Lãnh đạo nước nào sẽ "tiếc" nếu ông Trump thất cử?

Vương Nam – SCMP Thứ ba, ngày 27/10/2020 21:40 PM (GMT+7)
Nếu phải rời khỏi Nhà Trắng vào tháng 11 tới, Tổng thống Trump sẽ không phải là người duy nhất thấy buồn, theo SCMP.
Bình luận 0

img

Ông Trump được cho là có mối quan hệ tốt đẹp với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un (ảnh: BBC)

Với các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Triều Tiên, Nga, thậm chí là cả Trung Quốc, việc ông Trump thất cử không phải là điều họ mong muốn.

1. Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un

Quan hệ Triều Tiên – Mỹ được cho là đã có nhiều biến đổi khó lường dưới thời ông Trump nắm quyền. Trong một số thời điểm, ông Trump mỉa mai, gọi Chủ tịch Kim là “gã tên lửa”. Tuy nhiên, sau vài cuộc gặp và hơn 20 lá thư, quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Mỹ và ông Kim Jong Un lại trở nên “thân thiết” một cách kỳ lạ.

Mặc dù trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, Triều Tiên vẫn không đồng ý chấm dứt phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng ít nhất, trong lễ duyệt binh hôm 10.10, ông Kim Jong Un đã có bài phát biểu mở ra nhiều hy vọng.

Trong khi đó, ông Biden - ứng viên tổng thống Mỹ - cho biết, ông sẽ không gặp ông Kim Jong Un chừng nào Triều Tiên chưa đáp ứng các điều kiện tiên quyết mà Mỹ đưa ra.

Xét về khả năng gỡ bỏ trừng phạt Triều Tiên, ông Trump có thể “thoải mái” hơn ông Biden.

img

Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc được đẩy lên cao dưới thời Tổng thống Trump (ảnh: BBC)

2. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Vài tháng gần đây, ông Trump luôn thể hiện quan điểm cứng rắn với Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề dịch Covid-19, Biển Đông và thương mại.

Ông Trump là Tổng thống Mỹ đầu tiên phát động thương chiến và áp thuế lên hàng tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho rằng, Trung Quốc vẫn muốn ông Trump tái đắc cử tổng thống.

Theo SCMP, ông Trump đã làm lung lay hệ thống đồng minh của Mỹ kể từ sau Thế chiến II. Trung Quốc cho rằng những mối quan hệ truyền thống với các cường quốc khác của Mỹ là điều đáng lo ngại.

Ông Trump cũng bị đánh giá là đã làm suy yếu tầm ảnh hưởng của Mỹ khi tuyên bố rút khỏi các thỏa thuận kinh tế, môi trường, thỏa thuận hạt nhân với Iran, rút khỏi WHO… Tổng thống Mỹ nổi tiếng với tư tưởng “nước Mỹ trên hết” và “bỏ quên” các đồng minh thân cận.

Zhu Feng – giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh – cho rằng, Trung Quốc đã được hưởng lợi từ mối quan hệ lạnh nhạt giữa Mỹ và các đồng minh.

Cựu Phó Tổng thống Biden cho rằng, nếu đắc cử, ông sẽ có những đòn đối phó Trung Quốc mạnh mẽ hơn ông Trump.

img

Nga từ lâu đã muốn NATO bị suy yếu (ảnh: CNN)

3. Tổng thống Nga Vladimir Putin

Cả Trung Quốc và Nga đều là những đối thủ đáng gờm với Mỹ trong việc cạnh tranh ảnh hưởng quốc tế.

Trong suốt 4 năm làm Tổng thống, ông Trump luôn tỏ ra nghi ngờ về giá trị thực sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Dưới thời ông Trump, vị thế của Mỹ bị suy giảm dù vẫn giữ vai trò lãnh đạo NATO.

Ông Trump liên tục than phiền và cho rằng các nước còn lại của NATO chi quá ít tiền cho khối. Việc ông Trump rút binh sĩ Mỹ khỏi Đức được cho xuất phát từ mối bất hòa với Thủ tướng Angela Merkel.

Một trong những mục đích chính của NATO là kìm hãm tầm ảnh hưởng về quân sự của Nga và Moscow đã muốn liên minh này sụp đổ từ lâu. Tuy nhiên, nếu ông Biden lên nắm quyền tổng thống, mối quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh truyền thống có thể sẽ ổn định trở lại,

4. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro

Tổng thống Bolsonaro đã không ngần ngại khi nhiều lần nói ông Trump là “thần tượng” của mình. Dưới thời ông Trump, quan hệ Mỹ - Brazil phát triển tốt đẹp.

Chính quyền ông Trump đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thị bò cho Brazil, ủng hộ nước này gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Ngoại trưởng Brazil cho biết, nước này sẽ không gặp vấn đề gì với Mỹ nếu ông Biden đắc cử. Tuy nhiên, chính sách đối với môi trường, đặc biệt là với rừng nhiệt đới Amazon của ông Bolsonaro có thể bị ông Biden chỉ trích.

Ông Biden nhiều lần cho rằng, Brazil sẽ phải đối mặt với hậu quả kinh tế nếu không ngăn chặn nạn phá rừng Amazon.

img

Mỹ từng “quay lưng” với đồng minh để ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ (ảnh: SCMP)

5. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan

Thổ Nhĩ Kỳ bị ông Trump chỉ trích, thậm chí dọa trừng phạt vì mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên thường khiến NATO “đau đầu”.

Tuy nhiên, ông Erdogan được cho là có mối quan hệ cá nhân rất tốt với Tổng thống Trump.

Năm ngoái, ông Trump rút quân Mỹ khỏi các khu vực do người Kurd chiếm đóng ở bắc Syria. Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đưa quân đội tới kiểm soát khu vực này và giao tranh với lực lượng người Kurd.

Ông Trump đưa ra quyết định rút quân mà không tham khảo ý kiến của Lầu Năm Góc, bất chấp việc lực lượng người Kurd từng sát cánh với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố IS.

Ông Biden khi đó kêu gọi Mỹ hãy giúp đỡ lực lượng người Kurd và yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ rút quân.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem