Lạng Sơn: Nắng nóng suốt 2 tháng làm ruộng lúa nứt toác, ao hồ cạn khô trơ cả đá

Mộc Trà Thứ sáu, ngày 24/07/2020 13:45 PM (GMT+7)
Nắng hạn kỷ lục kéo dài suốt 2 tháng qua khiến nhiều diện tích đất trồng lúa tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn không thể gieo cấy, đất đai nứt toác.
Bình luận 0

Ao, hồ "khát" nước

Hiện nay, người dân các địa phương trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang phải vật lộn với nắng hạn kỷ lục. Nhiều hecta lúa đã gieo cấy "khát" nước, mạ như chết cháy, đồng ruộng nứt toác. 

Trong khi đó, nhiều hồ, đập cạn trơ đáy, nước đã gần với mực nước chết. Hệ thống sông, suối, khe nước tự nhiên... cũng dần cạn kiệt vì hạn hán kéo dài. 

Lạng Sơn: Nắng nóng kéo dài, ruộng lúa nứt toác, ao chứa dần cạn khô - Ảnh 1.

Các ao, hồ chứa nước tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cạn trơ đáy.

Theo số liệu từ Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện có 1.391 công trình thủy lợi kiên cố, trong đó có 271 hồ chứa, 148 trạm bơm điện, 972 đập dâng và 3.016km kênh mương. Ngoài ra, người dân còn tự đầu tư xây dựng 2.334 công trình tạm và guồng cọn, phục vụ tưới tiêu cho trên 15.000ha lúa xuân, trên 27.000ha lúa mùa và nhiều diện tích rau màu, cây công nghiệp và cây ăn quả.

Hiện nay, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến mực nước ở các sông, suối đều ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm và thấp hơn vụ Đông - Xuân năm 2018 - 2019. Mực nước tại các hồ chứa nước thủy lợi đa số đều thấp hơn mực nước cùng kỳ năm 2019.

Đến thời điểm hiện tại, dung tích các hồ chứa nước chỉ còn lại khoảng 41,4% so với với dung tích thiết kế. Mực nước ở nhiều hồ đã ở mực nước chết như: Bản Nằm, Bãi Hào, Phai Cháu...

Lạng Sơn: Nắng nóng kéo dài, ruộng lúa nứt toác, ao chứa dần cạn khô - Ảnh 2.

Bà con phải bơm nước từ các ao, hồ chứa lên ruộng để kịp gieo cấy cho mùa vụ.

Ruộng nứt toác, cây chết cháy

Bà Hứa Thị Sao (xã Điềm He, huyện Văn Quan) cho biết, làng của bà có một chiếc ao đã nhiều năm không cạn, nhưng năm nay cũng cạn trơ đáy.

"Nắng nóng kéo dài, nước mương thì mãi không về đến, lại không có đợt mưa lớn nào nên bà con trồng lúa phải bơm nước từ ao để cấy lúa. Gia đình tôi có 2 thửa gần ao nhất cũng "bon chen" mãi mới có nước để cày cấy. Nhưng giờ cấy xong mà không có nước tưới thì cũng nứt toác, khác nào đánh cược. Những thửa ở xa giờ chỉ còn cách đợi ngày nước mương chảy về đến hoặc đợi "mưa vàng", may ra mới cấy được", bà Sao nói.

Lạng Sơn: Nắng nóng kéo dài, ruộng lúa nứt toác, ao chứa dần cạn khô - Ảnh 3.

Nhiều diện tích đất trồng lúa sau khi thu hoạch cũng không thể gieo cấy cho vụ tiếp theo do thiếu nước, hạn hán.

Bà Vy Thị Nhung (xã Điềm He, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) cũng cho biết: "Nhà tôi có 4 - 5 sào ruộng, nhờ bơm nước ở ao lên nên giờ đã cấy xong. Tuy nhiên trời không mưa, nước mương thì không về đến, mạ vừa cấy chưa kịp bén rễ sống thì ruộng đã lại cạn khô. Cấy xuống mà ruộng khô khốc thế này thì khác gì đâu, lại còn tốn thêm tiền điện để dùng máy bơm nước".

Không chỉ riêng Văn Quan, hầu như các huyện như Văn Lãng, Bình Gia, Bắc Sơn... đều có diện tích đất trồng lúa đang trong tình trạng thiếu nước, khô hạn, nhiều diện tích hiện đang phải bỏ không. Nhiều cây trồng khác như mía, đậu đỗ, cây ăn quả cũng đang héo hon do không có nước tưới ẩm.

Thời tiết khô hạn, nguồn nước cạn kiệt đang ảnh hưởng đến khoảng 715ha diện tích lúa mùa năm 2020. Cụ thể: TP.Lạng Sơn khoảng 30,3ha, huyện Tràng Định khoảng 195,5ha, huyện Văn Lãng khoảng 104,2ha, Văn Quan khoảng 12,1ha, Chi Lăng khoảng 54ha lúa và cây ăn quả, Lộc Bình khoảng 24ha lúa và rau màu,... 

Tình trạng khô hạn đang mở rộng và có thể ảnh hưởng trên 1.500ha diện tích tưới trong thời gian tới.

Lạng Sơn: Nắng nóng kéo dài, ruộng lúa nứt toác, ao chứa dần cạn khô - Ảnh 4.

Dù lúa đã cấy xong, nhưng nhiều ruộng đã nứt toác do không có nước tưới.

Trao đổi với Dân Việt, ông Chu Văn Hải - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT Lạng Sơn) cho biết, để chủ động chống hạn, thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với người dân và chính quyền kiểm tra, rà soát, xây dựng các giải pháp chống hạn như: Phát dọn, nạo vét kênh mương, bể hút, cửa lấy nước...

Chuẩn bị vật tư, nhiên liệu sẵn sàng lắp trạm bơm dã chiến để bơm nước từ mực nước chết tại hồ, đập và từ các nguồn sông, suối, khe khi khô hạn kéo dài xảy ra... Đồng thời, điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm, kiểm tra thường xuyên các trạm bơm, kịp thời khắc phục, sửa chữa các hư hỏng gây thất thoát nước tại các công trình, chống lãng phí nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem