tính thực tế, chúng ta xuất phát từ những nhu cầu, khó khăn, trăn trở, ý tưởng của cộng đồng và sau đó chúng ta tìm kiếm các nguồn lực để hỗ trợ những cái ý tưởng đó" – chị Thu bảo vậy.

Cũng theo chị Thu, hiện làng nông nghiệp đang hỗ trợ 2 mô hình, đó là mô hình mơ của HTX Chiềng Khừa xanh và mô hình cam canh của HTX Pa Cốp. Những HTX được tiếp cận, được Mevi cũng như làng nông nghiệp hỗ trợ một phần trong chuỗi giá trị (sản xuất, chế biến, tiêu thụ) đó là: HTX Nà Ngà (Yên Châu) HTX An Phú, ở bản Sò Lườn, HTX Suối Bàng, HTX Tân Xuân 269. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem