dd/mm/yyyy

Lào Cai: Đếm không hết các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, khách ăn dâu tây ngay tại vườn

Với phương trâm xác định nông nghiệp là ngành mũi nhọn, trong những năm qua, tỉnh Lào Cai đã tiến hành tái cơ cấu ngành theo hướng xây dựng nền nông nghiệp sạch, ứng dụng quy trình sản xuất an toàn, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Tận dụng tối đa lợi thế tự nhiên

Ngay sau khi Đề án "Tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020" được phê duyệt, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các ngành, địa phương chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện.

Cụ thể, tỉnh đã tập trung nguồn lực và chương trình hỗ trợ vào 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực đặc hữu có giá trị kinh tế cao là: Chè, quế, gạo chất lượng cao, dược liệu, rau trái vụ, cây ăn quả ôn đới, gia súc, gia cầm bản địa, cá nước lạnh; đồng thời tiếp tục mở rộng diện tích một số cây trồng đã có thị trường như cây xả, cây gai xanh, cây dâu tằm... Trong lâm nghiệp, tập trung khảo nghiệm một số cây có giá trị như cây bạch đàn trắng, cây màng tang, cây bồ đề...

Lào Cai: "nở rộ" nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, khách du lịch thưởng thức dâu tây ngay tại vườn - Ảnh 1.

Mô hình trong nhà lưới của HTX rau quả Thắng Lợi (tại xã Sa Pả, Sa Pa).

Với điều kiện khí hậu đặc thù, thị xã Sa Pa có nền nhiệt trung bình thấp hơn các địa phương khác trong tỉnh nên phù hợp với nhiều loại rau, hoa, củ, quả ưa lạnh và thích hợp để sản xuất các loại rau trái vụ, cây ôn đới. Đây cũng là lợi thế để Sa Pa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Hợp tác xã rau quả Thắng Lợi (HTX) tại xã Sa Pả, Sa Pa là một trong số những hợp tác xã mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng, HTX đã xây dựng 2,5 ha khung nhà màng, trang bị hệ thống tưới nước tự động, hệ thống giá trồng cây, hệ thống lọc nước, đèn led…Theo thời vụ, HTX sản xuất những sản phẩm nông nghiệp chất lượng như dâu tây, dưa lưới, cà chua, dưa pepino, dưa chuột…

Đến năm 2020, toàn tỉnh có hơn 2.700 ha sản xuất ứng dụng công nghệ cao, giá trị sản xuất đạt 260 triệu đồng/ha, chiếm 9,02% trong tổng giá trị nông nghiệp toàn tỉnh, cao hơn 3 lần so với sản xuất nông nghiệp truyền thống. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã thu hút 52 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư trong hầu hết lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh tổng hợp.

Bà Đỗ Thị Kim Dung, Giám đốc HTX rau quả Thắng Lợi cho biết, do trồng hoàn toàn trong hệ thống nhà lưới kiên cố nên hợp tác xã bảo đảm mưa cũng như các loại côn trùng không thể gây hại đến cây trồng, sẽ hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Bên cạnh đó, cây được trồng bằng giá thể đã qua xử lý, các luống cây đều được phủ một lớp ni-lông ngăn cỏ cạnh tranh dinh dưỡng, giúp cây sinh trưởng tốt, không phải sử dụng thuốc diệt cỏ. Hợp tác xã còn nuôi thêm ong trong nhà lưới để tăng cường thụ phấn cho cây.

Lào Cai: "nở rộ" nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, khách du lịch thưởng thức dâu tây ngay tại vườn - Ảnh 3.

Dâu tây được trồng trong nhà lưới của HTX rau quả Thắng Lợi.

Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, HTX tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nói không với các loại hóa chất độc hại. 100% diện tích dâu tây của HTX được trồng trên giá cách mặt đất 1 mét để tránh ẩm mốc, giúp cây khô thoáng và hạn chế nấm, bệnh.

Đặc biệt, việc HTX luân canh cây trồng và sử dụng các biện pháp sinh học đã hạn chế dịch bệnh nhưng vẫn khuyến khích và bảo đảm môi trường sống cho những thiên địch có lợi cho sản xuất và môi trường sinh thái.

Bà Dung khẳng định, việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần mang lại những sản phẩm an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Lan tỏa nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Cũng với mục tiêu tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn với người tiêu dùng, trang trại trồng trọt, chăn nuôi khép kín của anh Trần Văn Tùng (tổ dân phố 3, thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng) đã ứng dụng một phần công nghệ cao vào sản xuất.

Lào Cai: "nở rộ" nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao, khách du lịch thưởng thức dâu tây ngay tại vườn - Ảnh 4.

Sau khi thăm quan, trải nghiệm bên trong HTX rau quả Thắng Lợi khách du lịch có thể thưởng thức dâu tây ngay tại vườn.

Trong trang trại của anh, việc trồng trọt và chăn nuôi được thực hiện khép kín với việc tận dụng chất thải chăn nuôi sau xử lý làm phân hữu cơ vi sinh phục vụ trồng cây ăn quả. Nguồn nước thải chăn nuôi sau khi xử lý qua hệ thống biogas được tận dụng, dẫn vào bể chứa, sau đó theo hệ thống tưới nhỏ giọt tới từng gốc bưởi và thanh long.

Với cách làm này, gần 3 ha cây ăn quả của trang trại hoàn toàn sử dụng nguồn phân bón hữu cơ vi sinh và tận dụng nguồn nước sau biogas triệt để, không phát thải gây ô nhiễm môi trường.

Theo anh Tùng, việc đầu tư toàn bộ hệ thống nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới tự động cần kinh phí rất lớn. Để sản xuất hiệu quả, tạo ra những sản phẩm chất lượng và an toàn, trang trại đã ứng dụng một phần công nghệ cao vào sản xuất. Việc sản xuất khép kín từ trồng trọt tới chăn nuôi là tiền đề để trang trại tạo ra các loại cây ăn quả hữu cơ phục vụ xuất khẩu trong những năm tới.

Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai cho biết, thực hiện Nghị quyết 12/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, trong đó có nội dung phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong năm 2020 sẽ hỗ trợ nhà lưới quy mô 17.725 m2 tại huyện Bảo Yên và 10.000 m2 tại huyện Bát Xát.

Trong lĩnh vực hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, Lào Cai đã có 1 doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn theo Nghị quyết 30 ngày 7/3/2017 của Chính phủ, đó là dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Anh Nguyên (huyện Bắc Hà) với số vốn vay gần 20 tỷ đồng.

Cũng theo ông Tô Mạnh Tiến, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một trong những điểm nổi bật, tạo dấu ấn của nông nghiệp tỉnh Lào Cai. Các công nghệ hiện đại được đưa vào áp dụng trong sản xuất, thay đổi tập quán canh tác thủ công truyền thống và tạo ra những sản phẩm giá trị cao. Có thể nói, việc đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã tạo được sự thay đổi lớn, tạo nên bước chuyển tích cực, góp phần đa dạng sản phẩm hàng hóa, phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn và bền vững.

"Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã mang lại kết quả cao trong thực hiện các mục tiêu của đề án. Các công nghệ hiện đại đã được ứng dụng trong sản xuất như nhà kính, nhà lưới, tưới tự động, canh tác thủy canh, khí canh, sản xuất trên giá thể, vin cành, bọc quả, bảo quản chế biến sau tiêu thụ... đã từng bước được ứng dụng trong sản xuất, làm thay đổi dần tập quán canh tác" - ông Tiến chia sẻ.

Minh Ngọc