Liên kết sản xuất theo chuỗi an toàn thực phẩm - tiện lợi đủ đường

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 20/11/2021 11:39 AM (GMT+7)
Những mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết đảm bảo an toàn thực phẩm cho thấy, việc liên kết sản xuất sẽ giúp nông dân giảm đáng kể rủi ro khi thị trường có biến động, dễ dàng hơn khi đáp ứng các yêu cầu của thị trường.
Bình luận 0

Những điểm sáng trong chuỗi liên kết

Năm 2007, 29 thành viên trồng xoài tại huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đã cùng nhau thành lập HTX nông nghiệp - dịch vụ - thương mại - du lịch Suối Lớn với diện tích 80ha. 

Để tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, HTX định hướng sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và được Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng cấp giấy chứng nhận.

Đến nay, HTX xoài Suối Lớn có diện tích 150ha (41 thành viên tham gia).

Năng suất xoài trồng tại Suối Lớn đạt 25-30 tấn/ha, giá bán bình quân khoảng 15.000 đồng/kg. Ngoài thị trường nội địa, quả xoài Suối Lớn đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hồng Kông, Ucraina,… với sản lượng khoảng 1.000 tấn/năm. 

Đặc biệt, năm 2020, xoài Suối Lớn được Công ty Lương Gia tiêu thụ sản lượng 1.000 tấn; Công ty Long Uyên 500 tấn; cơ sở kinh doanh rau - củ - quả Bảo Yến tiêu thụ 2.000 tấn,…

Trong khâu quản lý chất lượng, HTX đã tiến hành xây dựng quy trình sản xuất xoài sạch bằng các biện pháp như lắp đặt hệ thống bảo quản sau thu hoạch, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa…

 Ngoài ra, HTX còn thực hiện nghiêm ngặt thời gian chuẩn bị thu hoạch quả được cách ly với thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định. 

Đối với sản phẩm xuất khẩu, sau khi xoài được thu hoạch đưa về, HTX cử cán bộ kỹ thuật đến kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của hộ trồng, kích cỡ và chất lượng xoài. Mỗi lô hàng đều có hồ sơ ghi chép cẩn thận...

Liên kết theo chuỗi - tiện lợi đủ đường - Ảnh 1.

Thu hoạch bắp cải tại HTX  Rau an toàn Tự Nhiên (xã Đông Sang, Mộc Châu, Sơn La). Ảnh: Quang Quyết

Theo TS Lê Đức Thịnh, việc sản xuất theo các quy trình an toàn như VietGAP, GlobalGAP sẽ gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất có thể cao hơn so với cách làm thông thường.

Do đó, cần định vị thị trường một cách hợp lý, tăng cường các hoạt động tìm kiếm và mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, cần kiên trì và thuyết phục nông dân duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn.

Chuỗi giá trị rau an toàn ở Mộc Châu (Sơn La) cũng đang được tiêu thụ tại nhiều chuỗi của hàng bán lẻ theo hướng chất lượng cao… 

Nếu như năm 2012, khối lượng rau an toàn ở Mộc Châu được tiêu thụ qua các kênh bán hàng chất lượng cao chỉ vào khoảng 31 tấn, thì đến năm 2017 đã đạt trên 1.000 tấn và tăng mạnh từ đó đến nay.

Để đạt được thành công nêu trên, mỗi HTX sản xuất rau an toàn ở Mộc Châu đều thành lập một ban kiểm soát để giám sát chất lượng nội bộ và được quy định trong điều lệ HTX.

Chuỗi giá trị thịt lợn sinh học A-Z của HTX Hoàng Long (Thanh Oai, Hà Nội) đã và đang là địa chỉ tin cậy cung cấp ra thị trường sản phẩm có chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng. Để đạt được thành quả này, con đường phát triển của HTX cũng đã trải qua nhiều thăng trầm. Năm 2012, HTX nuôi 300 lợn nái và gần 3.000 lợn thịt thương phẩm theo phương thức chăn nuôi công nghiệp nhưng giai đoạn này, giá thịt lơn liên tục đi xuống khiến HTX làm ăn thua lỗ. Từ năm 2013 - 2015, HTX giảm quy mô chăn nuôi xuống 2.000 con lợn thịt để duy trì sản xuất mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn về thị trường.

HTX Hoàng Long xây dựng mô hình chuỗi khép kín, đảm nhiệm tất cả các khâu từ đầu vào, chăn nuôi đến giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. 

Đặc biệt hơn nữa, HTX có khả năng tự cung ứng con giống và sản xuất tới 97% lượng thức ăn sinh học cho chăn nuôi để kiểm soát chất lượng và giảm chi phí đầu vào.

Liên kết theo chuỗi - tiện lợi đủ đường - Ảnh 3.

Mô hình liên kết trồng lúa hữu cơ giữa doanh nghiệp và nông dân xã Đồng Phú (Chương Mỹ, Hà Nội). Ảnh: P.V

Liên kết theo chuỗi - tiện lợi đủ đường - Ảnh 4.

Tăng cường liên kết nông dân trong HTX

Từ thực tế các mô hình liên kết thành công, theo TS Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT), phải tăng cường liên kết ngang giữa những người sản xuất thông qua HTX để hình thành vùng chuyên canh rộng lớn, đủ điều kiện để áp dụng các tiến bộ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm.

 HTX luôn phải là đầu tàu trong việc tập hợp và đại diện cho người sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, phải luôn năng động để tìm kiếm các cơ hội của thị trường.

HTX cũng đóng vai trong đặc biệt quan trọng trong việc phát triển chuỗi giá trị, thông qua liên kết các hộ sản xuất quy mô nhỏ để tạo được vùng nguyên liệu đủ lớn để liên kết với doanh nghiệp. 

Bài học từ HTX xoài Suối Lớn cho thấy vai trò của HTX trong việc phát triển liên kết ngang giữa các hộ trồng xoài và liên kết dọc với doanh nghiệp để tìm kiếm thị trường, mở rộng các hoạt động chế biến để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Trong khi đó, theo ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, để đáp ứng nhu cầu khắt khe của các thị trường chất lượng cao, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và tập huấn, hướng dẫn người nông dân các biện pháp kỹ thuật và sản xuất theo chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đảm bảo chất lượng sản phẩm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem