Lazada bị kiện vì tiếp tay hàng giả, hàng nhái: Người dân Việt Nam còn tư tưởng hám rẻ nên cần thời gian

Quang Dân Thứ bảy, ngày 12/09/2020 07:31 AM (GMT+7)
Liên quan đến việc Lazada bị kiện vì tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng chủ sàn thương mại điện tử này không thể tránh khỏi liên đới. Tuy nhiên, sự việc này vẫn chưa đủ thức tỉnh người tiêu dùng Việt Nam vì vẫn còn tư tưởng hám lợi, hám rẻ và cần thời gian thay đổi.
Bình luận 0

Lazada Việt Nam đã có phản hồi liên quan đến thông tin Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt (First News) chính thức nộp đơn khởi kiện Lazada lên TAND quận 1, TP HCM.

Theo đó, trước thông tin Lazada bị First News kiện, nền tảng này không bình luận trực tiếp nhưng cho biết luôn áp dụng chính sách quản lý nền tảng nghiêm ngặt và tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành. Vì vậy, nhà bán hàng trên Lazada cũng phải cam kết tuân thủ theo luật pháp và quy định của địa phương. Lazada có một hệ thống nghiêm ngặt để giám sát việc vận hành

Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu vi phạm, sàn sẽ lập tức tiến hành rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm có liên quan trên nền tảng. Tất cả phản ánh liên quan tới hàng giả, hàng nhái trên sàn giao dịch thương mại điện tử Lazada đều được xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đây không phải là lần đầu tiên Lazada Việt Nam bị các bên liên quan "tố" về những bất cập trong công tác vận hành. Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ số ngày càng phát triển, các kênh mua bán oline được xem là xu thế của tương lai, thì những sự việc như trên có khả năng dẫn đến việc khách hàng tẩy chay, hay xa hơn có thể đẩy các kênh thương mại điện tử chết yểu vì bán hàng giả.

Lazada bị kiện: Xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các bên? - Ảnh 1.

Lazada bị First News kiện vì tiếp tay cho hoạt động tiêu thụ hàng nhái, hàng giả

Lazada phải chịu trách nhiệm 

Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng đặc thù của kênh thương mại điện tử có điểm giống như Trung tâm thương mại. Đó là ngoài những gian hàng của chính nhà đầu tư sử dụng trực tiếp kinh doanh, còn có nhiều gian hàng cho người khác thuê lại nhằm buôn bán những sản phẩm khác.

Ở đây, vai trò của chủ đầu tư là quản lý chung về mọi mặt dựa trên hợp đồng được ký kết với các chủ gian hàng đó về tiền thuê, an ninh trật tự cũng như điều khoản đi kèm dựa trên thỏa thuận của đôi bên. Do đó, trong câu chuyện Lazada bị kiện vì có hành vi tiếp tay tiêu thụ sách giả, đánh lừa bạn đọc có hai khả năng xảy ra.

Thứ nhất, những sản phẩm này do Lazada trực tiếp kinh doanh, bán, thu tiền và nộp thuế. Lúc này, việc xác định trách nhiệm và sai phạm của Lazada sẽ dựa trên tính chất, quy định luật pháp hiện hành.

Thứ hai, nếu đối tác thuê lại gian hàng của Lazada là bên bán hàng giả thì phía đối tác mới là đơn vị chịu trách nhiệm chính về mặt pháp lý. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Lazada cũng không thể thoát được việc bị liên đới khi để xảy ra việc gian lận tại kênh thương mại điện tử của mình. 

Theo luật sư Trương Thanh Đức, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho đối tác, bởi lẽ khi đồng ý cho thuê lại gian hàng của mình, Lazada phải có trách nhiệm đảm bảo thông tin, chất lượng, tính pháp lý tất cả sản phẩm được chào bán trên nền tảng ứng dụng. Kiểm tra hàng hóa hợp lệ, hợp pháp theo quy định của pháp luật nơi sở tại, không thể để tình trạng người bán hàng muốn bán gì cũng được trong phạm vi kiểm soát.

"Nhưng, đáng nói ở đây luật vẫn không thật rõ về trách nhiệm phải chịu như thế nào? Hay nói đúng hơn, vẫn phân biệt trách nhiệm đến đâu là do thỏa thuận, cam kết . Trừ một vài trường hợp có quy định rõ ràng, tuy nhiên, Lazada vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới vì không thể nào tạo ra một kênh thương mại điện tử nhưng lại buông lỏng quản lý dẫn đến lừa đảo, gian lận, hàng nhái, hàng giả", ông Đức cho hay.

Bên cạnh việc xem xét về luật, cần tính thêm yếu tố ứng xử tối thiểu trong kinh doanh. Lazada phải có nghĩa vụ tạo ra một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh. Việc để xuất hiện hàng nhái hàng giả đang vô tình giết chết những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Từ những phân tích trên, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, Chính phủ cần quy định rõ hơn trách nhiệm của chủ sàn thương mại điện tử. Khi khách hàng mua phải hàng kém chất lượng, khách hàng làm việc trực tiếp các vấn đề liên quan với chủ sàn thương mại điện tử. Sau khi giải quyết xong với khách hàng, chủ sàn truy tiếp vai trò của đối tác bán sản phẩm kém chất lượng.

Đồng thời, các bước phải được quy định điều khoản cụ thể. Hiện tại, việc để người tiêu dùng khi gặp hàng kém chất lượng chỉ được đòi hỏi quyền lợi với bên bán hàng sẽ dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các bên.

Luật sư Trương Thanh Đức đánh giá, khi khách hàng đứng lên "kiện" đơn vị làm ăn vô trách nhiệm, gian dối đòi hỏi trách nhiệm, luật pháp sửa đổi cơ chế nghiêm khắc, mức xử phạt tăng nặng thì 5,10 năm nữa môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ được nâng cao. Quyền lợi người tiêu dùng đảm bảo, và tình trạng hàng nhái hàng giả bị hạn chế ở mức tối thiểu.

"Trong điều kiện hội nhập, không thể chấp nhận hành vi bán hàng giả. Chính phủ phải nâng chế tài lên thật nghiêm khắc, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức không tiếp tay cho hàng nhái, dù rẻ cũng không dùng. Đáng tiếc, thu nhập của chúng ta quá thấp, người dân còn tư tưởng hám lợi, hám rẻ nên cần thêm thời gian để thay đổi", ông Đức nói.

Lazada bị kiện: Xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các bên? - Ảnh 3.

Lazada có thể bị tẩy chay vì tiếp tay bán hàng giả, hàng nhái

Lazada có bị tẩy chay vì tiếp tay bán hàng giả, hàng nhái?

Trước quan điểm Lazada có thể bị tẩy chay vì bán hàng giả, hàng nhái luật sư Đức cho rằng trường hợp này rất khó xảy ra. Bởi lẽ, người dân chúng ta chấp nhận điều đó, chính thói quen tiêu dùng thích hàng đẹp, giá rẻ của người dân là tác nhân chủ yếu tiếp tay cho vấn nạn này tồn tại trong bao nhiêu năm qua.

Mặt khác, câu chuyện hàng giả, hàng nhái này không phải là sự việc "đặc biệt" nghiêm trọng có thể thức tỉnh ý thức trong người dân hay kích thích biện pháp phòng vệ của pháp luật như "cháy nhà, giết người". Ví dụ, hậu quả đưa lại của việc bán hàng giả có liên quan trực tiếp đến tính mạng con người, gây nguy hiểm cho cộng đồng ngay lập tức sẽ bị cơ quan chức năng xử lý.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định nếu không kiểm soát được tình trạng bán hàng kém chất lượng sẽ giảm niềm tin của khách hàng đối với Lazada. Khi khách hàng quay lưng, tẩy chay, tổn thất về mặt kinh tế có thể rất lớn, thậm chí dẫn đến sự sụp đổ của kênh thương mại điện tử này.

Trước đó, chiều ngày 8/9, Facebook cá nhân của ông Nguyễn Văn Phước, Công ty TNHH Văn Hóa Sáng Tạo First News - Trí Việt đã đăng tải thông tin Công ty này chính thức khởi kiện sàn thương mại điện tử (TMĐT) Lazada (thuộc Công ty Recess – Tập đoàn Alibaba) vì cho rằng doanh nghiệp này đã có "hành vi tiếp tay tiêu thụ hàng giả, sách giả, đánh lừa bạn đọc, vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam".

Ông Phước cho hay, sau hơn 2 năm phát hiện các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam trực tiếp, gián tiếp tiếp tay tiêu thụ sách giả số lượng lớn của các Nhà Xuất Bản ở Việt Nam và của First News – Trí Việt, công ty này đã nhiều lần cảnh cáo.

Đỉnh điểm để Công ty First News nộp đơn kiện Lazada vì gần đây, Lazada tiếp tục bán rất nhiều sách giả "Muôn kiếp nhân sinh" và hơn 600 đầu sách của Công ty First News. Theo ước tính, vì việc này mà Công ty First News bị thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Công ty First News với sự trợ giúp của Công ty Luật TriLaw đã quyết định khởi kiện sàn thương mại điện tử Lazada sau khi thu thập đầy đủ bằng chứng.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem