Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường 2025 có gì đặc sắc?
Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường hay còn gọi là lễ hội Khuống mùa là lễ hội truyền thống đã có từ rất lâu đời và là lễ hội dân gian lớn nhất của người Mường, đặc biệt ở 4 vùng Mường lớn của tỉnh Hòa Bình là Bi, Vang, Thàng, Động. Lễ hội Khai hạ của người Mường Hòa Bình đã được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch công bố quyết định là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đây là lễ hội gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ; là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào người Mường ở Hòa Bình mỗi dịp Xuân về.
Lễ hội mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập mường và cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, những điều tốt đẹp đến với người dân, xóm bản.
Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường năm 2025 được tổ chức trong 2 ngày 4 - 5/2 (tức ngày 7, 8 tháng Giêng).
Các hoạt động chính của phần lễ gồm: Tổ chức nghi lễ cúng thổ công, thổ địa; nghi lễ thờ cúng Thành Hoàng; nghi thức rước kiệu Quốc Mẫu Hoàng Bà từ Miếu thờ xóm Luỹ Ải xuống sân vận động qua cửa phía Tây.
Thực hiện các nghi thức tế lễ tại khán đài sân vận động xã Phong Phú có Mo dấng chiêng, hòa tấu Chiêng Mường, khai mạc Lễ hội và màn biểu diễn nghệ thuật chào mừng độc đáo với sự tham gia của 500 nghệ nhân chiêng Mường và 100 nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ của các xã, thị trấn trên địa bàn.
Sau đó, đại biểu và Nhân dân sẽ rước kiệu Quốc Mẫu Hoàng Bà ra cổng phía Đông Nam sân vận động về trước khu Nà Trùng và thực hiện nghi thức Lễ xuống đồng đầu Xuân…
Phần hội có nhiều hoạt động phong phú như: Thi trình diễn trang phục dân tộc; thi trưng bày, trình diễn trại văn hóa với sự tham gia của 16/16 xã, thị trấn trong huyện; thi trưng bày ẩm thực mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; thi các môn thể thao dân tộc bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, giải vô địch bóng chuyền năm 2025 trong khuôn khổ Đại hội Thể dục thể thao huyện Tân Lạc lần thứ VIII năm 2025.
Ban Tổ chức lễ hội tổ chức thi đan lát truyền thống; thi hát đối với sự tham gia của nghệ nhân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện và các huyện Lạc Sơn, Kim Bôi, Cao Phong; trình diễn bản âm (nhạc cụ dân tộc); trình diễn nghề dệt thổ cẩm dân tộc, làm bánh, cơm lam, hoạt động thiêu rượu, các sản phẩm về cá sông Đà; trò chơi dân gian đánh mảng, chiêng, nhảy dây, cướp cờ, bịt mắt đánh trống, đi cà kheo...
Bên cạnh đó là nội dung trưng bày các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP, hàng tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm văn hoá, du lịch với sự tham gia của đại diện 4 vùng Mường Bi, Vang, Thàng, Động; tổ chức phiên giao dịch tư vấn, giới thiệu việc làm trong không gian của lễ hội...