Lật tẩy thủ đoạn chuyển giá, trốn thuế của DN nước ngoài

Hoàng Thắng Thứ bảy, ngày 14/10/2017 08:00 AM (GMT+7)
Hành vi chuyển giá, trốn thuế của nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài hoạt động ở Việt Nam ngày một diễn biến tinh vi, phức tạp trong khi thời gian kiểm tra hạn chế, lực lượng của Phòng thanh tra chống chuyển giá chỉ có 11 người.
Bình luận 0

img

Rất khó kiểm soát hoạt động chuyển giá của các tập đoàn, công ty đa quốc gia

Liên quan tới hoạt động chống chuyển giá, theo thống kê của thanh tra thuế, toàn ngành đã kiểm tra 217 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết và truy thu, truy hoàn, phạt 575,75 tỉ đồng. Từ đó, giảm lỗ 2.635,91 tỉ đồng, giảm khấu trừ 15,5 tỉ đồng với các giao dịch liên kết. Đồng thời, tăng thu nhập chịu thuế 1.811,17 tỉ đồng.

Ngoài ra, ngành thuế đã thanh tra xác định lại giá trị thị trường đối với giao dịch liên kết để truy thu 256,21 tỉ đồng, giảm lỗ 1,888,03 tỉ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 1.748,67 tỉ đồng.

Sau thanh tra, truy thu và phạt 256 tỷ đồng, do xác định lại tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết so với báo cáo.

Chia sẻ tại buổi họp báo chuyên đề do Bộ Tài chính tổ chức chiều 13.10, ông Phạm Ngọc Lai – Quyền Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết hành vi phạm chống chuyển giá chủ yếu của các DN là giá mua hàng hóa không phù hợp với giá thị trường.

img

Ông Phạm Ngọc Lai – Quyền Vụ trưởng Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế chia sẻ khó khăn trong công tác chống chuyển giá

Ông Lai cho biết: “Một công ty đa quốc gia nhập khẩu vào Việt Nam 1 kg bột mì để chế biến bánh kẹo có giá cao hơn giá thị trường khi so sánh với giá các đơn vị trong nước nhập khẩu. Hay như giá một chai nước Lavie có giá thị trường là 5.000 đồng, nhưng công ty đa quốc gia chỉ bán với giá 4.000 đồng để giảm mức thuế phải đóng. Chúng tôi phải đấu tranh, ấn định giá bán của họ theo giá thị trường. Từ đó, tăng kết quả lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp, tập đoàn.

Ngoài ra, các tập đoàn đa quốc gia sau khi nhận sản phẩm từ công ty, có thể đi vòng qua nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Hongkong, Singapore trước khi nhập sản phẩm về thị trường Việt Nam. Ví dụ đơn giản như Coca Cola hoạt động ở hơn 100 nước khiến công tác thu thập dữ liệu thông tin về giá cũng như việc áp dụng đơn giá chuẩn để so sánh với giá đang giao dịch khi vào Việt Nam nhằm phát hiện sai phạm gặp rất nhiều khó khăn.

Hiện ngành thuế đã được Chính phủ cho phép mua dữ liệu giá để phục vụ công tác thanh tra”.

Liên quan đến những khó khăn của cơ quan thuế trong hoạt động đấu tranh với các hành vi chuyển giá, ông Lai cho biết, một trong những khó khăn là thời gian để hoàn tất một cuộc thanh tra thông thường chỉ là 45 ngày, tối đa được kéo dài đến 70 ngày. Trong khi đó, thông lệ quốc tế cho phép kéo dài tới 575 ngày.

Ngoài nhân sự hiện tại rất mỏng, tại Tổng cục Thuế, lực lượng của Phòng thanh tra chống chuyển giá chỉ có 11 người.

Thêm vào đó, thẩm quyền hạn chế cũng khiến cơ quan thuế gặp khó. Hầu hết cơ quan thuế ở các quốc gia đều có chức năng điều tra, nhưng đến nay cơ quan thuế Việt Nam chưa được trao thẩm quyền này, nên gặp nhiều khó khăn trong thu thập dữ liệu, nhất là dữ liệu hoạt động phức tạp của các công ty đa quốc gia hoạt động tại nhiều quốc gia. Điều này khiến cho quá trình xác minh và xử lý vi phạm gặp khó khăn.

Khi được phóng viên đề nghị cung cấp thông tin về một số DN bị phát hiện chuyển giá, ông Lai đã từ chối cung cấp thông tin vì cho rằng thông tin về chống chuyển giá là dữ liệu thuộc bí mật quốc gia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem