dd/mm/yyyy

Liên kết trồng và chế biến cây nghệ ở Hưng Yên

Những năm gần đây, xã Chí Tân (Khoái Châu, Hưng Yên) phát triển mạnh mô hình trồng cây nghệ. Không thể phủ nhận giá trị kinh tế của loại cây này, nhưng việc canh tác thiếu quy hoạch dẫn đến sản lượng tăng nhanh khiến củ nghệ mất giá trầm trọng. Để giải quyết đầu ra, cần có sự liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ một cách bền vững giữa người dân và doanh nghiệp.

Sức ép đầu ra

Xã Chí Tân được coi là “cái nôi” của cây nghệ ở miền Bắc, với diện tích nghệ lớn và nhiều cơ sở chế biến sản phẩm từ củ nghệ. Nhờ đất phù sa màu mỡ, ruộng đồng thoáng đãng, tưới tiêu chủ động, người trồng nghệ ở Chí Tân giàu lên nhanh chóng. Năng suất củ hiện đạt trên 40 tấn/ha, lợi nhuận thu về gấp 7 - 10 lần ngô, lúa; năm 2016, trung bình nông dân có thể thu được lợi nhuận 15 - 20 triệu đồng/sào đất trồng nghệ. Đó chính là lý do khiến loại cây này từng bước chiếm trọn gần 200ha đất canh tác của xã. Thậm chí, để tăng thu nhập, một số hộ còn thuê đất ở địa phương lân cận để trồng.

Công ty Đồng Chiêm nghiên cứu thành công phương pháp trồng nghệ bằng nuôi cấy mô.
Công ty Đồng Chiêm nghiên cứu thành công phương pháp trồng nghệ bằng nuôi cấy mô.

Tuy nhiên, hậu quả của việc tăng diện tích, sản lượng mà không chú trọng đến đầu ra đã khiến giá nghệ ngày càng giảm. Năm 2017, sản lượng nghệ củ của Chí Tân lên đến 6.000 tấn, nhưng giá bán giảm xuống còn gần 10.000 đồng/kg, trong khi năm 2016 giá lên tới trên 30.000 đồng/kg.

Lối đi bền vững

Giải pháp đặt ra là cần làm tốt liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó phải có sự đầu tư bài bản của các doanh nghiệp. Từ thực trạng trên, Công ty CP Đồng Chiêm (TP. Hưng Yên) đã “xắn tay” cùng người dân Chí Tân tìm hướng phát triển bền vững cho cây nghệ. Bà Lê Thanh Hải, Giám đốc Công ty cho biết: Doanh nghiệp chú trọng đầu tư công nghệ chế biến, xây dựng nhãn hiệu và tham gia các hội chợ thương mại, nông nghiệp… Qua đó, từng bước có được những hợp đồng tiêu thụ lớn, giúp đẩy mạnh thu mua.

“Củ nghệ trồng ở Chí Tân có hàm lượng Curcumin cao hơn hẳn các nơi khác. Tuy nhiên, nếu qua chế biến thành các sản phẩm thì giá trị kinh tế còn tăng lên gấp nhiều lần. Hiện nay, chúng tôi đã sản xuất ra nhiều dòng sản phẩm có chất lượng và giá trị cao như: nghệ sấy khô, bột nghệ, tinh bột nghệ, viên nghệ tẩm mật ong...”, bà Hải chia sẻ.

Trước đây, sản phẩm tinh bột nghệ chủ yếu được chế biến bằng phương pháp thủ công, nên chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, Công ty Đồng Chiêm đã tiến hành đầu tư dây chuyền, thiết bị máy móc hiện đại để bảo đảm chất lượng và thương hiệu.

Tinh bột nghệ Đồng Chiêm hiện được phân phối chủ yếu ở thị trường trong nước, tại các siêu thị, công ty dược và ứng dụng nhiều trong các nhu cầu của cuộc sống: thực phẩm, dược liệu và làm đẹp. Đến nay, công suất chế biến của công ty mỗi năm đạt 5 tấn tinh bột nghệ (100 tấn củ nghệ tươi) và hơn 40 tấn bột nghệ khô (250 tấn nghệ củ tươi).

Bên cạnh đó, với quyết tâm cùng bà con nông dân xây dựng mô hình sản xuất nghệ an toàn có quy mô hàng hóa chất lượng cao, tiến tới xây dựng vùng nông nghiệp sạch, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư kinh phí từ khâu giống đến sản xuất. Cụ thể, liên kết trồng và bao tiêu sản phẩm cho trên 20 hộ dân; nhờ đó, tạo nên những cánh đồng nghệ lớn và tiến tới ứng dụng công nghệ cao.

Công ty đã chủ động nghiên cứu việc củ nghệ thường bị nhiễm nấm, bệnh. Nguyên nhân là do tập quán canh tác, nghệ được trồng bằng củ, sau đó bà con lại thu củ giống về tận dụng bán, làm cây bị thương; điều này khiến hàm lượng dược liệu trong củ nghệ bị giảm, khó đạt yêu cầu của đối tác nước ngoài. Đơn vị đã mời các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam về phối hợp, nghiên cứu thành công phương pháp nhân giống nghệ bằng cấy mô.

Anh Đỗ Minh Công, phụ trách kỹ thuật của công ty cho biết: Mô hình này có rất nhiều ưu điểm, tỷ lệ sống cao, bén rễ tốt khi trồng, sinh trưởng nhanh và kháng bệnh tốt. Hiện, công ty đang tiếp tục tiến hành thử nghiệm, sau đó mới nhân rộng, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị của cây nghệ Chí Tân.

Bài, ảnh: Ngọc Tùng