Lao động và vị trí là vấn đề ngành dệt may phải bảo vệ bằng “mọi giá”

PVKT Thứ bảy, ngày 09/05/2020 13:15 PM (GMT+7)
Theo ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) nhận định, nếu cho lao động ngành dệt may nghỉ việc trong thời gian dịch bệnh. Khi dịch kết thúc, các doanh nghiệp dệt may sẽ khó “gượng” dậy do thiếu tới 50% lao động.
Bình luận 0

Sáng nay (9/5), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến "Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp: Cùng nỗ lực - Vượt thách thức - Đón thời cơ - Phục hồi nền kinh tế".

Phát biểu tại sự kiện, ông Trường cho hay, ngay từ đầu, doanh nghiệp ngành dệt may đã xác định khó khăn, khủng hoảng này chưa từng có trước đây và sẽ xảy ra đối với tất cả các nền kinh tế thế giới. Đặc biệt, với các ngành có mức độ hội nhập quốc tế sâu rộng như dệt may của Việt Nam, ảnh hưởng sẽ càng lớn.

"Chúng tôi cũng nhận thức được rằng nguồn lực của mọi Chính phủ trên thế giới không thể đủ để có thể hỗ trợ thoả mãn mọi kiến nghị, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội", ông Trường nói.

Lao động và vị trí là vấn đề ngành dệt may phải bảo vệ bằng “mọi giá” - Ảnh 1.

Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas)

Theo đó, lãnh đạo của Vitas nhận định, đã khủng hoảng thì chắc chắn có tổn thương, vấn đề mà doanh nghiệp cần xác định danh mục tiêu ưu tiên bảo vệ của mình là cái gì?

"Đến giờ phút này ngành dệt may chúng tôi xác định là hai tài sản lớn nhất và cần được bảo vệ bằng mọi giá là lao động và vị trí của ngành dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đối với lao động ngành dệt may là ngành dân dụng, lao động kỹ năng giản đơn, thu nhập lúc có đủ việc làm cũng chỉ ở mức trung bình thấp cho nên là thực sự không có tích luỹ.

Nếu bây giờ cho nghỉ chờ việc, dù có được nhận hỗ trợ 1,8 triệu đồng một tháng của Chính phủ thì người lao động cũng vẫn phải đi tìm việc làm khác ngay để duy trì cuộc sống. Cho nên, nếu đã cho nghỉ thì dự báo là khả năng mất trên 50% lao động sau đợt nghỉ là rất rõ ràng. Như thế, nếu có thị trường quay trở lại, doanh nghiệp không còn lực lượng để phục hồi sản xuất nhanh được", ông Trường phân tích.

Do đó, doanh nghiệp dệt may không chọn phương án cho người lao động nghỉ để hưởng hỗ trợ. Doanh nghiệp chấp nhận tổ chức lại kế hoạch sản xuất theo hướng khi có nhu cầu cao phải sản xuất cả 3 ca rồi lại nghỉ bù khi không có việc. Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất cũng phải thay đổi 40h/tuần thay cho 54h/tuần như trước kia. Vấn đề cốt lõi là 100% người lao động vẫn còn được đi làm.

"Chúng tôi dự kiến sau khi có kết thúc khủng hoảng thì nhu cầu sẽ lên từ từ và những nơi có vị trí tốt trong chuỗi cung ứng sẽ được ưu tiên phục hồi trước. Ngoài ra, chúng rồi cũng chủ động tổ chức sản xuất nhanh chóng mặt hàng mà thị trường cần. Ví dụ như đã sản xuất các đồ bảo hộ y tế, khẩu trang. Hiện tại, mảng này cũng đã giải quyết được xấp xỉ 20 % nhu cầu công việc", ông Trường cho hay.

Cũng theo đánh giá của ông Trường, vấn đề ngành dệt may đang lo lắng là việc sau khi dịch bệnh kết thúc, nhu cầu thị trường sẽ theo hướng như thế nào? Trong khi đó, dự kiến, kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng dệt may có thể giảm khoảng 20% trong năm 2020.

"Về kiến nghị, chúng tôi chỉ có hai nội dung. Thứ nhất là doanh nghiệp dệt may vẫn tiếp tục xin được miễn thuế bảo hiểm xã hội và công đoàn phí năm 2020 (từ tháng 5 đến hết tháng 12 năm 2020). Bởi vì đây thực sự là cái chi phí tác động vào giá rất lớn của các doanh nghiệp trong khi còn gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, chúng tôi kiến nghị phê duyệt và chuẩn bị nhanh các hướng dẫn để khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thì các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ hưởng lợi thế của nó. Bởi vì Quốc hội phê duyệt nhưng chưa đủ các hướng dẫn, thông tư thì cũng không tận dụng được quy tắc xuất xứ này và không được giảm thuế", Ông Trường đề xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem