Làng rượu Vân bị tiếng oan giữa cơn bão "methanol"

Trần Dũng Thứ năm, ngày 23/03/2017 19:00 PM (GMT+7)
Những ngày qua, dư luận cả nước dậy sóng việc nhiều người tử vong vì ngộ độc methanol từ rượu pha cồn. Các hành vi pha chế rượu giả, rượu cồn của gian thương bị lên án mạnh mẽ. Tuy nhiên, khi thông tin bị xuyên tạc sự thật nhiều hộ sản xuất rượu truyền thống ở xã Tam Đa (Yên Phong, Bắc Ninh) và làng Vân (Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) khốn khổ bởi tiếng oan …
Bình luận 0

Chật vật vì tiếng oan

Bà Nguyễn Thị Hương (76 tuổi) gia đình 3 đời nấu rượu truyền thống ở thôn Đại Lâm (xã Tam Đa) bức xúc nói: “Nhà tôi chuyên nấu rượu trắng, rượu nếp cái hoa vàng. Tôi thường gọi rượu trắng là rượu nước. Hôm rồi, các con đi vắng, mình tôi ở nhà, có hai nhà báo vào bảo thăm quan nấu rượu. Cô nhà báo vặn vẹo bảo có 20 lít pha thành 200 lít. Lên truyền hình phát nhà tôi nấu rượu không có bếp, đổ cho chúng tôi làm rượu cồn, oan ức chúng tôi”.

img

Anh Nguyễn Văn Hải (con trai cụ Hương) bức xúc kể chuyện gia đình bị vu oan làm rượu cồn (Ảnh: Trần Dũng).

“Nói nhà tôi pha rượu cồn là nói bậy, bao nhiêu năm nay gia đình giữ gìn phương pháp nấu rượu truyền thống. Dùng men Bắc làm từ bột và thuốc bắc để ủ nấu rượu. Nhiều công đoạn ngâm ủ hơn chục ngày mới nấu được mẻ rượu. Họ xuyên tạc sự thật, từ hôm đến nay nhiều khách cứ hỏi trước nay toàn bán rượu cồn à, họ không mua nữa, gia đình khổ tâm, bức xúc lắm”, anh Nguyễn Văn Hải – con trai bà Hương nói.

img

Men Bắc (làm từ bột gạo và thuốc Bắc được sử dụng để ủ  lên men) sản xuất rượu truyền thống Đại Lâm (Ảnh: Trần Dũng).

Chị Nguyễn Thị Đồng (vợ anh Hải) tỏ lời: “Nhà tôi bao nhiêu năm nay chỉ có làm rượu gạo tẻ, gạo nếp cái thôi. Làm rượu gạo như này dám đưa lên thông tin bảo là rượu độc cồn với nước lã. Chúng tôi rất bức xúc, bây giờ bán chẳng ai mua, người ta độc nghi ngờ là rượu cồn. Bếp nấu rượu nhà tôi kia lại bảo không có bếp, sau khi đài phát, tỉnh về kiểm tra, xét nghiệm rượu đều đảm bảo chất lượng. Thông tin bịa đặt thế thì ngang bằng hại dân”.

Bà Nguyễn Thị Đức (thôn Đại Lâm, xã Tam Đa) bộc bạch, gia đình bà nấu rượu cổ truyền từ những năm thế kỷ 60, trước những thông tin sai sự thật những người nấu rượu truyền thống ở Đại Lâm rất khổ sở.

img

Bà Nguyễn Thị Đức rắc men Bắc vào cơm nếp - một trong những công đoạn nấu rượu truyền thống (Ảnh: Trần Dũng).

“Rượu Đại Lâm giờ làm gì có rượu cồn, làng chỉ còn những hộ nấu rượu truyền thống làm ăn đàng hoàng. Các chú uống xem rượu có làm sao không, tỉnh họ kiểm tra rượu an toàn. Nhà tôi làm có phải đi bán đâu, toàn khách quen các tỉnh mua uống thùm thụp. Bây giờ bảo rượu cồn, buôn bán bị ảnh hưởng, nghĩ mà buồn”, ông Trần Văn Thực (thôn Đại Lâm) nói.

Vợ lão nông Hoàng Văn Nam (người nổi tiếng với câu chuyện nông dân dạy hàng trăm học sinh thi đỗ đại học) cho biết, ở Đại Lâm giờ vắng bóng rượu pha cồn. “Giờ không còn pha cồn nữa đâu. Chỉ còn ít người làm rượu gạo. Một xóm này ngày xưa 100% làm nghề rượu, trước đây, có vài anh đại lý cũng pha cồn, mấy năm nay báo đài nói nhiều, tỉnh vào cuộc dẹp lâu rồi”, bà nói.

img

Đoàn công tác 389 tỉnh Bắc Ninh xét nghiệm các mẫu rượu ở thôn Đại Lâm cho kết quả âm tính với Methanol (Ảnh: Trần Dũng).

Một tiểu thương từng buôn sắn phục vụ nghề nấu rượu ở Đại Lâm bộc bạch: “Cách độ 10 năm người ta nấu rượu rầm rộ. Giờ chủ yếu người ta đi làm công nhân, cồn cũng không pha nữa, không làm nghề ấy lâu rồi”, người này nói.

Cũng bị ảnh hưởng bởi tiếng oan “rượu cồn”, anh Đỗ Danh Thơm, Phó Chủ tịch sản xuất và tiêu thụ rượu làng Vân (xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) cho biết: Không phải chỉ bây giờ, trước đây làng cũng bị ảnh hưởng bởi những thông tin không đúng. Thị trường len lỏi những sản phẩm kém chất lượng, rượu làng Vân cũng bị tiếng oan theo, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của bà con nấu rượu chân chính.

img

Phó Chủ tịch Hội sản xuất và tiêu thụ rượu làng Vân (xã Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) Đỗ Danh Thơm trao đổi với Pv Dân Việt. (Ảnh: Trần Tuấn).

Cả làng có 400 hộ nấu rượu truyền thống. Nhằm lấy lại thương hiệu cho rượu cổ truyền làng Vân, tháng 6.2015, Hội Sản xuất và tiêu thụ rượu làng Vân đã được tỉnh thành lập. Ban đầu có 70 hội viên, sản phẩm đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, công bố tiêu chuẩn, mẫu mã”.Ông Thơm cho biết, đi đầu trong phong trào sản xuất kinh doanh, Hội thường xuyên tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho các hộ nấu rượu trên toàn địa bàn thôn. Hoạt động kiểm tra, giám sát chất lượng rượu và ý thức sản xuất sạch đem lại hiệu quả cao.

img

Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang hỗ trợ xã Vân Hà 8 máy lọc rượu, đảm bảo chất lượng sản phẩm (Ảnh: Trần Dũng).

“Địa phương được Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh hỗ trợ 8 máy lọc rượu, tối ưu hoạt động làm sạch rượu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các máy đưa vào vận hành ổn định, kiểm soát chất lượng rượu đảm bảo quy chuẩn an toàn. Nhưng, quá trình đưa sản phẩm ra thị trường vẫn gặp nhiều khó khăn. Người tiêu dùng e dè, nghi nhờ nhất là khi nghề nấu rượu truyền thống bị thông tin sai trái”, ông Thơm nói.

Sẽ đề nghị đính chính, kỷ luật phóng viên xuyên tạc sự thật

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Văn Tôn – Chủ tịch UBND xã Tam Đa khẳng định: “Mới đây, có cơ quan báo, đài thông tin nói người Đại Lâm nấu rượu không cần bếp, rượu cồn là không đúng. Trước đây, Đại Lâm có hơn 1.000 hộ nấu rượu, hiện nay, chỉ còn khoảng 200 hộ. Rượu được nấu theo phương pháp cổ truyền, dùng men Bắc để lên men. Ngày trước, rượu cồn ở Đại Lâm có nhưng là nhiều năm về trước, lúc đó nấu rượu sắn nhiều, dịch vụ bán hàng chạy. Vài chủ hộ họ cho cồn hoa quả, cồn thơm vào. Chuyện gần chục năm rồi”, ông nói.

Ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Chủ tịch xã Tam Đa thông tin, sau khi có thông tin Đại Lâm làm rượu cồn, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bắc Ninh đã thành lập Đoàn công tác liên ngành gồm: Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Chi cục Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Cảnh sát môi trường. Kết quả xét nghiệm nhanh các mẫu rượu ở Đại Lâm đều âm tính với Methanol. 

img

Phó Chủ tịch UBND xã Tam Đa (Yên Phong, Bắc Ninh) bác bỏ thông tin sai sự thật về rượu truyền thống ở thôn Đại Lâm, xã Tam Đa. (Ảnh: Trần Tuấn).

Ông Hùng cho hay, những năm 80 thế kỷ trước lương thực khó khăn, người Đại Lâm nấu rượu sắn nhiều. Đầu thế kỷ 21 làng nghề mất dần, do thu nhập từ nghề nấu rượu thấp, các nhà máy công nghiệp nhiều thế hệ trẻ hầu hết đi làm công nhân. Cách đây 7, 8 năm về trước, người ta mua bán rượu rầm rập ngày đêm, lúc nào cũng rất nhiều thùng phuy trên đường. Giờ chỉ còn những hộ nấu rượu gạo mỗi ngày vài chục lít chủ yếu phục vụ dân sinh trong vùng.

img

Đường đê thôn Đại Lâm vắng bóng những thùng phuy rượu "cồn thơm, cồn hoa quả" (Ảnh: Trần Tuấn).

“Cơ quan báo chí điều tra lên án các hành vi làm rượu giả, rượu cồn là tốt. Nhưng hãy khách quan, thông tin phải có bằng chứng cụ thể. Đưa sai sự thật như thế này ảnh hưởng cả uy tín, con người của địa phương chúng tôi. Bài báo, phóng sự truyền hình vừa rồi hoàn toàn không thực tế, sai sự thật. Rõ ràng gia đình người dân có bếp nấu rượu, nấu truyền thống hẳn hoi lại đăng tải làm rượu cồn. Nếu nhà báo phát hiện hộ nào làm giả, có bằng chứng chúng tôi hết sức ủng hộ. Tới đây, địa phương sẽ làm công văn đề nghị đính chính thông tin sai sự thật, kỷ luật phóng viên bóp méo sự thật”, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Đa nhấn mạnh…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem