Liên tục lập đỉnh, cổ phiếu "vua" có còn dư địa tăng trưởng?

Quốc Hải Thứ năm, ngày 27/05/2021 16:36 PM (GMT+7)
Nhóm cổ phiếu “vua” - cổ phiếu ngân hàng - bắt đầu tạo sóng kể từ cuối tháng 3/2021, khi một số nhà băng bắt đầu hé lộ kết quả kinh doanh tích cực trong quý 1, cùng các “game” bán vốn cho đối tác chiến lược, tăng vốn...
Bình luận 0

Trong nhóm các ngân hàng đang niêm yết, cổ phiếu LPB (Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt; LienVietPostBank) hiện là cổ phiếu "vua" có thị giá tăng mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay. 

Cụ thể, mã chứng khoán LPB đã có mức tăng tưởng ấn tượng với hơn 111,3%, từ mức giá 12.400 đồng/CP hồi cuối năm 2020, lên tới mức giá 26.200 đồng/CP thời điểm hiện tại.

Liên tục lập đỉnh, cổ phiếu "vua" có còn dư địa tăng trưởng? - Ảnh 1.

Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục được dự báo còn dư địa tăng trưởng trong năm 2021...

Nhiều cổ phiếu "vua" tăng giá 100%

Bên cạnh kết quả kinh doanh quý I tích cực cùng triển vọng khả quan trong năm nay, việc ông Nguyễn Đức Thụy (còn gọi là bầu Thụy) nằm trong "ghế nóng" của ngân hàng được cho là nhân tố thúc đẩy cổ phiếu LPB tăng phi mã trong thời gian qua.

Còn nhớ, tại cuộc Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của LienVietPostBank tổ chức cuối tháng 4, cổ đông ngân hàng kỳ vọng ông Thụy sẽ giúp đưa cổ phiếu LPB lên tầm cao mới, ở mức 25.000-27.000 đồng/CP, ngang với thị giá cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Á Châu và Ngân hàng TMCP Quân đội.

Đầu tháng 5, ông Nguyễn Đức Thụy chính thức được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị của LienVietPostBank. Và hiện tại (phiên giao dịch 27/5), mức thị giá của cổ phiếu LPB đã đạt tới con số kỳ vọng của nhà đầu tư.

Kế đến, VPB (Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng; VPBank) cũng có mức tăng trưởng cực kỳ ấn tượng. Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/12/2020, thị giá cổ phiếu VPB chỉ ở mức 32.500 đồng/CP thì đến phiên 21/5/2021, mã chứng khoán này đã lập "đỉnh" 67.800 đồng/CP, tương ứng với mức tăng 109%.

Đà tăng của VPB đến từ sau thông tin VPBank có kế hoạch bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho Tập đoàn SMBC (Nhật Bản) với mức định giá 2,8 tỷ USD.

Đến ngày 28/4 khi thương vụ này được hoàn tất, cổ phiếu VPB vẫn được định giá hấp dẫn nhờ vị trí dẫn đầu trong phân khúc tài chính tiêu dùng, cùng kế hoạch phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược nước ngoài.

Tính đến thời điển hiện tại (phiên 27/5), cổ phiếu VPB giảm nhẹ về mức 66.800 đồng/CP.

Liên tục lập đỉnh, cổ phiếu "vua" có còn dư địa tăng trưởng? - Ảnh 3.

Lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng dự báo sẽ tăng trưởng mạnh ở mức 28%, đóng góp chủ yếu bởi tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2021

Trong nhóm cổ phiếu "vua" tăng phi mã trong thời gian gần đây, không thể không kể đến cái tên STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Cụ thể, sau một khoảng thời gian dài "ì ạch" với thị giá quanh mốc 15.000 đồng/CP, hiện STB bắt đầu tăng tốc mạnh kể từ đầu năm đến nay.

Nguyên nhân khiến cổ phiếu STB tăng mạnh là vì kể từ sau đại hội cổ đông thường niên tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, những thông tin tích cực về kết quả kinh doanh quý I/2021, quá trình tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu diễn ra thuận lợi sau 4 năm sáp nhập… đã giúp cổ phiếu STB trở nên hấp dẫn hơn.

Hiện, "cổ phiếu con dâu" của ông Dương Công Minh đã tăng lên tới 29.700 đồng/CP (phiên 27/5), với mức tăng gần 100%.

Một loạt các cổ phiếu "vua" khác cũng đồng loạt tăng phi mã trong thời gian qua, khiến cổ đông ngân hàng càng thêm phấn khởi, phải kể đến như: Cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam tăng từ mức giá 32.400 đồng/CP (giá đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2020) lên mức giá 63.700 đồng/CP thời điểm hiện tại, tương ứng mức tăng gần 100%.

Tương tự, NVB của Ngân hàng TMCP Quốc dân cũng tăng ấn tượng với mức tăng 100%, từ vùng giá dưới thị giá (chỉ 9.100 đồng/CP) hồi cuối năm 2020 lên mức giá 19.900 đồng/CP thời điển hiện tại.

KLB (Ngân hàng TMCP Kiên Long) cũng tăng trưởng mạnh, từ vùng giá 19.200 đồng/CP hồi cuối năm 2020, hiện mã chứng khoán này đã tăng tới 27.100 đồng/CP, tương ứng mức tăng khoảng 42%.

Cá biệt, EIB (Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam; Eximbank) bất chấp lợi nhuận quý I/2021 lao dốc, nợ xấu phình to và nội bộ rối ren, mã chứng khoán này liên tục thăng hoa.

Hiện cổ phiếu EIB đã vượt mức giá 30.000 đồng/CP (kết phiên 27/5, cổ phiếu EIB đã đạt mức giá 30.650 đồng/CP), tăng 60% so với mức giá 19.250 đồng/CP hồi cuối năm 2020.

Hàng loạt mã chứng khoán ngân hàng khác cũng tăng mạnh thời gian gần đây, như: ACB (Ngân hàng Á Châu) tăng 37%, từ vùng giá 28.100 đồng/CP lên mức giá 38.450 đồng/CP; hoặc NAB (NamA Bank) tăng 42%, từ vùng giá 14.800 đồng/CP lên mức 20.900 đồng/CP thời điểm hiện tại…

Cổ phiếu "vua" có còn dư địa tăng?

Trong một báo cáo mới đây của Chứng khoán SSI (SSI Research), nhận định, câu chuyện tăng vốn cũng có thể là yếu tố nâng đỡ cho giá cổ phiếu ngân hàng từ nay cho đến cuối năm 2021.

Theo SSI Research, nhiều ngân hàng như MBB, Techcombank, VPBank, TPBank… đã có những đợt tăng vốn để cải thiện các chỉ tiêu an toàn vốn trong năm 2017-2018, trong khi các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank và BIDV) được tăng vốn trong năm 2019. Và sau những đợt tăng vốn như vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng niêm yết đã vượt tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu.

Trong khi đó, năm 2021, khoảng 16 ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu của SSI Research đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ với tổng số vốn lên tới 82.700 tỷ đồng (tăng 31% so với năm trước). Bao gồm: 61.800 tỷ đồng (75%) ước tính tăng qua chia tách cổ phiếu; 18.300 tỷ đồng (22%) từ phát hành riêng lẻ hoặc phát hành quyền mua cổ phiếu và 2.600 tỷ đồng (3%) thông qua phát hành ESOP.

Tuy vậy, SSI Research cũng lưu ý nhà đầu tư cần cẩn trọng hơn đối với nhóm ngân hàng, do triển vọng tích cực đã phần nào phản ánh vào giá.

Liên tục lập đỉnh, cổ phiếu "vua" có còn dư địa tăng trưởng? - Ảnh 4.

Lãi suất huy động đầu vào đang được kìm rất thấp, trong khi lãi suất đầu ra không giảm tương ứng với lãi suất đầu vào. Điều này khiến NIM ngân hàng vì thế sẽ rất cao, dẫn đến biên lợi nhuận của ngành ngân hàng vì thế cũng cao.

Báo cáo triển vọng ngành ngân hàng vừa được công bố của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng đưa ra nhận định, lợi nhuận trước thuế toàn ngành sẽ tăng trưởng mạnh ở mức 28%, đóng góp chủ yếu bởi tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2021. Cùng với đó là mặt bằng lãi suất đi ngang và giảm áp lực chi phí dự phòng.

Đây sẽ là các yếu tố tiếp tục hỗ trợ cho đà tăng trưởng của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong năm 2021.

Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định, ngành ngân hàng vẫn được hưởng lợi nhiều trong năm 2021 do tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, do chính sách lãi suất linh hoạt, đặc biệt lãi suất huy động đầu vào đang được kìm rất thấp, trong khi lãi suất đầu ra không giảm tương ứng với lãi suất đầu vào.

"NIM ngân hàng vì thế sẽ rất cao, dẫn đến biên lợi nhuận của ngành ngân hàng vì thế cũng cao. Có thể nói, ngành ngân hàng vẫn tiếp tục hưởng lợi trong năm nay, nên giá cổ phiếu ngành ngân hàng vì thế cũng tiếp tục có dưa địa tăng, nhưng giá sẽ tăng không nhiều vì lý do giá cổ phiếu ngân hàng hiện nay đã tăng quá nhiều và qua nhanh", ông Phương nói.

"Cách đây một năm thì nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng xoay quanh 1x, 2x rất nhiều nhưng hiện nay đa số đều từ 2x, 3x trở lên. Có thể nói các mã cổ phiếu ngân hàng đã tăng từ 50% - 100% tùy từng ngân hàng. Ví dụ như CTG, VPB, TCB… nếu so với năm ngoài thì đã tăng 100% rồi, nên dư địa tăng sắp tới sẽ không nhiều, mặc dù vẫn có thể tăng theo từng con sóng của thị trường…" – ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem