Lấy lại 'sức vóc' cho TP.HCM (Bài 2): Tăng 1% ngân sách để lại, trung ương có thêm 14.000 tỷ đồng

Quốc Hải Thứ bảy, ngày 06/11/2021 06:04 AM (GMT+7)
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, tỷ lệ điều tiết để lại cho ngân sách TP.HCM trong năm 2022 dự kiến 21%, tăng thêm 3% so với giai đoạn 2016 - 2021. Liệu con số này có đủ để TP.HCM lấy lại “sức vóc” của mình sau đại dịch khi tỷ lệ này vẫn thấp hơn 2% so với con số mong muốn?
Bình luận 0

Tiến sĩ Trần Du Lịch - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM đánh giá, tuy mức tăng trên vẫn còn thấp hơn 2% so với mức đề xuất của TP, nhưng vẫn đáng mừng.

"Dù khoản tăng thêm (dự kiến khoảng 6.000 tỷ đồng) này chắc chắn chưa đủ cho nhu cầu phát triển bao trùm các mục tiêu của TP.HCM trong giai đoạn tới, nhưng cũng giúp thành phố có thêm nguồn lực giải quyết được những nhu cầu cấp thiết nhất về cơ sở hạ tầng", ông Trần Du Lịch nói.

Lấy lại “sức vóc” cho TP.HCM (Bài 2): Tăng 1% ngân sách để lại, Trung ương có thêm 14.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Bến Nhà Rồng. Ảnh: Quỷ Cốc Tử

 Thiếu 2%, TP giảm nguồn lực bao nhiêu?

Tại Hội thảo Phục hồi và phát triển kinh tế xã hội TP.HCM giai đoạn 2022-2025 mới đây, ông Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM đã liên tục nhấn mạnh về sự cần thiết của việc được điều tiết tỷ lệ ngân sách giữ lại cho TP từ 18% lên 23%.

Theo ông Ngân, nếu được tăng 1% tỷ lệ ngân sách để lại, thành phố sẽ có thêm 2.000 tỷ đồng. Số tiền này được dùng chi đầu tư công có thể tạo ra hệ số "đòn bẩy" cho vốn đầu tư xã hội khoảng 9-10 lần, tương đương 20.000 tỷ đồng vốn đầu tư xã hội. Tính trung bình nhiều năm, tổng vốn đầu tư xã hội thường bằng khoảng 33-34% GRDP. Do đó, từ 20.000 tỷ nêu trên có khả năng tạo ra 60.000 tỷ GRDP cho TP.HCM.

Khi GRDP được tạo ra khoảng 60.000 tỷ thì thu ngân sách cũng sẽ tăng thêm khoảng 18.000 tỷ đồng (thu ngân sách chiếm 28-30% GRDP). Trong số này, thành phố được giữ lại 4.000 tỷ, còn 14.000 tỷ sẽ chuyển về ngân sách trung ương.

Lấy lại “sức vóc” cho TP.HCM: Tăng 1% ngân sách để lại, Trung ương có thêm 14.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Có nguồn lực, TP sẽ tập trung đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông để kích thích kinh tế phát triển - Ảnh: Quốc Hải

"Như vậy, nếu để lại cho thành phố thêm 1% ngân sách, sau một năm, trung ương thu được 14.000 tỷ đồng", ông Ngân chỉ ra.

"Năm 2022 TP.HCM dự kiến sẽ thu hơn 386.568 tỷ đồng, tăng hơn 21.675 tỷ đồng so với dự toán năm 2021. Theo đó, phần thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp là 84.121 tỷ đồng, gồm: Phần ngân sách thành phố được hưởng 100% là hơn 42.583 tỷ đồng và phần được hưởng 21% là 41.535,9 tỷ đồng.

Như vậy, so với năm 2021, phần tỷ lệ điều tiết mà ngân sách thành phố được hưởng trong năm sau dự kiến tăng thêm 3%, tương ứng với khoảng 6.000 tỷ đồng" - Nguồn: Bộ Tài Chính

Nhắc lại nghiên cứu này để cho thấy, chỉ cần 2% ngân sách được giữ lại, TP có thêm 8.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển, còn trung ương sẽ thu được khoảng 28.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo đề xuất mới đây của Bộ Tài Chính, tỷ lệ ngân sách được giữ lại của TP dự kiến chỉ tăng từ 18% lên 21% chứ không phải 23% như kỳ vọng. Tất nhiên, với nhiều chuyên gia kinh tế, đây là điều đáng mừng nhưng chắc chắn vẫn còn rất thiếu để TP.HCM lấy lại "sức vóc" của đầu tàu kinh tế cả nước.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho hay, rất khó để nói tỷ lệ 21% này là hợp lý hay chưa, đủ hay chưa đủ. Tuy nhiên, theo ông thì nên ưu tiên thành phố hết sức có thể, bởi TP có phục hồi được, có tăng trưởng được hay đổi mới mô hình tăng trưởng được, tái cơ cấu được thì phụ thuộc rất lớn vào tỷ lệ điều tiết ngân sách giữ lại.

Không đủ nguồn lực sẽ khó đổi mới tăng trưởng

"Nếu TP không đủ nguồn lực để giải quyết các vấn đề tắc nghẽn giao thông, môi trường, các vấn đề xã hội, tham gia nghiên cứu đổi mới sáng tạo… thì rất khó đổi mới mô hình tăng trưởng, Vì vậy, tôi nghĩ nên ưu tiên đáp ứng yêu cầu của TP là giữ lại ngân sách cho TP với tỷ lệ 23%", ông Cung nói.

Chuyên gia tài chính Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định, trong bối cảnh khó khăn về ngân sách quốc gia do hệ lụy của dịch Covid-19, việc nâng tỉ lệ điều tiết tăng thêm 3% thay vì 5% như đề xuất của TP.HCM, các cơ quan trung ương chắc cũng đã có sự cân nhắc, suy xét kỹ lưỡng. Nếu đề xuất này được Quốc hội thông qua cũng là một sự chia sẻ, hỗ trợ thêm cho TP có nguồn lực phát triển trong thời gian tới.

Lấy lại “sức vóc” cho TP.HCM: Tăng 1% ngân sách để lại, Trung ương có thêm 14.000 tỷ đồng - Ảnh 4.

Đầu tư cải thiện hạ tầng giao thông là một yêu cầu cấp bách của TP.HCM để phục hồi và phát triển kinh tế... - Ảnh: Quốc Hải

Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia tài chính này, nếu tỷ lệ ngân sách giữ lại là 23% sẽ là trợ lực lớn cho TP vì đây là đầu tàu kinh tế, có nhiều cư dân nhập cư từ nhiều tỉnh thành nên tốc độ phát triển phải là liên tục. Trong khi đó, thời gian qua TP.HCM đã gặp rất nhiều khó khăn do tác động quá lớn của dịch bệnh trong thời gian dài, nhưng thực tiễn đã chứng minh TP là nơi sử dụng nguồn lực từ ngân sách hiệu quả ở mức tối đa, tạo sức lan tỏa lớn. 

Vì vậy, có thể nói TP đã hội tụ 2 điều kiện quan trọng để được tăng thêm sự hỗ trợ về ngân sách.

"Con số 23% giữ lại sẽ đóng vai trò rất lớn để phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư công… để giúp TP phát triển nhiều hơn" – ông Phương nói.

Hiểu thế nào cho đúng về con số 21% mà TP được hưởng?

Luật Ngân sách Nhà nước quy định rõ, nguồn thu ngân sách Nhà nước tại bất cứ địa phương nào cũng có 3 nhóm: Nhóm thu hộ cho trung ương (nhóm 1); nhóm thu bao nhiêu hưởng bấy nhiêu (nhóm 2) và nhóm thu rồi gửi về trung ương và được trích lại (nhóm 3).

Dựa vào các quy định trên, ở nhóm 1, TP.HCM thu đồng nào, nộp đồng đó về cho Trung ương, ví dụ các loại thuế xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố.

Nhóm 2: Thu đồng nào hưởng đồng đó, ví dụ các khoản thu lệ phí môn bài, trước bạ, tiền sử dụng đất… trên địa bàn TP.HCM.

Nhóm 3: Được giữ lại 18%, nộp về trung ương 82% (năm 2021). Nhóm này gồm 5 nhóm thuế: Thuế VAT, thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt (không tính thuế tiêu thụ đặc biệt từ hàng nhập khẩu); thuế bảo vệ môi trường (không tính thuế bảo vệ môi trường từ hàng hóa nhập khẩu) và thuế thu nhập cá nhân. Tại nhóm thuế này, năm 2022 dự kiến theo đề xuất của Bộ Tài chính sẽ được giữ lại 21%, nộp về trung ương 79%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem