Lào Cai: Kho báu ở trên núi Ngải Trồ dân hái ngọn bán sang Trung Quốc thực ra là thứ gì?

Chủ nhật, ngày 31/01/2021 19:03 PM (GMT+7)
Đến xã A Mú Sung nhiều lần, tôi vẫn băn khoăn mãi không biết từ bao giờ người Dao đỏ ở đây lại có loại chè thơm ngon đến thế. Anh Vàng Thông Phin, Phó Chủ tịch UBND xã “bật mí” đó là loại chè tuyết cổ thụ trăm tuổi trên núi đá Ngải Trồ ví như kho báu.
Bình luận 0

“Nếu ở đây có mỏ vàng hay kim cương, người dân đào mãi rồi cũng hết thôi, còn kho “vàng xanh” này thì có thu hoạch mãi cũng không hết, mà sẽ ngày càng được nhân ra nhiều hơn và có giá trị hơn. Vì thế, bà con coi rừng chè Shan Tuyết cổ thụ ở đây còn quý hơn vàng”. Anh Vàng Thông Phin, Phó Chủ tịch UBND xã A Mú Sung (Bát Xát) chỉ ra phía rừng chè cổ thụ xanh bát ngát dưới đỉnh núi đá mờ sương nói với tôi.

Lào Cai: Kho báu ở trên núi Ngải Trồ dân hái ngọn bán sang Trung Quốc thực ra là thứ gì? - Ảnh 1.

Đồng bào Dao đỏ, xã A Mú Sung (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) thu hái chè cổ thụ trên núi Ngải Trồ.

Rừng chè cổ thụ trăm tuổi

Ngải Trồ theo tiếng địa phương nghĩa là làng dưới chân núi đá. Thôn Ngải Trồ, xã A Mú Sung là thôn người Dao đỏ nằm ở vị trí cao và xa nhất xã, nhìn lên là đỉnh núi đá quanh năm mây phủ. 

Hôm nay, thôn Ngải Trồ có đám cưới vui lắm, anh Tẩn Láo Tả lấy vợ là cô gái người Dao xinh như hoa rừng ở tận bên xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa. 

Nhanh tay rót chén trà vàng sóng sánh như mật ong tỏa khói thơm nức mời khách đến nhà mừng đám cưới, ông Tẩn Sài Trình cười khà khà, nét mặt hỉ hả: Tết này nhà có con dâu mới về, tôi vui lắm, kính mời các bác uống chén nước chè chúc mừng hạnh phúc cho các cháu. Chè này tự tay tôi hái trên cây chè cổ thụ trăm tuổi dưới chân núi đá kia, người dân gọi là chè Shan Tuyết cổ thụ đấy các bác ạ!

Tiếng kèn, trống đám cưới vang lên rộn ràng. Tiếng rinh reng của những chuông bạc, cúc bạc trên bộ trang phục thổ cẩm của các cô gái Dao đỏ ngân theo nhịp bước. Hương rượu thơm nồng quyện với hương trà mới pha tỏa ra thơm ngát. 

Mấy cụ già người Dao bên Sa Pa sang nhâm nhi chén trà nóng bỏng môi cứ xuýt xoa khen chè ngon mãi, uống một lần không thể nào quên. Lúc nhà gái ra về, bên nhà trai còn tặng hộp chè Shan Tuyết cổ thụ về làm quà cho gia đình thưởng thức ngày Tết thêm ấm áp.

Đến xã A Mú Sung nhiều lần, tôi vẫn băn khoăn mãi không biết từ bao giờ người Dao đỏ ở đây lại có loại chè thơm ngon đến thế. Anh Vàng Thông Phin, Phó Chủ tịch UBND xã “bật mí” đó là loại chè tuyết cổ thụ trăm tuổi trên núi đá Ngải Trồ. 

Đứng trên tảng đá to cuối thôn, anh Phin khoát một vòng tay rộng về phía rừng xanh thẫm dưới đỉnh núi mờ sương: Kia là rừng chè cổ thụ, trải dài khắp dãy núi này, đến tận khu vực giáp với xã A Lù, xã Dền Sáng vẫn còn chè cổ thụ đấy. Nếu tính diện tích phải có mấy chục ha.

Từ đây, chúng tôi chỉ cần đi bộ khoảng 15 phút đã tới được rừng chè. Tôi phải tận tay sờ vào những lớp rêu xanh như nhung, lớp địa y loang lổ trên những thân chè khổng lồ mới dám tin vào mắt mình. 

Có cây chè một người ôm không hết, đường kính gốc tới 40 - 50 cm. Những cây chè cổ thụ này có lẽ đã có cả trăm tuổi, nếu không bị đốn chặt có khi cao như tòa nhà. Tôi ngắt mấy búp chè to mập như đầu đũa cho vào miệng nhai, cảm nhận được ngay vị chan chát, ngai ngái của chè tươi, kèm theo hương thơm đặc biệt và vị ngọt đọng trong miệng. 

Chè này có điểm đặc biệt là búp to hơn hẳn chè thường, búp nào cũng có một lớp lông tơ phủ trắng xóa như tuyết, rồi xòe ra xanh mơn mởn giữa sương mây.

Nhắc đến chè cổ thụ ở Lào Cai, nhiều người nghĩ ngay đến những rừng chè cổ thụ ở xã Tả Thàng (Mường Khương), Hoàng Thu Phố, Bản Liền (Bắc Hà), còn “kho báu” chè cổ thụ ở A Mú Sung, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt ít người biết tới. 

Lần này được khám phá vương quốc chè A Mú Sung tôi mới thấy thực sự rộng lớn, cả tuổi cây và diện tích có lẽ ít có rừng chè cổ thụ nào trong tỉnh sánh được.

Lào Cai: Kho báu ở trên núi Ngải Trồ dân hái ngọn bán sang Trung Quốc thực ra là thứ gì? - Ảnh 4.

Rừng chè cổ thụ xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai có những cây trăm tuổi.

Thơm ngát hương chè xuân

Căn lán nhỏ của anh Vàng Xuân Ngan cũng là xưởng sao chè thủ công nằm sát Tỉnh lộ 158, càng những ngày giáp tết càng thêm đông vui, nhộn nhịp, mấy cái lò sao chè đỏ lửa ngày đêm, hương thơm của chè tươi mới sao, của chè đang phơi héo tỏa ra thơm ngát. 

Rót chén nước chè tươi nóng hổi mời khách, anh Ngan bảo mẻ chè này mình mới sao chuẩn bị cho dịp tết Nguyên đán. Đây cũng là lứa chè xuân thơm ngon nhất năm được nhiều người chờ đợi. Những cây chè trăm tuổi mọc trên núi đá cao, tích lũy tinh túy của đất trời. 

Suốt mùa đông giá lạnh chè không ra búp mà ủ sức để đầu xuân bật ra những búp non đầu tiên. Người Dao thường chọn ngày có sương mù nhưng không mưa, sáng sớm lên núi hái những búp chè to như mỏ chim họa mi ấy đem sao thủ công bằng tay theo bí quyết riêng sẽ cho ra loại chè hảo hạng thơm ngon nhất vùng. 

Chè cổ thụ A Mú Sung uống ban đầu thấy chan chát, nhưng sau đó có vị ngọt đọng lại rất lâu, pha tới 3 - 4 nước vẫn có hương vị đậm đà và màu vàng như mật ong.

Anh Ngan cũng chia sẻ, chè Shan Tuyết cổ thụ đúng là kho vàng xanh của bản Dao Ngải Trồ nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Người Trung Quốc rất sành uống trà, vùng biên giới tỉnh Lào Cai có nhiều loại chè nhưng họ chỉ thu mua ngọn chè cổ thụ ở A Mú Sung để chế biến làm trà đặc sản. 

Mấy năm qua, đồng bào Dao đỏ ở A Mú Sung bán chè tươi loại 1 tôm, 2 - 3 lá cho Trung Quốc với giá khá cao, từ 150.000 đến 200.000 đồng/kg, chỉ cần bán 1 kg chè tươi là đủ mua con gà to. Còn riêng tôm chè cổ thụ có giá cả triệu đồng/kg. Rừng chè cổ thụ như món quà quý của đại ngàn đã nuôi sống hàng trăm gia đình người Dao đỏ ở đây.

Sinh ra và lớn lên trên núi đá Ngải Trồ, chàng trai trẻ Vàng Xuân Ngan ấp ủ ước mơ khởi nghiệp và làm giàu từ cây chè cổ thụ. Nhận thấy nhu cầu của thị trường Trung Quốc lớn, anh đứng ra làm đầu mối thu mua lá chè tươi của người dân trong vùng rồi sơ chế bằng máy, phơi khô bán cho thương lái Trung Quốc. 

Năm 2019, anh thu mua 6 tấn chè tươi, sơ chế bán được 1 tấn chè khô. Năm 2020, anh thu mua khoảng 13 tấn chè tươi, sơ chế được hơn 2 tấn chè khô, bán thu lãi khoảng 60 triệu đồng.

“Chè cổ thụ A Mú Sung là chè sạch tuyệt đối và chất lượng cao như vậy, nhưng thật đáng tiếc là đến nay vẫn chưa có công ty nào thu mua của người dân để chế biến thành hàng hóa có thương hiệu phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Tôi đang thử nghiệm chế biến chè cổ thụ đặc sản bằng phương pháp thủ công. Mỗi kg chè cổ thụ A Mú Sung thành phẩm có giá 300.000 - 400.000 đồng. 

Người Việt có trà thuần Việt đặc sản để uống, còn đồng bào Dao đỏ cũng có thu nhập ổn định hơn việc bán chè tươi sang Trung Quốc”, anh Ngan nhìn về phía rừng chè cổ thụ, ánh mắt lấp lánh niềm tin.

Lào Cai: Kho báu ở trên núi Ngải Trồ dân hái ngọn bán sang Trung Quốc thực ra là thứ gì? - Ảnh 7.

Anh Vàng Xuân Ngan (bên phải ảnh) ấp ủ giấc mơ làm giàu từ chè cổ thụ Shan Tuyết.

Nhân rộng “kho vàng xanh”

Trong chuyến ngược dốc lên khám phá rừng chè cổ thụ ở thôn Ngải Trồ, tôi không chỉ được ngắm những cây chè cổ thụ rêu phong trăm tuổi, mà còn có dịp trò chuyện với những ông “vua chè cổ thụ” của bản Dao đỏ. 

Theo lời ông Lý Kin Phù, Trưởng thôn Ngải Trồ, cả thôn có hơn 100 hộ, trong đó hầu như hộ nào cũng có chè cổ thụ. Tuy nhiên, một số hộ có vài ha chè như các ông Tẩn Á Pham, Phùng Xuân Phú, Phùng Xuân Phây… ngoài diện tích chè trăm tuổi trên núi đá, những năm qua, các hộ này cùng bà con trong thôn còn tự ươm giống chè Shan Tuyết cổ thụ bằng hạt để trồng thêm, làm cho diện tích chè tăng lên rất nhiều.

Ông Phùng Xuân Phú, một trong các “vua chè cổ thụ” thôn Ngải Trồ tuy bận rộn chăm sóc rừng chè trồng được 3 tuổi nhưng vẫn dành thời gian trò chuyện với chúng tôi. 

Ông Phú tươi cười: Cây chè cổ thụ là của hồi môn tổ tiên người Dao đỏ chúng tôi để lại cho con cháu. Rừng chè trăm tuổi còn quý hơn cả kho vàng, vì kho vàng đào mãi thì cũng hết, còn rừng chè trăm tuổi càng nhiều năm càng có giá trị hơn và “đẻ” thêm những rừng chè quý khác nữa để gia đình tôi và bà con có thêm thu nhập.

Lúc tôi chia tay thôn Ngải Trồ về thành phố, Phó Chủ tịch UBND xã A Mú Sung “bật mí” thêm một tin “nóng hổi”, là có đơn vị đang nghiên cứu chế biến chè cổ thụ và thiết kế mẫu mã hộp chè A Mú Sung với những tên gọi rất hay như “Trà đinh cổ tuyết”, “Trà móc câu Shan Tuyết”, “Trà tôm nõn cổ thụ A Mú Sung”.

Tới đây, những sản phẩm này sẽ được giới thiệu rộng rãi để người yêu trà được thưởng thức chè đặc sản trăm tuổi nơi đầu nguồn biên giới. Còn anh Vàng Xuân Ngan tặng tôi cân chè Shan Tuyết cổ thụ mới sao làm quà tết và hẹn đầu xuân lên bản ngắm hoa đào rừng nở, thưởng thức chè xuân trên núi đá Ngải Trồ.



Tuấn Ngọc (Báo Lào Cai)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem