Lạng Sơn: Thứ cây to như cột đình, ra quả đen sì, bán đắt tiền mà dân vẫn săn lùng tìm mua

Mộc Trà Thứ năm, ngày 10/09/2020 06:17 AM (GMT+7)
Vào khoảng tháng 7 đến tháng 9 âm lịch hằng năm, người dân xứ Lạng lại bắt đầu một vụ thu hoạch trám đen. Thứ quả màu tím thẫm, có hương vị bùi, ngậy, đậm đà này chính là một thứ đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân xứ Lạng nơi đây.
Bình luận 0

Từ trồng trên rừng

Cây trám đen bắt đầu được trồng ở tỉnh Lạng Sơn cách đây 70 – 80 năm về trước và được trồng nhiều ở các xã miền núi huyện Văn Quan, Cao Lộc, Bình Gia, Hữu Lũng...

Trồng thứ quả màu đen, ăn xong mang hạt bán tiếp nông dân ở đây khấm khá  - Ảnh 1.

Trám đen đặc sản xứ Lạng đang vào mùa thu hoạch.

Trám đen là loại cây dễ trồng, thích hợp với vùng đồi núi, nên loại cây này phát triển khá tốt tại Lạng Sơn. Mỗi năm, trám đen cho thu hoạch một mùa, kéo dài từ tháng 7 - 9 âm lịch. Những cây trám đen lâu năm ở Lạng Sơn có chiều cao trên 20m, đường kính lên tới 90cm, thân cây to, tán xòe rộng, gây khó khăn trong việc thu hái. 

Ở Lạng Sơn có 2 loại trám được trồng là trám đen và trám trắng. Trám trắng thường dùng làm mứt, ô mai. Trong khi đó, trám đen lại được dùng làm gia vị cho các món kho, sốt với cá... Đặc biệt, trám đen được đồng bào Tày, Nùng chế biến thành món xôi trám, còn gọi là “khẩu nua mác bây” rất thơm ngon.

Trồng thứ quả màu đen, ăn xong mang hạt bán tiếp nông dân ở đây khấm khá  - Ảnh 2.

Cây trám thường cao và thân nhẵn nên việc trèo hái rất vất vả và nguy hiểm.

Thời điểm này, người dân các huyện miền núi Lạng Sơn đang vào mùa thu hoạch trám đen. Theo người dân, năm nay, năng suất trám đen giảm so với mọi năm, nhưng bù lại, giá bán được giá cao hơn, khoảng 70.000 - 90.000 đồng/kg.

Sau khi tách lấy thịt trám đen, hạt trám lại được thu mua lại và bán với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg. Mỗi vụ, nhiều hộ nông dân xứ Lạng có thể thu nhập tới cả chục triệu đồng từ mỗi cây trám đen.

Trồng thứ quả màu đen, ăn xong mang hạt bán tiếp nông dân ở đây khấm khá  - Ảnh 3.

Trám đen hiện đang được thương lái thu mua với giá dao động từ 60.000 - 90.000/kg tùy loại.

Trước đây, cây trám đen thường chỉ được trồng để lấy gỗ hoặc lấy quả làm thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày nên người dân ít để ý chăm bón, chỉ để cây phát triển tự nhiên. Nhưng hiện nay, quả trám đen lại trở thành một thứ đặc sản hấp dẫn, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon.

Bởi vậy, cây trám cũng được nhân rộng diện tích, sản xuất hàng hóa để xuất bán ở nhiều nơi, đem lại thu nhập đáng kể cho người dân các xã miền núi của xứ Lạng. 

Trồng thứ quả màu đen, ăn xong mang hạt bán tiếp nông dân ở đây khấm khá  - Ảnh 4.

Ngoài làm xôi, kho thịt... trám đen còn được ngâm tỏi ớt rất hấp dẫn.

Ông Hoàng Văn Trung (thôn Bản Chạp, xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan) cho biết, nhà ông có hơn 20 cây trám cổ thụ đã trên 80 năm tuổi. Vài năm trở lại đây, trám được thương lái lùng mua với giá dao động từ 60.000 - 90.000/kg nên người dân bắt đầu chăm sóc, phát quang vườn trám cổ thụ. Những cây trám cổ thụ cao, gốc cây nhẵn rất khó khăn trong trèo hái, nhiều gia đình phải thuê người thu hái trám vì không thể tự thu hoạch được.

Trồng thứ quả màu đen, ăn xong mang hạt bán tiếp nông dân ở đây khấm khá  - Ảnh 5.

Ông Độ bên cây trám "hái ra tiền" của gia đình

Ông Hứa Văn Độ (xóm Phai Kéo, bản Phai Lừa, xã Đồng Giáp, huyện Văn Quan) cho biết, gia đình ông có hơn 20 gốc trám cổ thụ được ông bà xưa để lại, hằng năm vẫn cho thu hoạch. Đặc biệt gia đình ông nổi tiếng vì có 1 cây trám được thương lái Trung Quốc đặt mua 10 năm với giá cao gấp 4 - 5 lần các cây trám khác.

Đến xây dựng thương hiệu

Trước đây, trám đen Lạng Sơn chủ yếu được tiêu thụ tại các chợ trên địa bàn tỉnh. Nhờ có giá trị dinh dưỡng cao cũng như có nhiều tác dụng trong việc trị bệnh, sản phẩm trám đen Lạng Sơn đang ngày càng được nhiều người tiêu dùng tìm mua, săn lùng. Hiện thị trường tiêu thụ trám đen Lạng Sơn được mở rộng ra địa bàn các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Hà Nội, TP.HCM...

Trồng thứ quả màu đen, ăn xong mang hạt bán tiếp nông dân ở đây khấm khá  - Ảnh 6.

Nhận thấy giá trị kinh tế, hiện nay nhiều hộ gia đình đã trồng trám ghép, chỉ 5 - 7 năm đã bắt đầu cho thu hoạch.

Bà Nguyễn Thị Lượng, thương lái thu mua trám tại chợ Tu Đồn (thị trấn Văn Quan) cho biết, ngay từ đầu vụ trám, nhiều người từ các tỉnh như Bắc Ninh, Hà Nội... đã gọi điện nhờ bà tìm mua, nhưng trám không có nhiều.

"Trước đây có câu thơ là "trám bùi để rụng, măng mai để già", nay trám đen không để rụng nữa mà được "tận thu", mỗi cây trám là một "cây tiền”. Quả trám sau khi tách lấy thịt, hạt trám lại được thu mua lại với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg hạt. Vừa được ăn lại vừa được tiền bán hạt", bà Lượng chia sẻ.

Trồng thứ quả màu đen, ăn xong mang hạt bán tiếp nông dân ở đây khấm khá  - Ảnh 7.

Tại các chợ huyện, trám đen luôn được thương lái săn lùng tìm mua với giá cao.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây trám, người dân trong vùng đã bắt đầu tìm mua và trồng những cây trám ghép để đẩy nhanh thời gian cho thu hoạch loại quả được thương lái thi nhau săn lùng này. Ngoài ra, vài năm gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã chú trọng nhân giống để phát huy giá trị cây trám đen, hướng tới xây dựng thương hiệu trám đen.

Tại huyện Hữu Lũng, nhận thấy việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật đồng bộ tạo ra giống cây chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng, để mở rộng diện tích, nâng cao giá trị kinh tế của cây trám đen là cần thiết, huyện đã triển khai thực hiện Đề tài “Tuyển chọn và nhân giống trám đen” với tổng kinh phí đầu tư trên 1,4 tỷ đồng.

Còn tại huyện Văn Quan, Trung tâm Ứng dụng, Phát triển khoa học công nghệ và Đo lường chất lượng sản phẩm đã thực hiện Dự án “Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm trám đen của huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn”.

Trồng thứ quả màu đen, ăn xong mang hạt bán tiếp nông dân ở đây khấm khá  - Ảnh 8.

Hạt trám cũng được thương lái thu mua lại với giá từ 40.000 - 50.000/kg.

Ông Lăng Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Đồng Giáp cho biết, hiện trên địa bàn xã Đồng Giáp (huyện Văn Quan) có khoảng 37ha diện tích trồng trám đen. Nếu trước đây, cây được người dân trồng với mục đích lấy gỗ, lấy quả, không chú ý chăm sóc thì giờ đây, nhiều hộ dân đã chú trọng và phát triển loại cây này. Nhiều gia đình hiện này có thu nhập vài chục triệu mỗi vụ trám.

Dự kiến trong năm 2020, sản phẩm trám đen trên địa bàn xã sẽ được công nhận nhãn hiệu trám đen huyện Văn Quan, góp phần nâng cao giá trị kinh tế sản phẩm trám đen của bà con nơi đây.

Quả trám chứa protid, chất béo, hydrat cacbon, beta- caroten, acid oleannolic, một số khoáng chất: Ca, K, P, Fe, Mg, Mn, Zn, Cu... và vitamin C. Hạt quả trám chứa các acid béo.

Theo y học cổ truyền, quả trám có vị chua, ngọt, chát, tính ấm, vào kinh phế, có tác dụng thanh nhiệt, sinh tân chỉ khát, giải độc, lợi hầu họng, không độc nên được dùng trị các bệnh về hầu họng sưng đau, ho nhiều đờm, viêm ruột, lỵ, tiêu chảy, khát nước. Quả trám xanh có tác dụng giải độc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem