Lạng Sơn: Triển khai các giải pháp thúc đẩy tạo việc làm bền vững

Thùy Anh Thứ năm, ngày 27/04/2023 11:16 AM (GMT+7)
Lạng Sơn là một trong những tỉnh miền núi có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, nhưng tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Vì thế, tỉnh xác định cần tập trung hỗ trợ tạo việc làm bền vững, từ đó giảm nghèo hiệu quả hơn.
Bình luận 0

Hơn 21% lao động thuộc hộ nghèo chưa có việc làm bền vững  

Nhờ có sự quan tâm và đầu tư, nhiều năm qua, công tác giảm nghèo của tỉnh Lạng Sơn đã đạt được nhiều kết quả đáng biểu dương.

Giai đoạn 2016 - 2021, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giảm từ 25,95% năm 2016 xuống còn 5,76% năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo  giảm từ 42,35% năm 2016 xuống 10,27% năm 2021, vượt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm. Tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên đều giảm bình quân 4%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra.

Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, năm 2021, toàn tỉnh có 23.511 hộ nghèo, chiếm 12,2%, số hộ cận nghèo là 23.247 hộ, chiếm 12,06%. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2022 giảm 3,28% so với năm 2021 (từ 12,20% xuống còn 8,92%, tương đương giảm 6.013 hộ), đạt 109% kế hoạch.

hỗ trợ việc làm bền vững tỉnh Lạng Sơn

Trung tâm Dịch vụ việc làm Lạng Sơn tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nghèo trên địa bàn tỉnh. Ảnh: TTDVVL

Để có được kết quả trên, tỉnh xác định công tác hỗ trợ việc làm bền vững là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân từ đó giảm nghèo hiệu quả.

Theo số liệu thống kê của Sở LĐTBXH tỉnh Sơn La, toàn tỉnh có 8.232 hộ/37.817 hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một người không có việc làm hoặc có việc làm công ăn lương nhưng không có hợp đồng lao động, chiếm tỷ lệ 21,77%.

Bên cạnh đó, hộ gia đình có tỷ lệ người phụ thuộc trong tổng số nhân khẩu lớn hơn 50%: toàn tỉnh có 7.819 hộ/37.817 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 20,68%.

Mặc dù đạt được những kết quả nêu trên song tỷ lệ giảm nghèo của Lạng Sơn chưa đồng đều giữa các xã, thị trấn. Việc sử dụng các nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ phát triển sản xuất, tín dụng, giải quyết việc làm, nhân rộng mô hình giảm nghèo… còn dàn trải, thiếu tập trung, chưa phát huy hết hiệu quả. Bởi vậy, tỉnh đề ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ việc làm bền vững, xem đây là giải pháp trọng tâm để giảm nghèo.

Hỗ trợ giải quyết việc làm bền vững cho lao động nghèo, lao động phi chính thức

Để thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững nói chung và tiểu dự án 3.4 về Hỗ trợ việc làm bền vững nói riêng, tháng 9/2022 tỉnh đã ban hành kế hoạch 195 Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Đồng thời Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng có Công văn số 4281/VP-KGVX chỉ đạo triển khai thực hiện tiểu dự án "Hỗ trợ việc làm bền vững".

Nguồn lực để triển khai Tiểu dự án 3, Dự án 4 về Hỗ trợ việc làm bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng sơn là gần 11 tỷ đồng (10.813,97 triệu đồng), trong đó vốn ngân sách trung ương là 10.499 triệu đồng; vốn ngân sách địa phương là 314,97 triệu đồng.

Theo kế hoạch 195, để thực hiện Tiểu dự án 3: Hỗ trợ việc làm bền vững tỉnh đặt mục tiêu hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đầu tư 1 hệ thống mạng, đường truyền, hệ thống máy chủ, máy tính, hệ thống trang thiết bị phục vụ lưu trữ, hệ thống an ninh bảo mật… (phục vụ thu thập, xử lý, phân tích thông tin và dự báo thị trường lao động) cho Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐTBXH đảm bảo đồng bộ, hiện đại, kết nối toàn quốc.

Đồng thời, dự án cũng hỗ trợ giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động: tổ chức 10 sàn giao dịch việc làm, tạo cơ hội cho 500 người lao động, nhất là lao động phi chính thức, lao động nghèo, vùng sâu, vùng xa tiếp cận được thông tin về chính sách lao động, việc làm và tìm kiếm các cơ hội việc làm phù hợp khả năng, nguyện vọng của bản thân.

Tiểu dự án cũng triển khai quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu về dân cư: hệ thống trang thiết bị máy chủ, đường truyền, thiết bị để nhập tin, lưu trữ, cập nhật dữ liệu; quản trị, vận hành hệ thống phần mềm.

Hiện nay Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lạng Sơn đang thu nhập, phân tích, dự báo thị trường lao động trên địa bàn tỉnh; phổ biến các ấn phẩm phân tích, dự báo thị trường lao động. Đồng thời hỗ trợ kết nối việc làm, đầu tư cơ sở vật chất, bố trí nguồn nhân lực và tài chính để tổ chức vận hành có hiệu quả đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động nhằm kết nối việc làm cho lao động thuộc huyện nghèo, hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo.

hỗ trợ việc làm bền vững

Hiện tỉnh Lạng Sơn đang triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy triển khai Tiểu dự án 3.4. Ảnh: NN

Trao đổi với PV Báo Dân Việt - Bà Hoàng Thị Hải - Trưởng phòng Lao động việc làm (Sở LĐTBXH) tỉnh Lạng Sơn cho biết thực hiện nội dung "Hỗ trợ tạo việc làm bền vững" cho lao động trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn. Tốc độ triển khai vẫn còn chậm do có nhiều văn bản, giấy tờ chưa hoàn tất. Ví dụ nhiều điểm trong thông tư 46 chưa cụ thể, cần phải có văn bản hướng dẫn thêm. Đặc biệt về nội dung hỗ trợ việc làm thành công, trung tâm dịch vụ việc làm sẽ được hỗ trợ 400.000 đồng.

"Cần làm rõ thế nào là hỗ trợ việc làm thành công và hỗ trợ việc làm bền vững. Theo quy định chỉ cần kết nối việc làm thành công (hợp đồng lao động; hoặc hợp đồng miệng) là trung tâm dịch vụ việc làm nơi kết nối sẽ được hỗ trợ 400.000 đồng. Tuy nhiên. nếu việc kết nối tạo việc làm cho các lao động với hợp đồng ngắn hạn chỉ trong 1 tháng thì có thể gọi là tạo việc làm bền vững được không?", bà Hải đặt câu hỏi.

Bà Hải cũng băn khoăn, bởi thực tế đã gọi là hỗ trợ việc làm bền vững thì phải lâu dài, đằng này nếu chỉ kết nối việc làm cho người lao động 1 tháng mà đã được nhận hỗ trợ thì thấy chưa thật thuyết phục. Nên chăng, nên đưa ra điều kiện là giới thiệu việc làm thành công cho lao động, ít nhất là 2 tháng. Như vậy vừa đảm bảo chế độ về BHYT; BHXH... cho lao động. Mặt khác dù có hỗ trợ tiền cho việc kết nối việc làm thành công thì các trung tâm dịch vụ việc làm cũng không dám nhận với lý do, sợ ảnh hưởng vấn để kiểm tra, kiểm toán sau này.

"Quy định cho chỉ cần kết nối việc làm thành công (có thể giao kết việc làm bằng miệng) nhưng nếu không có hợp đồng, tới lúc kiểm tra, kiểm toán vào cuộc lấy gì báo cáo, giải trình", Bà Hải phân tích.

Đây chỉ là một trong rất nhiều vướng mắc phát sinh trong thực tiễn triển khai trong quá trình thực hiện tiểu dự án "Hỗ trợ việc làm bền vững". Sở LĐTBXH tỉnh Lạng Sơn cũng đã có tham mưu cho UBND tỉnh để triển khai, đồng thời cũng có văn bản gửi Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) đề nghị có công văn hướng dẫn nhiều nội dung còn vướng mắc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem