Lao động Việt tại Hàn Quốc: Đối mặt nguy cơ mất việc, thiếu việc làm

Nguyệt Tạ Chủ nhật, ngày 13/09/2020 06:00 AM (GMT+7)
Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, hàng nghìn lao động Việt Nam tại Hàn Quốc đang đối mặt với nguy cơ mất việc, thiếu việc làm và cuộc sống bị ảnh hưởng. Nhiều lao động không có việc làm, chưa thể về nước vì thiếu chuyến bay.
Bình luận 0

Lao động ngừng việc, chuyển việc

Lao động Lê Văn Hùng (27 tuổi, quê Thanh Hóa), hiện đang làm tại công ty chế tạo linh kiện điện thoại ở phía Nam Hàn Quốc. Công ty có hơn 500 công nhân, nhưng từ ngày có dịch Covid-19 công việc giảm đáng kể, vì thế chủ cũng cho công nhân nghỉ bớt, hoặc nghỉ luân phiên. Hùng chia sẻ: "Trước đây anh em còn làm tăng ca ngày 12 tiếng, giờ chỉ làm 8 tiếng cơ bản. Có đợt công ty còn cho công nhân nghỉ luân phiên".

Hùng cho biết thêm, ngày không làm việc ở công ty, anh đi làm thêm ở các trang trại. Mức lương thấp, công việc vất vả nhưng được trả công trực tiếp, làm ngày nào tính tiền ngày đó. Hiện tại, hợp đồng của Hùng còn 3 tháng nữa là hết hạn, Hùng cảm thấy lo lắng vì nếu dịch bệnh không được kiểm soát thì Hùng cũng như các lao động khác khó mà xuất cảnh.

Lao động Việt tại Hàn Quốc: Đối mặt nguy cơ mất việc, thiếu việc làm - Ảnh 1.

Hiện nay Đại sứ Quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã hỗ trợ nhiều lao động đủ điều kiện đăng ký, tìm kiếm chuyến bay nhân đạo về nước. Tuy nhiên, số chuyến bay có hạn nên số lao động về nước được chưa nhiều, chỉ khoảng 300-400 lao động.

Không có may mắn như Hùng, Nguyễn Văn Cường (25 tuổi, quê Đông Sơn, Thanh Hóa) đang thất nghiệp. Mặc dù hết hạn hợp đồng, nhưng Cường không thể mua vé máy bay về nước được. Hiện, Cường cũng xin đi làm thuê cho các trang trại, nhưng ngày có việc ngày không. Thu nhập thấp, gần như chỉ đủ chi trả cho sinh hoạt.

"Hiện giờ nhiều lao động Việt Nam đã hết hợp đồng mà vẫn không thể mua vé máy bay về nước. Có người xin được việc làm, có người thì không xin được việc làm tạm thời, vì thế hoàn cảnh rất khó khăn. Em chỉ mong nhanh có vé máy bay để về" - Cường nói.

Chị Nguyễn Thị Út (54 tuổi, Thủy Nguyên, Hải Phòng) từng có thời gian làm 2 năm trong ngành nông nghiệp ở Hàn Quốc, nhưng vừa về nước do dịch Covid-19. Chị Út cho biết, tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc khá căng thẳng nên các lao động Việt rất lo lắng. Tuy nhiên, theo các bạn bè của chị còn ở lại, không giống với ngành công nghiệp, dịch vụ, lĩnh vực nông nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động. Công việc vẫn khá nhiều và đều đặn. Chủ sử dụng cũ của chị vẫn muốn gọi chị sang làm việc nhưng chị dự định phải hết dịch mới sang lại.

"Trước đây, mỗi tháng lao động làm nông nghiệp ở Hàn chỉ nhận được lương từ 34 triệu đồng/tháng, nhưng nay lương tăng lên được tầm 45 triệu đồng/tháng. Lý do là bởi từ ngày có dịch, việc tuyển dụng lao động mới gặp khó khăn, tình trạng khan hiếm lao động khiến cho các chủ trang trại phải nâng lương" - chị Út chia sẻ.

Lao động Việt tại Hàn Quốc: Đối mặt nguy cơ mất việc, thiếu việc làm - Ảnh 3.

Lao động Việt Nam làm nông nghiệp tại Hàn Quốc. Ảnh: P.V

Nhiều giải pháp hỗ trợ lao động

Dịch Covid-19 đã làm cho kinh tế bị suy giảm nghiêm trọng, để hỗ trợ lao động nước ngoài đang làm việc tại Hàn Quốc, nước này đã đưa ra nhiều chính sách mới.

Đầu tiên là chính sách gia hạn làm việc cho lao động đã hết hạn hợp đồng từ tháng 4/2020. Gần đây nhất, trong tháng 9, phía Hàn Quốc cho biết, nước này vừa thông qua các chính sách cho phép lao động nước ngoài đang chờ về nước được vay tiền từ nguồn bảo hiểm mãn hạn hợp đồng về nước mà người lao động tích lũy được. Các lao động vay tiền phải trả nợ lãi và sau ngày hết hạn hợp đồng vay mà người lao động không trả nợ vay, số tiền này sẽ tự động trừ vào khoản tiền bảo hiểm đã tích lũy được.

Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết thông tin từ Ban quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cho thấy lao động làm việc tại Hàn Quốc trong diện có hợp đồng công việc cũng không có nhiều biến động. Số lao động nghỉ việc, tạm ngừng việc ở đối tượng này là không nhiều. Đáng quan ngại nhất là số lao động hết hạn không về nước được do dịch bệnh.

Theo số liệu thống kê, thời điểm cao nhất, có tới hơn 2.000 lao động hết hạn không thể về nước. Con số này luôn biến động, tới nay khoảng 1.000 lao động trong số này đã đăng ký về nước.

Ông Liêm cho biết, lâu nay lĩnh vực nông nghiệp của Hàn Quốc chủ yếu tuyển dụng lao động thời vụ chứ ít tuyển lao động dài hạn.

"Trước nay ta chỉ đưa lao động đưa đi làm việc theo EPS (hợp đồng 3 - 4 năm), nhưng gần đây phía bạn cũng mở ra kênh mới trong việc tiếp nhận lao động làm nông nghiệp thời vụ (3-5 tháng). Chương trình triển khai ký kết theo dạng hợp tác giữa các địa phương với các địa phương. Việt Nam đã triển khai từ đầu 2018 kết thúc 2020. Đầu năm 2020 tiếp tục triển khai lại nhưng do dịch bệnh nên chúng ta vẫn chưa thể đưa lao động sang như thỏa thuận" - ông Liêm nói.

Theo thông tin từ Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thu nhập của các lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc đã giảm nhiều.

Hiện tại, lao động không làm thêm, làm trong tất cả các ngành nghề chỉ nhận được mức lương cơ bản từ 1.200 - 1.400USD. Nếu được làm thêm mức lương có thể tăng lên tới 2.000 hoặc 2.500USD. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem